Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (Kỳ II): Hàng loạt sai phạm trong quản lý, điều hành, cấp bằng thạc sỹ…
Lập khống chứng từ để rút tiền vượt quy định 11,041 tỷ đồng
Năm 2021, kết luận thanh tra (văn bản 611/KL-BGDĐT) do Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng ký đã chỉ ra hàng loạt sai phạm về tài chính của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh. Dự toán kinh phí cấp bù, miễn giảm học phí sinh viên sư phạm được Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp cho trường năm 2014 là 23.314.000.000 đồng, tuy nhiên số tiền tính toán để sử dụng cấp bù miễn giảm học phí theo đúng định mức là 12,273 tỷ đồng. Nhà trường vẫn lập chứng từ để rút tất cả số tiền 23.314.000.000 đồng và chi không đúng mục đích rút tiền. Cụ thể, trường đã thực hiện việc rút hơn 8,5 tỷ đồng được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao theo Quyết định số 22/QĐ-BGDĐT ngày 23/1/2014 và 14,8 tỷ đồng được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao theo Quyết định 5731/QĐ-BGDĐT ngày14/12/2014. Để giải ngân số tiền này, đã có việc lập khống số tiền trong chứng từ, sai quy định của Nhà nước là 11,041 tỷ đồng. (vượt hơn mức được rút). Theo Kiến nghị Kết luận Thanh tra KL611/TTr-BGDĐT ngày 25/06/2021, số tiền rút vượt mức, phải thu hồi.
Để ngoài sổ sách kế toán hàng tỷ đồng thuộc hành vi bị nghiêm cấm quy định tại khoản 3 Điều 13 Luật Kế toán năm 2015
Trong Kết luận Thanh tra đã ghi rõ “Phòng Đào tạo tổ chức thu 856.700.000 đồng học phí lớp ôn tập thi cao học, 271.000.000 đồng học phí lớp ôn tập và thi sát hạch tiếng Anh, 156.000.000 đồng tiền lệ phí tốt nghiệp thạc sĩ, tiến sĩ bằng phiếu thu tự in không phải biên lai của Phòng KHTC; không kịp thời báo cáo và nộp về Trường để hạch toán vào sổ sách kế toán số tiền 856.700.000 đồng học phí lớp ôn tập thi cao học, 271.000.000 đồng và 402.750 đồng học phí lớp ôn tập và thi sát hạch tiếng Anh, 156.000.000 đồng tiền lệ phí tốt nghiệp thạc sĩ, tiển sĩ là không chấp hành đúng quy định tại Thông báo số 162/TB.ĐHSPKTTP.HCM ngày 22/10/2014 của Trường, khoản 2 Điều 18 Luật Kế toán năm 2015 và thuộc hành vi bị nghiêm cấm quy định tại khoản 3 Điều 13 Luật Kế toán năm 2015”.
Sai phạm nghiêm trọng trong đào tạo sau Đại học
Theo kết luận Thanh tra 611/KL-BGDĐT :’Trường mở các lóp bồi dưỡng nâng cao kiến thức chuyên môn thuộc quyền tự chủ và xuất phát từ nhu cầu của người học. Tuy nhiên, việc cho học viên hoàn thành chương trình học nêu trên được chuyển điểm khi học chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ của Trường là không có cơ sở pháp lý “với số liệu như sau “Tổng số học viên tham gia học lớp bồi dưỡng nâng cao kiến thức chuyên môn từ năm 2018 đến năm 2020 là 905 người, trong đó số học viên đã trúng tuyển chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ sau khi tham gia lớp học là 851 người; số học viên đã được chuyển điểm là 337 người với 9.366 tín chỉ; số học viên chưa sử dụng kết quả để chuyển điểm là 514 người với 14.285 tín chỉ”(Kết luận Thanh tra KL611/ KL-BGDĐT).
Hiện nay số bằng Thạc sĩ đã được cấp dựa trên việc chuyển điểm không có căn cứ pháp lý là 269 bằng Thạc sĩ. Hơn nữa sau khi đối chiếu và kiểm tra dữ liệu đóng học phí đối với 269 bằng Thạc sĩ này, trường còn chưa thu được số học phí các học viên này cần phải đóng ước tính 5.798.940.000 đồng (trong khi học viên đã được cấp bằng Tốt nghiệp thạc sỹ). Như vậy 269 học viên đã được cấp bằng thạc sỹ là chưa đủ điều kiện tốt nghiệp vì chưa hoàn thành đủ số tín chỉ các môn học cũng như chưa đóng đủ học phí, theo quy định tại khoản 1 Điều 32 Thông tư 15/2014/TT-BGDĐT ngày 15/5/2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo; khoản 1 Điều 22 Hướng dẫn thực hiện quy chế đào tạo thạc sĩ số 219/HD-ĐHSPKT ngày 20/9/2016 của Trường ĐHSPKT TPHCM. Điều này dẫn đến hậu quả vô cùng nghiêm trọng vì đối với 269 bằng thạc sĩ này, theo Điểm b khoản 1 Điều 25 Thông tư 21/2019/TT-BGDĐT, phải thu hồi vì cấp cho người không đủ điều kiện tốt nghiệp khi họ chưa hoàn thành đủ các môn học cũng như chưa đóng đủ học phí.
Ai chịu trách nhiệm trước các sai phạm nêu trên!
Theo kết luận thanh tra, những sai phạm này thuộc về lãnh đạo của nhà trường tại thời điểm đó là ông Đỗ Văn Dũng – Hiệu trưởng, ông Lê Hiểu Giang và bà Trương Thị Hiền (đều là các phó hiệu trưởng).
Trong vụ việc rút dự toán và chi, quyết toán sai ngân sách: ông Dũng với vai trò là hiệu trưởng ở thời điểm đó (nay ông Dũng đã nghỉ làm công tác quản lý) chịu trách nhiệm với vai trò là người đứng đầu, chủ tài khoản trong quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí không đúng quy định. Ông Lê Hiếu Giang và bà Trương Thị Hiền đều với vai trò là phó hiệu trưởng nhà trường là người ký các văn bản kê chứng từ thanh toán, danh sách chi trả tiền miễn giảm học phí không đúng với quy định. Bà Trương Thị Hiền với vai trò Kế Toán trưởng và Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính.
Trong việc để có các sai phạm nghiêm trong để ngoài sổ sách kế toán số tiền hàng tỷ đồng tại phòng Đào tạo và vi phạm nghiêm trọng khi chuyển điểm không có căn cứ pháp lý hàng chục ngàn tín chỉ trong quản lý đào tạo thạc sĩ, trách nhiệm trước hết thuộc về Ông Lê Hiếu Giang Phó Hiệu trưởng phụ trách trực tiếp Phòng Đào tạo và Mảng công tác Đào tạo.
Tuy nhiên, dư luận đang bất bình về việc một số lãnh đạo nhà trường vi phạm các khuyết điểm, gây ra hậu quả nghiêm trọng như các kết luận của Thanh tra, và Hội đồng Trường và trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh đã ban hành quyết định cảnh cáo 2 lãnh đạo là ông Đỗ Văn Dũng – nguyên Hiệu trưởng và ông Lê Hiếu Giang; ngày 16/3/2021, Hội đồng trường cũng có Thông báo 07-TB-HĐT không giao thực hiện chức trách, nhiệm vụ, thẩm quyền chức vụ Phó Hiệu trưởng đối với bà Trương Thị Hiền, vì có những sai phạm trong vai trò Kế Toán trưởng và Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính lúc bấy giờ…, nhưng đến nay Bà Hiền vẫn chưa bị kỷ luật Đảng và vẫn có văn bản của cơ quan cấp trên giao cho ông Lê Hiếu Giang, dù đang bị kỷ luật cảnh cáo vẫn được giữ chức vụ Phó Hiệu Trưởng Phụ trách Trường và đề nghị cho phục chức bà Trương Thị Hiền?. Đối với một cơ sở đào tạo uy tín như truong Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM mà để xảy ra sai phạm nghiêm trọng, có biểu hiện coi thường Luật pháp, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của hàng ngàn học viên, sinh viên như trên, nhất là trong giai đoạn cả nước ta đang xiết chặt kỷ cương, phép nước, không có vùng cấm trong mọi lĩnh vực, thì cần thiết phải có các cơ quan chức năng của Chính phủ, Quốc hội vào cuộc, nhằm trả lại môi trường lành mạnh cho ngành giáo dục, trong đó có truong Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM.
Thanh Bình