CTD chưa hết khó
Dù đã có một số tín hiệu phục hồi sau tái cơ cấu, nhưng Công ty CP xây dựng Conteccons (HoSE: CTD) vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Sau khi tái cấu trúc cả về kinh doanh và tài chính, tổng giá trị hợp đồng ký mới và doanh thu của CTD đã tăng trở lại.
Phục hồi sau tái cơ cấu
Báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2023 của CTD ghi nhận doanh thu thuần gần 3.619 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu chính đến từ hợp đồng xây dựng chiếm phần lớn với gần 3.613 tỷ đồng, còn lại đến từ cho thuê thiết bị xây dựng gần 4 tỷ đồng và cho thuê văn phòng hơn 3 tỷ đồng. Bên cạnh đó, doanh thu hoạt động tài chính hơn 94 tỷ đồng, giảm 38% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chi phí quản lý doanh nghiệp của CTD hơn 120 tỷ đồng và chi phí tài chính hơn 35 tỷ đồng, giảm lần lượt 67% và 25% so cùng kỳ năm ngoái. Trong khi chi phí lãi vay hơn 25 tỷ đồng, tăng 33%. Dù CTD chỉ lãi ròng hơn 30 tỷ đồng trong quý 2, nhưng đây là mức cao nhất kể từ quý 3/2021.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, CTD đạt gần 6.749 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 30% so cùng kỳ, và lãi ròng hơn 52 tỷ đồng, gấp gần 10 lần cùng kỳ năm ngoái.
Có thể nói, sau quá trình tái cơ cấu, CTD đã đạt được thành quả nhất định. Theo đó, nguồn việc đã hồi phục trở lại nhờ chính sách bán hàng hiệu quả và chiến lược đa dạng hóa các dự án tham gia đấu thầu.
Thách thức còn lớn
Trước tình trạng biên lợi nhuận gộp liên tục giảm, CTD đã có những biện pháp như ký hợp đồng nguyên tắc và được báo giá để chủ động mua trước hoặc mua với giá thấp hơn giúp ổn định chi phí vật tư xây dựng. Tuy nhiên, FPTS cho rằng CTD cần tập trung nhiều hơn vào việc kiểm soát chi phí khi nguyên vật liệu chiếm tới gần 70% giá vốn hàng bán.
Bên cạnh đó, ngày 04/07/2023, Tòa án nhân dân TP.HCM đã thụ lý đơn của CTCP Đầu tư Xây dựng Ricons yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với CTD. Theo đó, Ricons đang đòi lại khoản nợ 322 tỷ đồng, phát sinh trong giai đoạn trước năm 2019 khi còn hoạt động cùng hệ sinh thái với CTD.
52 tỷ đồng là lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2023 của CTD, gấp gần 10 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Theo CTD, các tranh chấp phát sinh từ việc xác định giá trị công nợ chưa đủ những chứng từ đạt điều kiện pháp lý; và chủ đầu tư dự án chưa thanh toán tiền cho CTD, do vậy theo quy định trong hợp đồng CTD chưa thể thanh toán cho Ricons. Trong khi đó, CTD cho rằng Ricons cũng chưa thanh toán công nợ tại một số dự án mà Ricons làm tổng thầu.
FPTS cho rằng khả năng bị mở thủ tục phá sản của CTD là rất thấp. Bởi vì, theo Điều 9, Chương I và điều 42, Chương III Luật Phá sản, Thẩm phán có quyền quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản và sẽ ra quyết định mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán. Tuy nhiên, các chỉ số thanh toán của CTD hiện nay ở mức khá tốt, lần lượt là 1,58, 1,33 và 0,30 cho khả năng thanh toán hiện hành, nhanh và tiền mặt. Mặc dù vậy, đây cũng là thách thức mà CTD phải đối mặt.
Ngoài ra, CTD đang sở hữu danh mục đầu tư cổ phiếu trị giá 249 tỷ đồng (1,16% tổng tài sản) gồm chứng chỉ quỹ ETF KIM GROWTH VN30 (HSX: FUEKIV30), cổ phiếu FPT, cổ phiếu MWG và một số cổ phiếu khác. Đến cuối quý 2/2023, CTD đã trích lập dự phòng rủi ro khoảng 24 tỷ đồng, tương đương khoảng 10% giá gốc khoản đầu tư. Theo FPTS, tuy việc đầu tư tài chính không đem lại rủi ro đáng kể cho CTD do chỉ chiếm phần nhỏ tổng tài sản của doanh nghiệp nhưng sẽ ảnh hưởng lớn tới lợi nhuận. Bởi dự phòng giảm giá 10% danh mục đầu tư tương đương với lợi nhuận sau thuế năm 2022 của CTD.