Cơn hỗn loạn mang tên ChatGPT (Phần 1)
ChatGPT đang gây ra sự “hỗn loạn”. Công cụ AI từ OpenAI mới chỉ xuất hiện được hai tháng nhưng đã thu hút được hơn một triệu người dùng với nhiều luồng ý kiến trái chiều, vượt ra khỏi giới công nghệ.
ChatGPT được so sánh với sự ra mắt của iPhone và sự bùng nổ của tiền điện tử nhưng trong khi tiềm năng lâu dài của công cụ này vẫn là một dấu hỏi, mọi người đã tìm ra những cách sáng tạo để sử dụng nó. Còn từ những người lao động đến các công ty công nghệ đối thủ và các học giả, tất cả đều đang dần cảm nhận được sức nóng của công cụ này.
Được một số người coi là mối đe dọa lớn đối với các công cụ tìm kiếm truyền thống, lại thêm Microsoft đã công bố kế hoạch đầu tư 10 tỷ USD, sau khoản đầu tư 1 tỷ USD trước đó, chatbot trí tuệ nhân tạo của hãng OpenAI này dường như đã khiến Google lo lắng.
Vào tháng 12, ban quản lý của Google đã ban hành “mã đỏ” liên quan đến ChatGPT, theo The New York Times. Theo đó, chatbot đã làm dấy lên mối lo ngại về tương lai của công cụ tìm kiếm của Google.
Microsoft được cho là đang lên kế hoạch tung ra một tính năng Bing kết hợp công nghệ đằng sau ChatGPT. Tính năng nhằm mục đích cung cấp cho người dùng câu trả lời cho một số tìm kiếm thay vì chỉ hiển thị các liên kết có liên quan. The Information đưa tin tính năng này có thể xuất hiện vào cuối tháng 3.
Các chuyên gia AI, chuyên gia tìm kiếm, các nhân viên hiện tại và trước đây của Google đã nói với Tom Dotan của Insider rằng ChatGPT khó có thể thay thế bộ máy tìm kiếm của Google hiện tại vì lo ngại về các phản hồi không chính xác của nó.
ChatGPT cũng có thể viết những bài luận và vượt qua một số kỳ thi, những kĩ năng mà dường như chỉ có thể do con người đảm nhiệm.
Trong khi một số giáo viên xem công nghệ như một công cụ để tiết kiệm thời gian hoặc chỉ là phần mở rộng của các chương trình AI chính thống hơn như Grammarly, thì những giáo viên khác lại không mặn mà lắm.
Hai giáo sư triết học nói với Insider rằng họ đã bắt gặp các sinh viên đang cố gắng chuyển nội dung do AI tạo ra thành nội dung của họ. Họ lo lắng rằng “sản phẩm” tạo ra từ ChatGPT sẽ khó bị phát hiện hơn và cũng khó có thể kết luận AI đang “đạo văn” theo các quy tắc học thuật hiện hành.
ChatGPT cũng giúp viết thư xin việc. Người viết đã thử tạo một lá thư từ công cụ này với một số mô tả công việc thực tế và một vài câu ngắn gọn về kinh nghiệm của mình. Lá thư được gửi tới một số nhà tuyển dụng và họ đều cảm thấy ấn tượng. Dù vậy, họ cho rằng những bức thư thiếu cá tính và đề nghị những người tìm việc chỉ sử dụng chatbot như một điểm khởi đầu.
Nhạc sĩ từng đoạt giải Grammy Nick Cave không mấy ấn tượng với ChatGPT. Anh gọi một bài hát ChatGPT được viết theo phong cách của anh là “một sự chế nhạo kỳ cục” và gọi sản phẩm đó là “nhảm nhí”.
Giới sáng tạo cũng đang tranh cãi xung quanh công cụ AI này. Ammaar Reshi, giám đốc thiết kế của một công ty công nghệ tài chính, thấy mình đang ở giữa một cuộc tranh luận sôi nổi về AI và các ngành công nghiệp sáng tạo sau khi sử dụng ChatGPT, cùng với Midjourney, để viết và minh họa một cuốn sách dành cho trẻ em.
Các nghệ sĩ đã lên Twitter để cáo buộc anh ăn cắp tác phẩm của họ trong khi độc giả nhắm đến chất lượng của câu chuyện. “Văn bản cứng nhắc và không có tiếng nói nào,” một nhà phê bình trên Amazon viết.
Tất cả đều cho thấy sức nóng của công cụ trí tuệ nhân tạo này. Thế nhưng hiệu quả thực sự của ChatGPT đang thế nào, chatbot này có phải là thủ phạm khiến nhiều người bị sa thải không?
Còn nữa…