Cuộc chơi trên thị trường bán lẻ

Trong khi nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đến thị trường bán lẻ Việt Nam thì ở trong nước, khu vực này đang sôi động với nhiều thay đổi tích cực.

Cuộc chơi trên thị trường bán lẻ

Một số nhà đầu tư nước ngoài đang có kế hoạch mở rộng hệ thống phân phối bán lẻ tại Việt Nam

Hiện đại hoá hệ thống phân phối

Những tháng gần đây, dịch vụ bán lẻ là một trong những lĩnh vực hút vốn ngoại nhiều nhất. Trong đó, các tên tuổi lớn như Central Retail đã dành khoản đầu tư lớn nhất từ trước đến nay, khoảng 1,45 tỷ USD (tương đương hơn 34 nghìn tỷ đồng) cho mục tiêu tăng gấp đôi số lượng cửa hàng tại Việt Nam. Tập đoàn Aeon cũng đang có kế hoạch mở rộng cửa hàng tại Việt Nam hướng đến phát triển bán hàng đa kênh, giữ giá cả và gia tăng hàng Việt trong siêu thị.

Sản phẩm kinh doanh tại hệ thống phân phối hiện đại đa dạng nhưng thời gian gần đây, ngành hàng thực phẩm thiết yếu được đẩy mạnh và là mục tiêu kiếm lợi nhuận của các doanh nghiệp, tập đoàn. Từ đại dịch COVID-19, dù “sức khoẻ” của hệ thống phân phối bị ảnh hưởng nặng nề thì riêng ngành hàng thực phẩm, hàng hoá tiêu dùng thiết yếu vẫn có sức tiêu thụ tốt. Vì thế, trong giai đoạn phục hồi và phát triển hiện nay, đây là ngành hàng được kỳ vọng sẽ mang lại doanh thu tốt cho các cửa hàng siêu thị.

Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu đã từng chia sẻ: ngành bán lẻ liên quan nhiều đến đời sống và thu nhập của người dân. Trong điều kiện kinh tế khó khăn chung, thu nhập sẽ điều khiển chi tiêu, người dân có thể cắt giảm chi tiêu với hàng không thiết yếu như điện tử, dệt may, hàng hoá cao cấp… trong khi các hàng hoá thực phẩm thiết yếu sẽ ít bị ảnh hưởng hơn.

Nắm bắt được sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng, các siêu thị và cửa hàng bán lẻ đã tăng kích cầu tiêu dùng với hàng hoá thực phẩm thông qua nhiều hình thức như liên kết với các nhà sản xuất, phân phối để tổ chức các chương trình khuyến mại, giảm giá, tuần hàng không lợi nhuận; tổ chức các hoạt động hỗ trợ phi lợi nhuận để gia tăng trải nghiệm cho khách hàng tuỳ từng thời điểm như tổ chức không gian Tết, tặng chữ trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua… Gần đây nhất, nhân dịp 14/2, một trung tâm thương mại lớn tại Hà Nội đã mời ca sỹ Đức Phúc và nhóm nhạc 911 trình bày ca khúc đang rất hot: “I do” thu hút rất đông các bạn trẻ và khách tham quan.

Đáng chú ý, các chương trình trải nghiệm, khuyến mại này trước đây vốn là thế mạnh của hệ thống phân phối nước ngoài thì nay, với sự cạnh tranh gay gắt hơn, các chương trình này đã lan toả sang hệ thống siêu thị và cửa hàng trong nước.

Cơ hội nào cho doanh nghiệp trong nước?

Với tiềm lực kinh tế mạnh và quản trị chuyên nghiệp, trong cạnh tranh trên thị trường bán lẻ đầy tiềm năng và hấp dẫn có quy mô 142 tỷ USD, các doanh nghiệp nước ngoài có thời điểm tạo được sức hút với người tiêu dùng. Thấu hiểu hơn văn hoá tiêu dùng của người Việt Nam, thay vì phát triển các trung tâm thương mại, một số thương hiệu đã dần dần mở rộng hệ thống cửa hàng thông qua phát triển các thương hiệu riêng có quy mô cửa hàng nhỏ hơn và đi vào các khu dân cư.

Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp bán lẻ Việt nỗ lực giữ lợi thế. Đổi mới quản trị, nhận diện thương hiệu, tái cơ cấu ngành hàng, ứng dụng công nghệ, cải tiến bán hàng… là những nỗ lực được ghi nhận của hệ thống bán lẻ trong nước. Nếu các hệ thống bán lẻ nước ngoài có thế mạnh về quy mô thì ưu thế của các doanh nghiệp Việt là có siêu thị, cửa hàng dày đặc trong các khu dân cư với nhiều mô hình hoạt động linh hoạt. Theo thống kê, doanh nghiệp trong nước vẫn chiếm từ 70 – 80% số điểm bán trên cả nước với các tên tuổi lớn như WinMart, Co.op Mart, Saigon Co.op…

Cuộc chơi trên thị trường bán lẻ

Bán lẻ hút vốn ngoại vừa là thách thức vừa là cơ hội cho các doanh nghiệp bán lẻ trong nước (ảnh: H.L)

Tuy nhiên, không thể phủ nhận những thách thức khi các nhà bán lẻ nước ngoài ngày càng quan tâm, rót vốn vào thị trường Việt Nam. Thị phần hấp dẫn có thể bị ảnh hưởng và san sẻ nhưng ở khía cạnh tích cực, điều này thôi thúc các doanh nghiệp Việt tìm hướng mới để cạnh tranh, để “khoẻ” hơn, nâng cao chất lượng phục vụ, cung ứng sản phẩm giá cả hợp lý và có chất lượng tốt.

Giám đốc Vận hành hệ thống bán lẻ Winmart Nguyễn Trọng Tuấn chia sẻ sẽ làm việc với nhà cung cấp để thương lượng, đàm phán khối lượng hàng từ trước, giúp khách hàng tiếp cận hàng hoá giá rẻ và nhiều chương trình khuyến mại suốt cả năm. Bên cạnh đó, cải tổ và áp dụng công nghệ cao vào chuỗi logistics giúp giảm chi phí 13% so với trước.

Còn theo Giám đốc tư vấn Ipsos Việt Nam Quách Thế Phong, những nhà bán lẻ Việt Nam có rất nhiều cơ hội. Sân chơi bán lẻ đang thuộc về mình, hoàn toàn có thể nâng cấp, biến đổi, đưa ra những chiến lược mới, trải nghiệm mới, tăng doanh thu – lợi nhuận và hướng tới những khách hàng lớn. Chính phủ có nhiều chính sách về vốn, đầu tư mạnh hơn cho hạ tầng thương mại… góp phần thúc đẩy doanh nghiệp bán lẻ nội địa cùng phát triển.

Việc mở rộng mạng lưới bán lẻ của các doanh nghiệp nước ngoài, theo đánh giá của Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, sẽ tác động lớn đến sức mua, đồng thời, thêm cơ hội cho các nhà sản xuất trong nước khi trên 90% lượng hàng hóa trong kênh siêu thị là hàng Việt Nam.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, nói: “Hiện nay trên quầy kệ, tỷ lệ hàng Việt rất cao trong các hệ thống phân phối. Mặt hàng lương thực thực phẩm, tiêu dùng thiết yếu trong hệ thống phân phối này chiếm hơn 90%, giúp doanh nghiệp tạo đầu ra, duy trì doanh thu, sản lượng, tiếp tục đảm bảo năng lực cạnh tranh.

Nguồn: diendandoanhnghiep.vn

Bài Viết Liên Quan

Back to top button