Đánh giá phân hạng Ocop Lai Châu
Ngày 29/11/2023, Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Lai Châu năm 2023 đã tổ chức đánh giá phân hạng đối với các sản phẩm tiềm năng 4 sao của 3 huyện thành phố trên địa bàn.
Dự Hội nghị có các thành viên trong Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm chương trình OCOP cấp tỉnh; đại diện lãnh đạo các huyện, thành phố và các chủ thể có sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2023.
Tham gia dự thi đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2023, toàn tỉnh có 12 hồ sơ tiềm năng 4 sao của 3 chủ thể tham gia. Trong đó có 6 sản phẩm chế biến từ chè của Công ty cổ phần đầu tư phát triển chè Tam Đường, 2 sản phẩm Mắc ca của Công ty TNHH MTV Trường Giang Lai Châu và 4 sản phẩm gạo của Công ty TNHH MTV Dũng Long được chuyển giao từ HTX xây dựng Thanh Xuân. 12/12 sản phẩm đều thuộc ngành thực phẩm. Đây là những sản phẩm đã được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2020, 2021 và đã được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp huyện, thành phố đánh giá lại trong năm 2023 và đạt từ 70 điểm trở lên.
Đồng chí Đặng Văn Châu – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Chủ tịch Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm chương trình OCOP tỉnh Lai Châu phát biểu tại hội nghị
Ông Đặng Văn Châu – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Chủ tịch Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm chương trình OCOP cấp tỉnh nhấn mạnh những thành công ban đầu của Chương trình OCOP và hiệu ứng lan tỏa của chương trình trên địa bàn toàn tỉnh hiện nay, là nền tảng để thúc đẩy phát triển sản xuất sản phẩm, dịch vụ có tiềm năng ở các địa phương. Kết quả đạt được của chương trình sẽ góp phần vào việc thực hiện thành công Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của các Sở, Ban, Ngành, Tổ giúp việc, các địa phương và đơn vị chủ thể có sản phẩm tham gia đánh giá, chấm điểm.
Theo đánh giá của Hội đồng, các sản phẩm dự thi chủ yếu là các sản phẩm đặc sản, đặc trưng, truyền thống của địa phương, các chủ thể đã quan tâm đến chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc và bao bì nhãn mác theo quy định, đã khơi dậy được tiềm năng, thế mạnh về sản vật, vùng nguyên liệu và sử dụng lao động địa phương. Các chủ thể đã thấy được lợi thế, cơ hội để phát triển và khai thác giá trị sản phẩm gắn với nét văn hóa truyền thống và điều kiện tự nhiên, góp phần chuyển đổi sản xuất theo hướng tăng quy mô gắn với chuỗi giá trị, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Các chủ thể có sản phẩm sau khi được chứng nhận tiếp tục hoàn thiện sản phẩm, bổ sung hồ sơ, tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu tư nâng cấp mở rộng quy mô sản xuất, đa dạng mẫu mã bao bì phù hợp với quy định và thị hiếu của thị trường, quan tâm chú trọng đến công tác quảng bá thương hiệu sản phẩm OCOP của địa phương tới người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Đồng thời, Tổ giúp việc cho Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm chương trình OCOP tỉnh Lai Châu hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để trình UBND tỉnh công nhận và cấp Giấy chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh cho các chủ thể.
Mộc Nhung