Đắk Nông: Gắn trách nhiệm người đứng đầu, quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư

Tinh thần trách nhiệm cùng sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tổ chức, thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Câu chuyện trách nhiệm người đứng đầu một lần nữa được ông Hồ Văn Mười – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông chia sẻ một cách thẳng thắn, quyết liệt tại Hội nghị cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tỉnh Đắk Nông năm 2022 do UBND tỉnh Đắk Nông phối hợp với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức mới đây.

Đắk Nông: Gắn trách nhiệm người đứng đầu, quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư
Ông Hồ Văn Mười – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông chia sẻ tại Hội nghị cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tỉnh Đắk Nông năm 2022

Đứng đầu phải đi đầu

Ông Hồ Văn Mười cho biết, trong những năm qua việc cải cách để tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động ổn định và phát triển; cho nhà đầu tư có cơ hội cạnh tranh lành mạnh, đến và ở lại Đắk Nông đã trở thành hành động xuyên suốt của chính quyền địa phương. Trong giai đoạn dịch bệnh phức tạp như 02 năm gần đây, những nỗ lực cải cách của cả hệ thống chính trị tỉnh Đắk Nông để đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư càng trở nên mạnh mẽ, chủ động và quyết liệt.

Điều đó đã được cộng đồng doanh nghiệp tỉnh ghi nhận và đánh giá tích cực. Thể hiện qua kết quả đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2021 do VCCI công bố ngày 27/4. Theo kết quả công bố, Chỉ số PCI 2021 tỉnh Đắk Nông đạt 61.95 điểm, xếp thứ 52/63 tỉnh, thành, tăng 8 bậc so với năm 2020, vượt 7 bậc so với chỉ tiêu kế hoạch đặt ra. Đây cũng là thứ hạng cao nhất địa phương đạt được trong 05 năm gần đây.

Ông Hồ Văn Mười khẳng định, tỉnh quyết tâm nâng cao chỉ số PCI năm 2022 và những năm tiếp theo bảo đảm khả thi, hiệu quả hơn; làm cho môi trường đầu tư, kinh doanh thực sự thông thoáng, minh bạch, tạo niềm tin cho doanh nghiệp hoạt động ổn định và phát triển.

Tuy nhiên, ông Mười cũng nhìn nhận trước mắt tỉnh cần phải cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh; xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng để mời gọi các nhà đầu tư. Để làm được điều này cần phát huy vai trò người đứng đầu.

Theo ông Mười, người đứng đầu là những “đầu tàu” của chuỗi hành động, từ chủ trương đến thực tế. Người đứng đầu không chỉ là các đồng chí lãnh đạo trong thường trực cấp tỉnh mà từ các đồng chí làm trưởng thôn, ấp; các đồng chí bí thư, chủ tịch các phường, xã; hay đồng chí trưởng phòng, đội trưởng…

“Xác định rõ điều này, những người đứng đầu các ngành, các cấp cần tiếp tục nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong chỉ đạo, điều hành, tăng cường kiểm tra, kiểm soát để ngày càng phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp” – ông Mười khẳng định.

Từng bước cải thiện môi trường đầu tư

Phân tích những điểm mạnh và hạn chế của môi trường đầu tư kinh doanh tỉnh Đắk Nông từ kết quả khảo sát PCI 2021, ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng thư ký, Ủy viên Ban Thường trực, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, Giám đốc dự án PCI cho biết, Đắk Nông đang có sự chuyển mình tích cực từ phía lãnh đạo tỉnh thể hiện qua tính năng động và tiên phong của chính quyền.

Ông Tuấn dẫn chứng, khảo sát 10 doanh nghiệp thì 9 doanh nghiệp trả lời chính quyền năng động hơn, linh hoạt hơn, sáng tạo hơn trong việc giải quyết các vấn đề mới.

Đắk Nông: Gắn trách nhiệm người đứng đầu, quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư
Ông Đậu Anh Tuấn – Phó Tổng thư ký, Ủy viên Ban Thường trực, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, Giám đốc dự án PCI chia sẻ tại hội nghị

Doanh nghiệp đánh giá chính quyền tỉnh có thái độ tích cực với khu vực tư nhân; Chất lượng thực thi chính sách của các sở ngành và các huyện đã được cải thiện; Gánh nặng chi phí thời gian khi thực hiện thủ tục hành chính giảm; Gánh nặng thanh tra, kiểm tra đang có xu hướng giảm…

Tuy nhiên, ông Tuấn cũng đề xuất các điểm Đắk Nông cần phải cải thiện trong thời gian tới: Tăng tính công khai minh bạch, khả năng tiếp cận thông tin; Cải thiện thủ tục hành chính về đất đai; Cải cách hành chính cần thực hiện mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt ở các lĩnh vực gây nhiều phiền hà cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cần tăng cường triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trong khuôn khổ Luật hỗ trợ DNNVV như: Tiếp cận quỹ bảo lãnh tín dụng DNVVN; Tư vấn hỗ trợ xây dựng phương án kinh doanh; Giảm giá thuê mặt bằng tại khu cụm công nghiệp; đồng thời cần có các hoạt động nâng cao hiểu biết cho doanh nghiệp trong tỉnh về các FTA Việt Nam đã ký kết…

Ông Đậu Anh Tuấn tin rằng, nếu cải thiện được các vấn đề trên Đắk Nông sẽ là một tỉnh đi xa và bền vững trong thời gian tới.

Chính quyền tạo niềm tin cho doanh nghiệp

Ông Ngô Tùng Lâm – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Đắk Nông cho biết, năm 2021 là năm cực kỳ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp do đại dịch Covid-19, hầu như tất cả doanh nghiệp sản xuất đều hoạt động cầm chừng, thu hẹp quy mô, dừng sản xuất, thậm chí phá sản.

Tuy nhiên, bên cạnh sự nỗ lực tự vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp để “tự cứu mình”, doanh nghiệp tỉnh cũng được sự hỗ trợ rất kịp thời, có hiệu quả của các cấp chính quyền như chính sách miễn, giảm, gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất, cụ thể là miễn 30% thuế thu nhập doanh nghiệp, 30% tiền thuê đất, gia hạn thời gian nộp thuế…

Thông qua các hoạt động như: Đối thoại Doanh nghiệp, cà phê Doanh nhân, Hội nghị xúc tiến đầu tư, Chương trình “Khát vọng Đắk Nông”… lãnh đạo tỉnh, huyện, sở ngành đã lắng nghe và kịp thời nắm bắt, giải quyết những khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp phản ánh. Nhiều dự án vướng mắc cả 10 năm nhưng đến nay đã được giải quyết “Thấu tình, đạt lý”.

Các thủ tục hành chính được công khai trên hệ thống 1 cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến, đến nay đã có khoảng 620 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.

Đắk Nông: Gắn trách nhiệm người đứng đầu, quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư
Hơn 120 doanh nghiệp, nhà đầu tư tham dự hội nghị

“Những việc làm trên đã tạo được niềm tin, đồng cảm của cộng đồng doanh nghiệp, thấy chính quyền đang từng bước đồng hành cùng doanh nghiệp trong sự nghiệp xây dựng tỉnh Đắk Nông ngày càng phát triển” – ông Lâm bày tỏ.

Tuy nhiên, theo ông Lâm muốn nâng cao chỉ số PCI thì chính quyền và doanh nghiệp phải thực sự là người bạn đồng hành trên cùng một con thuyền vượt sóng để cập bờ vinh quang. Trong giải quyết công việc, ông Lâm mong muốn cán bộ, công chức luôn đặt mình vào vị trí của người dân, doanh nghiệp và ngược lại người dân, doanh nghiệp cũng đặt mình vào vị trí của cán bộ, công chức để xử lý công việc có tình có lý, văn minh, lịch sự.

Quyết liệt hành động

Cũng trong khuôn khổ hội nghị lãnh đạo tỉnh Đắk Nông đã lắng nghe đại diện tỉnh Quảng Ninh, Bắc Ninh… chia sẻ các kinh nghiệm triển khai đánh giá các Sở, ngành địa phương và mô hình hỗ trợ, chăm sóc doanh nghiệp, nhà đầu tư nhằm nâng cao chỉ số PCI. Từ bài học kinh nghiệm các địa phương tỉnh đã xác định những kế hoạch, hành động.

Chủ tịch Hồ Văn Mười cho biết, ngay trong nửa đầu tháng 6/2022 phải tổ chức một hội nghị đánh giá nội bộ các sở ngành, địa phương để nhìn nhận những tồn tại hạn chế, rút kinh nghiệm từng sở ngành. Đơn vị làm tốt sẽ được khen thưởng, đơn vị làm chưa tốt sẽ bị phê bình, rút kinh nghiệm.

Tỉnh cũng công bố chỉ số DDCI – một công cụ theo dõi, giúp lãnh đạo tỉnh Đắk Nông nắm bắt kịp thời các vướng mắc, khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp tại địa phương để từ đó đưa ra giải pháp tháo gỡ kịp thời, góp phần gia tăng sức hút của môi trường đầu tư.

Một lần nữa, ông Hồ Văn Mười nhấn mạnh: Thủ trưởng các sở ban ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố cần nâng cao vai trò, trách nhiệm, hành động của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Người đứng đầu cần nâng cao vai trò trách nhiệm, quyết tâm đồng hành để giải quyết kịp thời, hiệu quả công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp.

Ông cũng nhắc lại lời hứa từ phía chính quyền với doanh nghiệp là cải thiện tốt nhất môi trường đầu tư. Ông mong muốn doanh nghiệp luôn đồng hành, chia sẻ cùng với chính quyền. “Cái gì chưa được, chưa vừa lòng cần chia sẻ. Chúng tôi luôn luôn lắng nghe” – ông Mười khẳng định.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

Bài Viết Liên Quan

Back to top button