Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê tê liệt hoạt động, nợ lương
Dự án mỏ sắt Thạch Khê bị dừng khai thác đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của công ty này, đặc biệt là quyền lợi của đội ngũ công nhân, người lao động.
Mỏ sắt Thạch Khê có trữ lượng 544 triệu tấn, được đánh giá là lớn nhất Đông Nam Á. Mỏ này nằm trên địa bàn 5 xã ven biển của huyện Thạch Hà gồm Thạch Khê, Đỉnh Bàn, Thạch Hải, Thạch Trị và Thạch Lạc. Tổng diện tích đất sử dụng của dự án là 4.821 ha. Dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê do Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê làm chủ đầu tư được triển khai từ năm 2008.
Doanh nghiệp lao đao, lao động bị nợ lương
Dự án ban đầu gồm có 09 cổ đông trên cơ sở thành lập Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê (TIC) là: Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV); Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh (MITRACO); Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSTELL); Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT); Tập đoàn Sông đà; Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (VINASHIN); Công ty TNHH Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Bình Minh (BITEXCO); Công ty Cổ phần Khoáng sản luyện kim Thăng Long (Thăng Long). TIC được Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh Hà Tĩnh cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (lần đầu) vào ngày 02/4/2007.
Việc dừng khai thác mỏ Thạch Khê khiến cho nhiều thiết bị phải “đắp chiếu” gây lãng phí, hư hại
Ngay sau khi được thành lập, TIC đã triển khai thực hiện dự án với đầy đủ cơ sở pháp lý do Bộ Công thương; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, Sở Tài nguyên và Môi trường; tham gia các hội đồng thẩm định dự án Nhà nước để thẩm định dự án ban đầu và dự án điều chỉnh. Tỉnh Hà Tĩnh đã đồng thuận để các cấp có thẩm quyền coi là căn cứ để chấp thuận các thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật.
Hiện tại, TKV và các cổ đông còn lại là MITRACO; VNSTEEL; BITEXCO và Thăng Long đã góp khoảng hơn gần 2.000 tỷ đồng vào dự án này. Tuy nhiên, từ năm 2017, sau gần 10 năm thực hiện dự án tỉnh Hà Tĩnh và một số bộ, ngành đã kiến nghị với Chính phủ xem xét dừng dự án. Do đó, đến nay Chủ đầu tư chưa thể tiếp tục triển khai dự án.
Theo đại diện TIC, do dự án dừng lại nên đã phải tinh giản người lao động xuống mức tối thiểu để duy trì bộ máy, thời điểm cao nhất là 217 cán bộ công nhân viên, nay con số chỉ còn lại 68 người.
Đặc biệt, do bị cưỡng chế thi hành chính sách thuế tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, nên công ty không tự chủ được tài chính. Hiện tại, TIC đang nợ lương người lao động trong nhiều tháng, nguy cơ người lao động không tiếp tục làm việc tại TIC là hiện hữu do không đảm bảo mức sống tối thiểu.
Đồng thời, do dự án chưa được triển khai, TIC không có cơ sở để tiếp tục huy động được các nguồn vốn dẫn đến không thể tiếp tục thực hiện công các công trình an sinh xã hội cho các xã vùng ảnh hưởng bởi dự án; thực hiện các nghĩa vụ tài chính như trả nợ cho các khoản nợ đối với các nhà thầu, nộp các khoản thuế, phí liên quan…
Trong thời điểm hiện tại, lãnh đạo Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê cho hay, đang phải đề xuất Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) cùng các cổ đông khác tiếp tục hỗ trợ chi trả tiền lương, bảo hiểm y tế cho người lao động từ quỹ phúc lợi của TKV.
Đề xuất tái khởi động
Đại diện TIC mong muốn dự án mỏ sắt Thạch Khê sớm được khai thác trở lại để doanh nghiệp có thể duy trì hoạt động ổn định trong tương lai, mang lại hiệu quả về kinh tế – xã hội cho địa phương.
“Tập thể người lao động của TIC sẽ tiếp tục báo cáo, giải trình đề nghị với Chính phủ, các bộ ngành, chính quyền đia phương xem xét toàn bộ quá trình triển khai Dự án của TIC một cách toàn diện, khách quan nhằm giải quyết triệt để những bức xúc CBCNV và của người dân vùng dự án (đặc biệt là các hộ dân trong diện phải di dời do ảnh hưởng bởi dự án) đồng thời giải quyết các khó khăn vướng mắc cho TIC cũng như tránh các hệ lụy nêu trên thông qua việc: Trước tiên, dừng ngay việc cưỡng chế thi hành các quyết định hành chính về thuế đối với TIC (xuất phát từ việc thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; bao gồm việc gỡ bỏ phong toả hoá đơn và tài khoản ngân hàng đối với TIC); Cho phépTIC được lùi thời hạn nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đến khi được cấp thẩm quyền cho phép tái khởi động Dự án và không bị tính tiền chậm nộp trong thời gian tạm dừng Dự án theo quy định tại điểm c, khoản 3 Điều 9 Nghị định số 67/2019/NĐ-CP ngày 31/7/2019 của Chính phủ về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.”- đại diện TIC chia sẻ.
Đối với lo ngại của UBND tỉnh Hà Tĩnh về các tác động môi trường, đại diện Công ty Cổ phần Sắt Thạch Khê cho biết, dự án mỏ sắt Thạch Khê đã được tính toán, lựa chọn áp dụng các công nghệ khai thác tiên tiến, hiện đại, phù hợp với điều kiện địa chất của mỏ và điều kiện khí hậu của Việt Nam, đảm bảo hiệu quả, an toàn, giảm thiểu tổn thất tài nguyên và tác động xấu tới môi trường.
Đáng chú ý, về giải pháp để giảm thiểu ảnh hưởng nguồn nước, hạ mực nước ngầm, phía TIC đưa ra các giải pháp bao gồm: Đền bù, tái định cư cho các hộ dân; xây dựng Nhà máy nước Thạch Trị (85 tỉ đồng) cung cấp nước sạch cho khu vực bị ảnh hưởng và các xã lân cận dự án…
Trên thực tế, phía công ty này cho hay, nếu dự án mỏ sắt Thạch Khê được mở lại sẽ đảm bảo cung cấp nguyên liệu ổn định lâu dài cho các cơ sở luyện kim trong nước; giảm nhập khẩu quặng, phôi thép từ nước ngoài; góp phần phát triển ngành thép Việt Nam, đặc biệt là ngành chế tạo từ thép chất lượng cao.
Theo tính toán, với giá bán quặng 50 USD/tấn, hằng năm TIC nộp ngân sách từ dự án trung bình giai đoạn I là 1.200 tỉ đồng/năm (công suất 5 triệu tấn/năm), giai đoạn II là 2.400 tỉ đồng/năm (công suất 10 triệu tấn/năm).
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn