Cuộc sống định cư ở làng vạn chài Thiệu Vũ
Từ chủ trương đến hiện thực hóa
Năm 2006, Tỉnh ủy Thanh Hóa ra Chỉ thị 08 về việc tập trung thực hiện chủ trương xóa nhà tranh tre dột nát và ổn định đời sống đồng bào sinh sống trên sông. Chỉ thị 08 đã tạo nên một bước ngoặt, thay đổi toàn diện đời sống của đồng bào sông nước ở xã Thiệu Vũ, huyện Thiệu Hóa. Cụ thể hóa chủ trương này, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, UBND huyện Thiệu Hóa và chính quyền xã Thiệu Vũ đã phối hợp bố trí quỹ đất cho đồng bào, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, những người con xa quê có điều kiện về vật chất quyên góp kinh phí để xây mới 35 ngôi nhà giúp 35 hộ “thủy cơ” định cư.
Năm 2009, Khu nhà định cư của người dân làng vạn chài Thiệu Vũ được xây dựng khang trang, rộng rãi. Mỗi căn nhà tái định cư có diện tích 40m2, được xây dựng trên mặt bằng 180m2. Nhà được lát gạch, có công trình phụ khép kín, sân phơi. Phần diện tích đất còn lại được dùng để các hộ gia đình có quỹ đất để tăng gia sản xuất và chăn nuôi như: nuôi gà, vịt, trồng rau…
Theo lãnh đạo xã Thiệu Vũ, ở thời điểm đó, kinh phí xây dựng một căn nhà là 17 triệu đồng/căn số tiền vào thời điểm đó không nhỏ. 35 hộ dân làng vạn chài được chuyển lên sinh sống tại khu định cư, bắt đầu một cuộc sống mới, tuy còn nhiều bỡ ngỡ vì bao đời nay người dân làng vạn chài quen với cảnh nước sông, con tôm con tép và sinh hoạt theo tập quán riêng. Nhưng được cấp ủy, chính quyền xã quan tâm, vận động, thuyết phục và giúp đỡ, đến nay, các hộ dân đã bắt nhịp được với nếp sinh hoạt; phương pháp, kỹ thuật canh tác, sản xuất trên cạn. Ðể người dân vạn chài ổn định cuộc sống và có công ăn, việc làm, ngay khi định cư, chính quyền và nhân dân trong xã đã có nhiều hoạt động thiết thực để giúp đỡ bà con như Chính quyền địa phương đã tổ chức mở lớp dạy nhiều nghề miễn phí, bên cạnh đó vận động bà con trong xã, những người có ruộng, có đất nhưng không có người làm chuyển cho người dân mới định cư mượn để canh tác và sản xuất; đồng thời Chính quyền vận động các ngân hàng như ngân hàng chính sách cho người dân vay ưu đãi để có vốn làm ăn. Nhiều hộ gia đình có vốn, chuyển đổi ngành nghề sang chăn nuôi lợn, gà, cá… đã có cuộc sống khấm khá hơn rất nhiều. Thời gian tới, sẽ tiếp tục dành những chính sách ưu đãi giúp bà con làm giàu chính đáng.
Thoát cảnh nhiều đời thất học và hy vọng một ngày mai tươi sáng
Điểm chung của các dân làng chài hay dân “Thủy cơ” là đa phần họ sống trên sông nước, chỉ biết “khi sinh ra đã ở trên thuyền rồi”, những người làm nghề chài lưới, không có nhà, cuộc sống cực khổ cha truyền, con nối gắn với chiếc thuyền trên sông.
Do vậy những đứa trẻ sinh ra hầu hết không có bến đỗ, ngày nắng cũng như ngày mưa chúng theo cha mẹ lênh đênh trên sông nước làm bạn với mái chèo cỏ cây hai bên triền sông và ước mơ con chữ, được nghe những vần thơ “yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ thật sự quá xa vời”.
Anh Nguyễn Văn Bình, người dân làng vạn chài cho biết: “Gia đình tôi đã ba đời sông nước, có tất cả tám anh em, nhưng không một ai được đi học. Nhiều khi muốn thoát khỏi cuộc sống vạn chài nhưng biết làm gì khi một chữ bẻ đôi không biết, một tấc đất cắm dùi không có. Ðược lên bờ để an cư, lạc nghiệp, chuyển đổi công việc, nhất là giúp con cái có điều kiện học hành luôn là ước mong cháy bỏng của tất cả cư dân thủy cơ như chúng tôi bao năm về trước”…
Năm 2009, khu nhà định cư dành cho người dân làng vạn chài Thiệu Vũ (xã Thiệu Vũ, Thiệu Hóa, Thanh Hóa) đi vào hoạt động, đã góp phần giúp đời sống mọi mặt của người dân nơi đây được cải thiện rõ nét. Trong đó, tất cả các em nhỏ đều được đến trường, báo hiệu tương lai tươi sáng cho những ngư dân vốn bao đời bị cái đói nghèo đeo bám…
Làng định cư vạn chài Thiệu Vũ có hơn 200 nhân khẩu, trong đó quá nửa là trẻ em trong độ tuổi đi học. Hiệu trưởng Trường THCS Thiệu Sơn (xã Thiệu Vũ) Nguyễn Ngọc Sơn cho biết: Tất cả các em học sinh “thủy cơ” sau khi định cư đã được gia đình cho đến lớp học. Ða số các em hiếu học, chăm ngoan, có nhiều em đạt học sinh giỏi cấp huyện ở nhiều môn văn hóa. Ðối với những em lớn tuổi mù chữ, nhà trường phối hợp các đoàn thể vận động các em đến lớp học xóa mù chữ. Nhiều em sau khi đi học, biết đọc, biết viết đã về dạy lại cho bố, mẹ. Những hoạt động đó đã tạo nên tinh thần thi đua học tập sôi nổi, mang lại hiệu quả tích cực. Hằng năm, ngoài chính sách, chế độ chung đối với học sinh; nhà trường còn tặng sách, vở, bút giúp các em có thêm điều kiện đến trường… Từ nay, từ “thất học” sẽ không còn trong tâm trí của các bậc làm cha làm mẹ và không là những nốt nhạc buồn trong tâm hồn các cháu, và cũng không xa chính những đứa trẻ này sẽ là những nhân tố góp phần rất quan trọng trong việc tạo lập một cuộc sống ấm no và hạnh phúc.
Làng trên cạn của ngư dân Thiệu Vũ có được như ngày hôm nay là nhờ những chính sách, những chủ trương sát thực và hòa hợp với lòng dân. Từ tỉnh đến huyện, từ huyện đến xã và từ tấm lòng của các tổ chức cá nhân luôn thiện tâm giang tay giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình. Sự đồng thuận của chính quyền và người dân đã thực sự làm thay đổi cuộc sống nơi đây. Nhìn những ngôi nhà khang trang thẳng tắp, nhìn những lá cờ đỏ thắm, những khu vườn xanh mướt, những tiếng cười trẻ thơ trong trẻo, những em bé chập chững viết từng nét chữ đầu đời… chúng tôi mới thấy hết giá trị của cuộc sống.
Lại một mùa xuân nữa đang về Xuân Ất Tỵ (2025) và chẳng lâu nữa những cành đào khoe sắc sẽ tô điểm thêm cho cuộc sống no đủ và hạnh phúc cho người dân và cũng hy vọng trong thời gian không xa trên mảnh đất xứ Thanh này, những vùng, miền mà đồng bào vẫn lênh đênh trên sông nước, người dân Thủy cơ sẽ sớm có được cuộc sống như người dân làng chài xã Thiệu Vũ, huyện Thiệu Hóa.
Đỗ Long