Cuộc chiến của các hãng taxi: Gậy ông có đập lưng ông?
Các hãng taxi hoạt động tại TP. HCM như Vinataxi hay G7 tiếp tục tung ra nhiều chính sách thu hút tài xế và gia tăng xe thương quyền gia nhập hãng trong tháng 3/2023.
Sau một thời gian thua thiệt, taxi truyền thống đang dần quay trở lại với những phương pháp kinh doanh của chính xe công nghệ.
Mô hình “đối tác tài xế”
Các hãng taxi truyền thống đang đẩy mạnh chiêu mộ tài xế góp xe, hay còn gọi là xe thương quyền, bằng nhiều chính sách hấp dẫn. Chẳng hạn Vinataxi có chương trình thưởng đến 3.000.000 đồng cho tài xế hoặc nhân viên giới thiệu được xe thương quyền ký hợp đồng. Về phía xe, hãng sẽ miễn thu toàn bộ phí hợp tác trong 15 ngày đầu của hợp đồng, cũng như thưởng hoàn thành hợp đồng lên đến 11.000.000 đồng/năm.
Hoặc G7 cũng có nhiều chính sách tương tự cho xe thương quyền như miễn phí quản lý đầu tiên, hỗ trợ lắp đặt các thiết bị, cho ký quỹ với mức linh hoạt hơn, v.v. với mục tiêu chính là phục vụ khách ở sân bay Tân Sơn Nhất.
Hay Vinasun cũng đẩy mạnh thu hút xe thương quyền, với các chính sách như phí thương quyền 11.000.0000 đồng/năm, ký quỹ 12.000.000 đồng, chiết khấu 15,5% doanh thu hằng ngày, được sử dụng hệ thống tổng đài, điểm tiếp thị của hãng và được hãng hỗ trợ thủ tục đổi màu xe.
Đây có thể xem là một sự thay đổi lớn của taxi truyền thống. Bởi về mặt hình thức, đây có thể coi chính là mô hình “đối tác tài xế”, một cốt lõi của mô hình taxi công nghệ, đối lập với taxi truyền thống mà một thời tưởng chừng như “xóa sổ” taxi truyền thống. Không chỉ có xe thương quyền, các hãng taxi truyền thống còn đang dùng nhiều phương pháp kinh doanh của xe công nghệ để đấu lại xe công nghệ.
Chặng đường dài
Tuy dùng chính những phương pháp của xe công nghệ để đấu với xe công nghệ và cũng có được nhưng thành công nhất định, nhưng việc cạnh tranh trên thị trường bằng công nghệ vẫn còn là chặng đường rất dài đối với taxi truyền thống.
Đầu tiên là về làm ứng dụng. Một số hãng taxi truyền thống thừa nhận những khó khăn trong khoản phát triển ứng dụng, chẳng hạn thiếu nhân sự, chất lượng định vị điểm đón chưa chính xác, chất lượng chỉ dẫn lộ trình còn thấp. Đó là còn chưa kể nhiều tài xế chưa nghiêm chỉnh thực hiện quy trình, quy định về sử dụng ứng dụng.
Trong khi đó các hãng công nghệ đã bỏ ra nguồn lực rất lớn và lâu dài cho các ứng dụng gọi xe của mình, do đó trải nghiệm của khách hàng trên ứng dụng gọi xe công nghệ chắc chắn sẽ mượt mà hơn. Đây là điểm mà taxi truyền thống khó lòng cạnh tranh được.
Thứ hai là về thói quen hành vi của khách hàng. Ngoài ứng dụng, các hãng xe công nghệ còn bỏ nhiều công sức để giáo dục khách hàng, khiến họ nghĩ đến ứng dụng là nghĩ ngay đến xe công nghệ. Các ứng dụng gọi xe bây giờ không chỉ đơn thuần để đặt xe, mà còn nhiều tính năng khác như giao hàng, giao đồ ăn, thậm chí cả đặt vé máy bay, xe khách, mua vé số online, v.v.. Do đó khách hàng dễ có xu hướng quen dùng ứng dụng xe công nghệ hơn ứng dụng taxi truyền thống.
Còn đối với taxi truyền thống, thì khách hàng vẫn hay đặt bằng cách gọi tổng đài và ra đường đứng vẫy xe hơn. Điều này đã in sâu vào tiềm thức khách hàng, không thể thay đổi ngay lập tức.
Thứ ba là về độ tập trung của thị trường. Ở mảng xe công nghệ, sau một hồi tranh giành khốc liệt, số hãng còn tồn tại với Việt Nam rất ít. Điều này tốt ở chỗ là khách hàng sẽ được tập trung, không bị phân tán phải chọn cái này hay cái kia. Trong khi đó số hãng taxi truyền thống vẫn còn rất nhiều, và mỗi hãng đều tự phát triển ứng dụng riêng. Điều này khiến khách khó lựa chọn. Muốn lôi kéo khách tải ứng dụng thì nguồn lực bỏ ra chắc chắn không nhỏ.
Do đó, mặc dù hai chiến lược thuộc kiểu “gập ông đập lưng ông” của taxi truyền thống đạt được những thành công bước đầu, giúp họ giành lại được thị phần. Thế nhưng con đường cạnh tranh giữa taxi truyền thống và xe công nghệ vẫn còn rất dài.