Đã có cuộc thi Hoa hậu Việt Nam còn thêm Hoa hậu Quốc gia Việt Nam: Ai hơn ai hay “ta đây mới là nhất”?
BTC Hoa hậu Quốc gia Việt Nam 2024 vừa chính thức công bố hình hiệu cuộc thi, theo đó, đây là “sân chơi” nhan sắc mới ở cấp quốc gia và sẽ được tổ chức vào đầu năm 2024, do Sở VHTT TP.HCM chấp thuận cấp phép. Theo kế hoạch, cuộc thi Hoa hậu Quốc gia Việt Nam được tổ chức mỗi năm một lần.
Ngay sau khi công bố hình hiệu và một số thông tin có liên quan cuộc thi mang tên “Hoa hậu Quốc gia Việt Nam”, trong dư luận đã xuất hiện nhiều ý kiến, với câu hỏi: Từ lâu chúng ta đã có cuộc thi mang tên “Hoa hậu Việt Nam”, nay lại xuất hiện thêm cuộc thi “Hoa hậu Quốc gia Việt Nam”, vậy đâu mới là sự kiện mang tầm cỡ, tâm thế quốc gia?
Cuộc thi Hoa hậu Việt Nam vốn có tên Hoa hậu Toàn quốc Báo Tiền Phong, là cuộc thi sắc đẹp cấp quốc gia được tổ chức lần đầu vào năm 1988, do Báo Tiền Phong khởi xướng, sáng lập và hiện vẫn là đơn vị giữ quyền tổ chức. Năm 2014, Công ty TNHH Quảng cáo và Thương mại Sen Vàng ký kết phối hợp tổ chức cuộc thi và là đơn vị truyền thông chính thức. Kể từ năm 2016 đến nay, đơn vị này trở thành đơn vị quản lý, định hướng hoạt động cho hoa hậu cũng như á hậu sau đăng quang. Cuộc thi được tổ chức vào các năm chẵn, dành cho tất cả các cô gái Việt Nam đáp ứng đủ điều kiện ghi trong thể lệ dự thi. Suốt nhiều năm qua, dư luận luôn ngầm hiểu với nhau rằng, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam do Báo Tiền Phong đứng ra tổ chức đã tạo dựng được thương hiệu riêng biệt, không thể trộn lẫn, và đặc biệt, những danh hiệu được trao tại cuộc thi có thể đại diện cho Việt Nam tham gia những đấu trường nhan sắc uy tín nhất trên thế giới. Còn nay, xuất hiện thêm cuộc thi “Hoa hậu Quốc gia Việt Nam” và rất nhiều cuộc thi khác, mà cuộc nào cũng tuyên bố mình là “cấp quốc gia”, khiến dư luận rất băn khoăn.
Đứng ở góc độ là chuyên gia ngôn ngữ học, PGS.TS Phạm Văn Tình, nguyên Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam cho biết: “Cuộc thi mang tên Hoa hậu Việt Nam thì ai cũng hiểu đây là cuộc thi tầm quốc gia, của quốc gia; còn cuộc thi “Hoa hậu Quốc gia Việt Nam” là như muốn nhấn mạnh đến tầm ảnh hưởng, khẳng định về mình. Tuy nhiên, hai chữ “quốc gia” trong cuộc thi Hoa hậu Quốc gia Việt Nam là thừa, không cần thiết. Tôi có cảm tưởng BTC cuộc thi này muốn ám chỉ cuộc thi của mình là cao nhất, là đại diện cho Việt Nam. Cách đặt tên và cấp phép như vậy là chồng chéo, lộn xộn, khiến dư luận không biết đâu mà lần”, PGS Phạm Văn Tình nói.
Liên quan đến tên gọi cuộc thi này, ở góc độ quản lý nhà nước, ông Trần Thanh Hoài, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Lâm Đồng nêu quan điểm: “Trong bối cảnh chung của hội nhập quốc tế, các nước họ có nhiều cuộc thi người đẹp với những cái tên khác nhau; còn ở đây, câu chuyện của chúng ta liên quan đến bản quyền về tên gọi. Các nhà tổ chức khi muốn xin phép tổ chức một cuộc thi, họ phải giải quyết cho được khâu bản quyền tên gọi. Theo tôi, mỗi cuộc thi phải quy định một tiêu chí, một mục tiêu riêng. Đã là Hoa hậu Việt Nam thì chỉ nên có một cuộc thi duy nhất để có sự riêng biệt cũng như khẳng định các giá trị liên quan. Còn xung quanh cuộc thi đó có thể có các cuộc thi với tên gọi khác, nhưng phải đảm bảo về mặt bản quyền, được cơ quan chức năng có thẩm quyền của nhà nước công nhận và dư luận xã hội đồng tình”.
Một chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa cũng bày tỏ: “Tôi cho rằng, cơ quan cấp phép lẽ ra cần có sự tư vấn để đơn vị này thay đổi tên gọi, vì việc tên quá giống nhau sẽ khiến dư luận đặt câu hỏi: Liệu sự nhập nhằng trong cách thức tổ chức và yếu tố bản quyền hay không? Trong khi đó, hiện các cuộc thi hoa hậu, người đẹp đang có dấu hiệu lạm phát, việc có thêm cuộc thi với tên gọi “na ná, giông giống” chắc chắn sẽ tạo thêm hiệu ứng không tốt cho hoạt động văn hóa – nghệ thuật nói chung”.
Còn nhớ cách đây không lâu, việc tranh chấp giữa hai cuộc thi cùng tên gọi “Hoa hậu Hòa bình Việt Nam” đã gây nên những lùm xùm khiến công chúng ngán ngẩm. Theo đó, Công ty Minh Khang quy kết Công ty Sen Vàng “ngang ngược, coi thường pháp luật”, vi phạm sở hữu trí tuệ khi sử dụng tên gọi “Hoa hậu Hòa bình Việt Nam”. Phía ngược lại, Công ty Sen Vàng lại tuyên bố đã nhận được sự cấp phép của Miss Grand International Co,.Ltd (là chủ sở hữu, đơn vị tổ chức và sản xuất Miss Grand International) để tổ chức cuộc thi quy mô quốc gia, nhằm tuyển chọn và đào tạo những người đẹp có đầy đủ vẻ đẹp và trí tuệ để đại diện Việt Nam tham gia cuộc thi quốc tế. Trên cơ sở đó, Sen Vàng khẳng định đã thực hiện đầy đủ thủ tục pháp lý và được Sở VHTT TP.HCM chấp thuận cho tổ chức cuộc thi “Hoa hậu Hòa bình Việt Nam – Miss Grand Vietnam” năm 2022. Sự việc đã qua nhưng để lại nhiều ấn tượng không tốt trong mắt khán giả về cách ứng xử cũng như việc thiếu tìm hiểu quy định liên quan về bản quyền, dẫn đến những tranh chấp, khiếu kiện kéo dài.
“Chúng ta đang quá nhiều các cuộc thi sắc đẹp nên thương hiệu là rất quan trọng. Có thể thấy, nhiều cuộc thi được đặt những cái tên rất kêu, rất mỹ miều nhằm thu hút sự quan tâm thí sinh và đơn vị tài trợ. Vì không có quy định nào cho việc đặt tên các cuộc thi hoa hậu, nên để tránh nhầm lẫn, cách tốt nhất là tự khẳng định thương hiệu của mình và đăng ký bản quyền sở hữu trí tuệ. Còn các cơ quan quản lý cũng cần đưa ra quy định cụ thể hơn nữa về vấn đề này để tránh những nhầm lẫn cho công chúng, trả lại môi trường trong lành cho các cuộc thi sắc đẹp”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhìn nhận.
Nguồn: Báo điện tử văn hóa