Trường Đại học Kinh tế công bố 5 chuyên ngành đào tạo ngành Kinh tế phát triển theo mô hình quốc tế
Mới đây, Trường Đại học Kinh tế – ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo “Công bố các chuyên ngành trong chương trình đào tạo ngành Kinh tế phát triển tại Trường Đại học Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội theo chuẩn quốc tế”.
Tham dự Hội thảo có hơn 30 lãnh đạo các Tập đoàn Kinh tế, doanh nghiệp vừa và nhỏ, Đại sứ quán Hoa Kỳ, tổ chức quốc tế, giáo sư quốc tế đến từ Anh quốc và Nhật Bản, cơ quan quản lý nhà nước cấp trung ương và địa phương, trường đại học trong nước và quốc tế, phụ huynh và học sinh các trường THPT trên địa bàn Hà Nội.
Chia sẻ tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn An Thịnh – Trưởng Khoa Kinh tế phát triển cho biết, năm học 2025 trường tuyển sinh 5 chuyên ngành đào tạo củ nhân ngành Kinh tế gồm: Phân tích dữ liệu kinh tế và chính sách; Kinh tế dịch vụ và Du lịch; Kinh tế tài nguyên môi trường và bất động sản; Kinh tế đầu tư và phát triển; Hệ thống thông tin kinh tế và khoa học dữ liệu.

Các ngành học tập trung vào nghiên cứu và khám phá, giải thích sự tăng trưởng và xu hướng phát triển kinh tế thế giới với những điểm nổi bật:
Thứ nhất, cấu trúc chương trình đào tạo và các học phần được tham khảo từ chương trình đào tạo Cử nhân chất lượng cao ngành Kinh tế và Phát triển Quốc tế của Trường Đại học Sussex (Vương quốc Anh) là cơ sở đào tạo đại học số 1 thế giới về Nghiên cứu phát triển.
Thứ hai, 30% tín chỉ thuộc khối kiến thức khối ngành, nhóm ngành và ngành đào tạo bằng Tiếng Anh.
Thứ ba, khuyến khích sinh viên nghiên cứu khoa học. Không bắt buộc song khuyến khích sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học bằng nhiều hình thức khác nhau bao gồm cả tiếng Anh.
Thứ tư, chú trọng thực hành bằng tăng cường các học phần về phương pháp và kỹ thuật phân tích dữ liệu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong kinh tế và kinh doanh.
Thứ năm, chú trọng thực tập và thực tế. Bao gồm kiến tập năm 1 và thực tập chuyên ngành năm 3.
Thứ sáu, chương trình đào tạo có tính liên ngành rộng và chuyên ngành sâu. Các học phần chuyên sâu bao gồm kinh tế vi mô chuyên sâu, kinh tế vĩ mô chuyên sâu, kinh tế phát triển chuyên sâu, kinh tế lượng nâng cao, phân tích dữ liệu trong kinh tế và kinh doanh…
Theo PGS.TS. Nguyễn An Thịnh – Trưởng Khoa Kinh tế phát triển, ngành kinh tế phát triển (Development Economics) là ngành mà người học sẽ có cơ hội học hỏi rất nhiều kiến thức về kinh tế, khoa học xã hội,… Ngành học tập trung vào nghiên cứu và khám phá, giải thích sự tăng trưởng và xu hướng phát triển kinh tế thế giới. Qua quá trình tìm hiểu, phân tích, ngành nghề sẽ giúp sinh viên biết được cơ sở lý thuyết và thực tiễn về sự phát triển kinh tế quốc tế, điều mà các quốc gia đang trên đà phát triển có thể nhìn vào để cải thiện những gì mình còn thiếu sót. Từ đó tìm ra đúng lối đi riêng giúp kinh tế đất nước phát triển bền vững trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Để xây dựng chương trình đào tạo cử nhân ngành Kinh tế phát triển, Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN đã lựa chọn 4 nhóm bên liên quan tham gia vào cuộc khảo sát, bao gồm: Nhà tuyển dụng trong lĩnh vực kinh tế; Giảng viên đang giảng dạy, nghiên cứu về kinh tế học, kinh tế phát triển tại các Trường Đại học thuộc khối ngành kinh tế; Sinh viên đang tham gia chương trình đào tạo cử nhân kinh tế phát triển; cựu sinh viên đã tốt nghiệp chương trình đào tạo cử nhân kinh tế phát triển.
Lê Minh