Cứ điểm sản xuất của các doanh nghiệp FDI thế hệ mới
Mặc dù bị tác động bởi bối cảnh thế giới có nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó lường; nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn “rót” vốn mạnh vào Bắc Ninh. Thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn là điểm sáng trong bức tranh kinh tế – xã hội tỉnh, trong đó, các nhà đầu tư đến từ châu Á, các đối tác đầu tư truyền thống vẫn chiếm tỷ trọng lớn (Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan – Trung Quốc),…
Top địa phương dẫn đầu về thu hút vốn FDI
Theo số liệu của Cục Thống kê tỉnh Bắc Ninh, tính từ đầu năm đến ngày 20/9, toàn tỉnh đã thu hút được 264 dự án FDI đăng ký cấp mới (tăng 179 dự án) so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký mới đạt 860,9 triệu USD (tăng 169,5 triệu USD), ngoài ra, điều chỉnh vốn cho 97 dự án (tăng 23 dự án),….
Lũy kế tháng 9/2023, toàn tỉnh có 2.040 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký sau điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp đạt 24.618 triệu USD. Các dự án FDI đầu tư tại Bắc Ninh gần đây tiếp tục có sự hiện diện của nhiều tập đoàn lớn tên tuổi trên thế giới như: Samsung, Canon, Công ty Amkor, VSIP, Geotek… và tập trung chủ yếu vào các ngành công nghiệp chế biến chế tạo 70% số dự án, với số vốn đầu tư trên 20 tỷ USD, chiếm khoảng 85% tổng vốn FDI toàn tỉnh.
Đáng chú ý đó là, ngoài việc duy trì sức hút với các nhà đầu tư chiến lược đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản,… thì năm 2023 sự quan tâm của các doanh nghiệp đến từ Trung Quốc dành cho Bắc Ninh đã tăng mạnh. Thông qua việc Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, triển khai chiến lược “kinh tế tuần hoàn kép”, đang mở ra cơ hội cho các KCN Bắc Ninh đón dòng vốn mới.
Có thể kể đến như: Tập đoàn Goertek đã đầu tư tại Bắc Ninh từ năm 2013, đang triển khai thêm 01 dự án mới tại KCN Nam Sơn- Hạp Lĩnh, với số đầu tư 280 triệu USD. Dự án sẽ đi vào hoạt động trong năm 2024 và đây là dự án thứ 3 của Goertek tại Bắc Ninh. Tập đoàn Victory Giant Technology đã quyết định lựa chọn KCN VSIP Bắc Ninh II là địa điểm để triển khai dự án đầu tư xây dựng nhà máy, hay như mới đây, Tập đoàn Đại Long và Công ty TNHH đầu tư Sảnh chờ thành thị Guitie cảng Phòng Thành (Trung Quốc) đang xúc tiến để triển khai dự án đầu tư Tổng kho hàng phục vụ giao dịch Thương mại điện tử và Nhà máy dây chuyền lắp ráp xe máy điện,…
Đại diện UBND tỉnh Bắc Ninh đánh giá, thu hút đầu tư nước ngoài đã đóng góp rất lớn cho phát triển kinh tế – xã hội địa phương. Tính riêng năm 2022, khu vực FDI đã bổ sung vốn đầu tư phát triển, chiếm 48,48%, đóng góp ngân sách 34,4%.
Về xuất khẩu, khu vực FDI chiếm trên 99% cả tỉnh và hơn 12% so với xuất khẩu cả nước, giải quyết việc làm cho trên 40% lực lượng lao động và lao động đang làm việc của tỉnh. Khu vực FDI cũng góp phần đáng kể trong chuyển dịch cơ cấu ngành, qua đó đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Xu hướng trong giai đoạn tới
Bắc Ninh được biết đến là một trong những địa phương có môi trường kinh doanh thuận lợi, thông thoáng. Thời gian qua, tỉnh đã tận dụng những lợi thế về hạ tầng, nguồn nhân lực; đồng thời tích cực thực hiện các hoạt động cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh để thu hút đầu tư.
Để thực hiện mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2023, thời gian tới, tỉnh Bắc Ninh sẽ tiếp tục hoàn chỉnh định hướng và chiến lược thu hút FDI dài hạn. Trong đó, tỉnh ưu tiên lựa chọn các dự án theo tiêu chí “hai ít, ba cao” (ưu tiên các dự án sử dụng ít đất, ít lao động; suất vốn đầu tư cao, đóng góp ngân sách cao và hàm lượng công nghệ cao); “năm sẵn sàng”(mặt bằng, nhân lực, cải cách, hỗ trợ và chống dịch) và “một không” (không ô nhiễm môi trường), đảm bảo sự phát triển bền vững.
Tỉnh tập trung thu hút đầu tư nước ngoài theo chiều sâu gắn với mục tiêu phát triển bền vững; ưu tiên những dự án chất lượng, sản phẩm có giá trị gia tăng và tính cạnh tranh cao, tập trung vào các lĩnh vực như: Phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, xây dựng thành phố thông minh; công nghiệp hỗ trợ sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường;… Cùng với đó là các dự án lĩnh vực công nghệ thông tin; nghiên cứu phát triển; du lịch, dịch vụ tài chính, ngân hàng; đào tạo nhân lực; nông nghiệp công nghệ cao, thực phẩm sạch an toàn.
Về lựa chọn đối tác, địa phương coi trọng các thị trường đối tác hiện tại: Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan, Trung Quốc… Khai thác có hiệu quả mối quan hệ với các đối tác chiến lược, chú trọng các nước phát triển, tập đoàn xuyên quốc gia hàng đầu thế giới. Đồng thời thu hút đầu tư từ khu vực kinh tế tư nhân trong nước có tiềm lực tài chính và công nghệ.
Đặc biệt, tỉnh thu hút theo định hướng phát triển của các vùng chức năng như: Thung lũng công nghệ điện tử – huyện Yên Phong; Hành lang công nghiệp huyện Quế Võ; Trung tâm CNTT và Công nghệ cao – huyện Tiên Du,… để tập trung vào các ngành sản xuất linh kiện điện tử, sản xuất công nghệ cao, chất bán dẫn, vi mạch…
Tỉnh đã và đang xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư; hoàn thiện quy hoạch tỉnh và các quy hoạch liên quan; chuẩn bị sẵn sàng về nguồn nhân lực, mặt bằng, đặc biệt là cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh,… để sẵn sàng đón những làn sóng đầu tư mới.
Khôi Nguyên (Vietnam Business Forum)