Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Dịch vụ thương mại Hưng Thịnh kết nối, hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm sâm Nam núi Dành
Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Dịch vụ thương mại Hưng Thịnh đã ký kết hợp tác với Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ sâm Nam núi Dành Liên Chung tại hội nghị kết nối, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm sâm Nam núi Dành được tổ chức ở Bắc Giang vào sáng 30/3.
Ngày 30/3, UBND huyện Tân Yên (Bắc Giang) tổ chức hội nghị kết nối, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm sâm Nam núi Dành. Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo một số cơ quan, sở, ngành trong tỉnh, ông Đặng Việt Cường, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Dịch vụ thương mại Hưng Thịnh (sau đây gọi tắt là Công ty) cùng với các trung tâm, viện nghiên cứu và trường học trong ngành liên quan.
Lễ ký kết hợp tác liên kết và tiêu thụ sản phẩm sâm Nam núi Dành tại huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang.
Ông Ngô Quốc Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện phát biểu tại hội nghị nêu rõ, hội nghị được tổ chức nhằm đẩy mạnh kết nối tiêu thụ sản phẩm sâm Nam núi Dành ở thị trường trong và ngoài nước gắn với quảng bá sản phẩm, giới thiệu nguồn gốc, chất lượng, quy trình trồng, chăm sóc, chế biến. Qua đó tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, thương nhân tìm kiếm đối tác, ký kết tiêu thụ sản phẩm cho người dân trên địa bàn.
Trên tinh thần đó, Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Dịch vụ thương mại Hưng Thịnh đã ký kết với Hợp tác xã (sau đây gọi tắt là HTX) sản xuất và tiêu thụ sâm Nam núi Dành Liên Chung, xã Liên Chung, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang về sản xuất, tiêu thụ sản phẩm sâm Nam núi Dành.
Ông Đặng Việt Cường, Chủ tịch HĐQT Công ty ký kết hợp tác chế biến, tiêu thụ sản phẩm sâm Nam núi Dành.
Năm 2019, Trung tâm Giống cây trồng tỉnh Bắc Giang về nghiên cứu, chọn tạo cây đầu dòng để nhân giống. Nhờ đó, cuối năm 2020, bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc HTX đã tập hợp các hộ trồng sâm trên địa bàn xã thành lập Hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ sâm Nam núi Dành Liên Chung với 17 thành viên, diện tích ban đầu 4,5 ha, theo hướng hữu cơ, thân thiện môi trường.
Hiện nay, tuy sâm Nam núi Dành được đánh giá cao về chất lượng và mức độ quý hiếm, song việc sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu sâm Nam núi Dành những năm qua có nhiều thuận lợi song vẫn còn không ít khó khăn cần tháo gỡ. Việc hình thành liên kết giữa các hộ dân sản xuất sâm với các hộ kinh doanh, đơn vị truyền thông, các doanh nghiệp trong và ngoài nước để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.
Với năng lực, kinh nghiệm của mình trong lĩnh vực cây giống lâu năm, Công ty bày tỏ mong muốn mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm không chỉ trong nước mà còn hướng tới xuất khẩu.
Cùng với sự hỗ trợ của huyện Tân Yên về thiết bị, điều kiện phục vụ sản xuất, Công ty sẽ đẩy mạnh, chú trọng truyền thông, quảng bá giới thiệu sâm Nam núi Dành gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại thôn Hậu, xã Liên Chung, từ đó tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Về chất lượng sản phẩm sâm Nam núi Dành, bà Dung cho biết chất lượng của cây sâm Nam núi Dành tương đương sâm Hàn Quốc, chỉ đứng sau sâm Ngọc Linh. Tất cả các bộ phận của cây sâm từ lá, thân, hoa, củ đều được sử dụng. Sâm Nam trồng sau gần một năm bắt đầu ra hoa, vụ hoa sâm kéo dài khoảng 1,5 tháng, từ cuối tháng 8 đến giữa tháng 10. Trung bình 1 ha sâm một năm sẽ cho thu hoạch khoảng 150 – 200 triệu đồng từ hoa. Sau 5 năm, thu nhập từ củ sâm khoảng 4-5 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 3 tỷ đồng/ha. |
Việt Cường