Vừa qua, có hàng loạt đơn vị, doanh nghiệp chứng khoán đã bị phạt vì lỗi công bố thông tin, thậm chí trước đó có đơn vị bị đình chỉ giao dịch chiều mua trên thị trường niêm yết, phái sinh.
Từ những vấn đề nêu trên, cho thấy, thực hiện công bố thông tin của các doanh nghiệp chứng khoán có ảnh hưởng quan trọng, mật thiết đến thị trường tài chính, thương hiệu của doanh nghiệp và quyền lợi, cũng như sự lựa chọn đầu tư của khách hàng. Vì vậy, việc nắm bắt rõ các quy định pháp lý, như đối tượng và nguyên tắc công bố thông tin… là rất cần thiết không chỉ đối với doanh nghiệp mà với cả khàch hàng.
Bài viết này sẽ giúp bạn đọc hiểu cơ bản các nội dung pháp lý trên, đồng thời rút ra bài học sâu sắc từ một vụ việc mà đối tượng là doanh nghiệp có vị thế lớn, nhưng lại vi phạm những lỗi cơ bản trong công bố thông tin.
Căn cứ pháp lý
Điều 209, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 đã quy định cụ thể về tội cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán.
Cụ thể, người nào cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chào bán, niêm yết, giao dịch, hoạt động kinh doanh chứng khoán, tổ chức thị trường, đăng ký, lưu ký, bù trừ hoặc thanh toán chứng khoán có thể bị phạt tiền lên đến 2 tỷ đồng, phạt tù lên tới 5 năm nếu gây thiệt hại cho nhà đầu tư, thu lợi bất chính hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm. Pháp nhân thương mại phạm tội ngoài bị phạt tiền lên đến 5 tỷ đồng còn có thể bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1 năm đến 3 năm.
Như vậy, khi công ty chứng khoán có hành vi vi phạm trong công bố thông tin có thể đối mặt với nhiều hình thức xử lý của cơ quan chức năng theo các câp độ tăng dần, thậm chí chịu hình phạt rất khắc nghiệt như đình chỉ giao dịch, cấm kinh doanh, cấm huy động vốn nếu không quan tâm đến hoạt động công bố thông tin, không kịp thời khắc phục lỗi hoặc tiếp tục vi phạm khi đã bị phạt vi phạm hành chính…
Căn cứ quy định tại Luật chứng khoán 2019 và hướng dẫn tại Điều 2
Thông tư 96/2020/TT-BTC thì
những đối tượng sau đây phải công bố thông tin:
– Công ty đại chúng;
– Tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng;
– Tổ chức phát hành thực hiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng;
– Tổ chức niêm yết trái phiếu doanh nghiệp;
– Công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán; chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam và chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam (sau đây gọi là chi nhánh công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam); văn phòng đại diện công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam; quỹ đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng;
– Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam và công ty con (sau đây gọi là Sở giao dịch chứng khoán), Tổng công ty lưu ký và bù trừ chứng khoán Việt Nam;
– Nhà đầu tư thuộc đối tượng công bố thông tin theo quy định pháp luật.
Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 3 Thông tư 96/2020/TT-BTC thì nhà đầu tư phải công bố thông tin gồm:
– Người nội bộ của công ty đại chúng, người nội bộ của quỹ đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng theo quy định tại khoản 45 Điều 4 Luật chứng khoán và người có liên quan của người nội bộ;
– Cổ đông lớn, nhóm người có liên quan sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của công ty đại chúng; nhà đầu tư, nhóm người có liên quan sở hữu từ 5% trở lên chứng chỉ quỹ của quỹ đóng;
– Cổ đông sáng lập trong thời gian bị hạn chế chuyển nhượng của công ty đại chúng, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng;
– Nhóm nhà đầu tư nước ngoài có liên quan sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của 01 tổ chức phát hành hoặc từ 5% trở lên chứng chỉ quỹ của quỹ đóng;
– Cổ đông, nhóm người có liên quan mua vào để sở hữu từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của công ty đại chúng; nhà đầu tư hoặc nhóm người có liên quan mua vào để sở hữu từ 5% trở lên chứng chỉ quỹ của quỹ đóng;
– Tổ chức, cá nhân thực hiện chào mua công khai cổ phiếu của công ty đại chúng, chứng chỉ quỹ đóng của quỹ đầu tư mục tiêu; công ty mục tiêu, công ty quản lý quỹ đầu tư mục tiêu.
Về nguyên tắc công bố thông tin
Điều 4 Thông tư 96/2020/TT-BTC quy định về nguyên tắc công bố thông tin. Theo đó, việc công bố thông tin phải tuân thủ nguyên tắc sau đây:
Một là, việc công bố thông tin phải đầy đủ, chính xác, kịp thời theo quy định pháp luật. Việc công bố các thông tin cá nhân bao gồm: Căn cước công dân, Chứng minh nhân dân, Chứng minh quân nhân, Hộ chiếu còn hiệu lực, địa chỉ liên lạc, địa chỉ thường trú, số điện thoại, số fax, thư điện tử, số tài khoản giao dịch chứng khoán, số tài khoản lưu ký chứng khoán, số tài khoản ngân hàng, mã số giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài sở hữu trên 50% vốn điều lệ chỉ được thực hiện nếu cá nhân đó đồng ý.
Hai là, đối tượng công bố thông tin phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin công bố. Trường hợp có sự thay đổi nội dung thông tin đã công bố, đối tượng công bố thông tin phải công bố kịp thời, đầy đủ nội dung thay đổi và lý do thay đổi so với thông tin đã công bố trước đó.
Ba là, khi công bố thông tin phải đồng thời báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở giao dịch chứng khoán nơi chứng khoán đó niêm yết, đăng ký giao dịch về nội dung thông tin công bố, bao gồm đầy đủ các thông tin theo quy định. Trường hợp thông tin công bố bao gồm các thông tin cá nhân và các đối tượng công bố thông tin không đồng ý công khai các thông tin này thì phải gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở giao dịch chứng khoán 02 bản tài liệu, trong đó 01 bản bao gồm đầy đủ thông tin cá nhân và 01 bản không bao gồm thông tin cá nhân để Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở giao dịch chứng khoán thực hiện công khai thông tin.
Bốn là, việc công bố thông tin của tổ chức phải do người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền công bố thông tin thực hiện. Việc công bố thông tin của cá nhân do cá nhân tự thực hiện hoặc ủy quyền cho tổ chức hoặc cá nhân khác thực hiện.
Năm là, các đối tượng công bố thông tin có trách nhiệm bảo quản, lưu giữ thông tin đã công bố, báo cáo như sau:
– Các thông tin công bố định kỳ, thông tin về việc đăng ký công ty đại chúng phải được lưu giữ dưới dạng văn bản (nếu có) và dữ liệu điện tử tối thiểu 10 năm. Các thông tin này phải được lưu giữ và truy cập được trên trang thông tin điện tử của đối tượng công bố thông tin tối thiểu là 05 năm;
– Các thông tin công bố bất thường, theo yêu cầu hoặc các hoạt động khác phải được lưu giữ và truy cập được trên trang thông tin điện tử của đối tượng công bố thông tin tối thiểu là 05 năm.
Bài học từ việc Bất động sản Mặt Trời bị xử phạt vì vi phạm về trái phiếu
Mới đây, Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ban hành Quyết định số 309/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn Bất động sản Mặt Trời. (Trụ sở tại Tầng 9, toà nhà Sun City, số 13 phố Hai Bà Trưng, phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội).
Theo đó, Bất động sản Mặt Trời bị phạt tiền 92,5 triệu đồng theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 42 Nghị định số 156/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với hành vi không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật.
Cụ thể, Công ty Bất động sản Mặt Trời đã có hành vi không gửi tài liệu công bố thông tin cho Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) các tài liệu: Báo cáo tài chính năm 2021, Tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu năm 2021, Báo cáo tình hình sử dụng số tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu năm 2021.
Đồng thời, Công ty Bất động sản Mặt Trời gửi tài liệu công bố thông tin cho Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội không đúng thời hạn đối với kết quả chào bán trái phiếu mã SPTCH2123001.
Có thể nói, so với quy mô hoạt động tài chính, đầu tư của một doanh nghiệp như Bất động sản Mặt Trời thì số tiền phạt về lỗi công bố thông tin như nêu trên là không quá lớn, nhưng đó lại là bài học sâu sắc về niềm tin đối với khách hàng, bởi uy tín doanh nghiệp sẽ quyết định đến thương hiệu của đơn vị, doanh nghiệp đó. Và hơn thế, nếu không siết chặt công tác quản lý, doanh nghiệp trong lĩnh vực chứng khoán không ý thức được trách nhiệm của mình về vấn đề công bố thông tin, thì hậu quả có thể sẽ rất nghiêm trọng đến thị trường tài chính nói chung, đặc biệt là những doanh nghiệp lớn như Bất động sản Mặt Trời, khi ấy sẽ không còn là câu chuyện đơn thuần về văn hóa doanh nghiệp, hay lợi nhuận ít- lợi nhuận nhiều.
NHẤT LONG
Bạn đang đọc bài viết “Công bố thông tin trong lĩnh vực chứng khoán: Góc nhìn pháp lý và thực tiễn vi phạm về trái phiếu tại BĐS Mặt Trời”. Tiếp nhận thông tin góp ý, phản hồi về nội dung bài viết, liên hệ: 0915356779.