Con đường thủy vào Trung Hoa

Con đường thủy vào Trung Hoa của sử gia Milton Osborne – tác phẩm vừa được Phương Nam Book phát hành – là một bản tường thuật được nghiên cứu kỹ lưỡng từ chuyến đi của đoàn thám hiểm sông Mê Kông vào thế kỷ XIX. 
Khi đặt mình vào vai trò độc giả, Milton Osborne cảm thấy các tài liệu đồ sộ của đoàn thám hiểm gồm sáu người Pháp khởi hành từ Sài Gòn lên thượng nguồn, khảo sát về dòng sông Mê Kông rất khó đọc “không chỉ vì ngôn ngữ mà còn ở cách viết, cách đặt vấn đề chưa được rõ ràng”.
Chính vì thế, ông đã lược dẫn lại nhiều thông tin báo cáo, cộng thêm việc tự nghiên cứu, du khảo trong khoảng thời gian gần 10 năm. Từ đó, quyển sách Con đường thủy vào Trung Hoa đã ra đời nhằm giúp độc giả hiểu rõ mối quan tâm từ sớm của người Pháp về dòng sông Mê Kông với tham vọng tìm ra tuyến đường thủy nối liền Nam Kỳ và miền Nam Trung Hoa. Đồng thời, tác phẩm còn tái hiện một lát cắt sinh động về đời sống Đông Dương trong giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.
 Dòng Mê Kông vĩ đại – một ẩn số quyến rũ người phương Tây
Con đường thủy vào Trung Hoa
Ở giai đoạn đầu lịch sử, những họa sư đã sử dụng bản đồ của người Bồ Đào Nha để ghi tên con sông bằng tiếng Thái: “Mecon, hay Mecom”, đôi khi là “Mekong”. Nếu dịch thoáng qua đầy lãng mạn thì nó mang hàm ý “mẹ của các dòng nước”. Thế nhưng, người dân Campuchia gọi nó là “Tonle Thom”, người Việt gọi nó là “sông Lớn”. Cả hai tên gọi đều mang ý nghĩa –  “Dòng sông vĩ đại”.
Mê Kông thực sự là một con sông vĩ đại. Dòng chảy của nó kéo dài khoảng 4.350 km với xuất phát từ cao nguyên Tibet (Tây Tạng), đi qua Trung Quốc, Lào, Campuchia, Việt Nam rồi đổ ra biển Đông. Giữa thế kỷ XIX, dòng Mê Kông phân chia thành nhiều phân nhánh nhỏ, là tuyến đường thủy quan trọng trong việc đi lại và buôn bán của người dân xứ Đông Dương. Tuy vậy, sông Mê Kông vẫn là một ẩn số chưa tìm được lời giải. Từ xa xưa, ý tưởng con đường thủy vào Trung Hoa đã được các đế quốc Pháp, Anh, Bồ Đào Nha… bàn luận với mục đích tìm kiếm điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu thương mại trên dòng Mê Kông.
Năm 1837, Đại úy McLeod một sĩ quan quân đội Anh tại Myanmar đã thám hiểm sông Salween đế đến biên giới Trung Hoa. Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc không cho phép đoàn thám hiểm đi qua lãnh thổ nước này, nên sứ mệnh của McLeod đã kết thúc sớm… Những năm 1860, giới thương nhân Pháp lẫn Anh luôn nghĩ rằng, hàng triệu người Trung Hoa đang chờ đợi cơ hội được mua hàng hóa nhập khẩu từ châu Âu. Nguồn tài nguyên trên mảnh đất màu mỡ này sẽ được các nhà công nghiệp nước ngoài khai thác. Sau năm 1863, một người Pháp ở Sài Gòn đã ghi lại trong tư liệu rằng: “Cuộc thám hiểm dòng sông Mê Kông nằm trong đầu tất cả mọi người. Nhưng vấn đề trước mắt là làm sao để biến ý tưởng này thành hiện thực”.
Trong nỗ lực khai mở bí mật của dòng sông, sáu công dân Pháp đã lao vào một cuộc thám hiểm với niềm tin rằng tuyến đường thủy mà họ phát hiện sẽ dẫn vào lộ giới Trung Hoa, giúp việc buôn bán hàng hóa phát triển, gia tăng thêm sự giàu có từ đất nước đông dân này. Sau nhiều tháng ròng rã trôi qua, dù phải đối mặt với những cơn sốt rét, bệnh kiết lỵ, những nhà thám hiểm vẫn chậm chạp tiến bước. Tuy vậy, còn rất nhiều thử thách đang chờ họ phía trước trong hành trình truy tìm tuyến đường thủy thực tế dẫn vào Trung Hoa.
Công trình khảo cứu đồ sộ về dòng Mê Kông trong bối cảnh văn hóa Đông Dương
Con đường thủy vào Trung Hoa
Một cuộc phiêu lưu đầy mạo hiểm đã bắt đầu với 6 thành viên chính và 16 nhân sự phụ giúp: Doudart de Lagrée (trưởng đoàn), La Grandière (phó đoàn), Clovis Thorel (bác sĩ trong đoàn), Lucien Joubert (bác sĩ trong đoàn), Louis Delaporte (họa sĩ), Louis de Carné (thành viên nhỏ tuổi nhất trong đoàn)… Tất cả đều lên đường với sự hiếu kỳ cùng niềm tin rằng họ sẽ có lòng dũng cảm để đón nhận những tai họa trải dài suốt hành trình.
Con đường thủy vào Trung Hoa mô phỏng lại toàn cảnh lưu vực sông Mê Kông cùng vùng nội địa Đông Dương và Nam Trung Hoa của hơn 150 năm về trước. Không gian và đời sống văn hóa của cộng đồng dân cư trong lưu vực sông Mê Kông đã được ghi chép lại sống động. Từ đây, độc giả sẽ có cái nhìn bao quát về dòng Mê Kông qua những sinh hoạt của từng cụm dân cư, và cách họ duy trì tập quán tổ chức các lễ hội dân gian, phong tục, tín ngưỡng đến văn hóa sinh hoạt, trang phục, ứng xử. Trong đó, có một số phong tục văn hóa bản địa được tác giả ghi chép kỹ lưỡng như: lễ hội đua ghe ngo, lễ hội té nước, lễ hội mùa ở Lào và Campuchia; khu chợ vải bản xứ ở Myanmar (Miến Điện); tập tục bó chân ở Trung Hoa… Ngoài ra, tác phẩm còn đề cập chi tiết buổi yến tiệc cùng vua Norodom tại cung điện hoàng gia Campuchia mà đoàn thám hiểm được tham dự, hay một đêm nghe nhạc xứ Lào, hay nghi lễ trong một ngôi nhà thuộc thị trấn ven sông Nong Khay…
Ngoài việc chắt lọc thông tin từ những báo cáo chính của La Grandière, tác giả Milton Osborne còn kết hợp với nền tảng kiến thức sẵn có, tham khảo, đối chiếu từ nhiều nguồn khác nhau nhằm mang đến cho độc giả cái nhìn rõ nét về những nguy hiểm, những mâu thuẫn, những chán nản… của đoàn thám hiểm khi khảo sát dòng sông Mê Kông.
Milton Osborne dẫn lược lại ghi chép của La Grandière rằng: “Tình trạng sức khỏe của đoàn tồi tệ. Những chặng cuối, chúng ta phải băng qua những cánh rừng, đồng ruộng, bị ướt đẫm bởi các cơn mưa đầu mùa. Điều đó khiến chúng tôi bị sốt rét, lở loét bàn chân khiến phân nửa đoàn nhiều ngày không thể nhấc mình khỏi chỗ nằm.” 
Khi đoàn vượt qua những rắc rối về giấy thông hành, thời tiết, dịch bệnh… thì họ đến được cửa ngõ Tư Mao (một quận nội thành thuộc địa cấp thị Phổ Nhĩ, tỉnh Vân Nam ngày nay). Vừa vào Trung Quốc, các nhà thám hiểm liền nhận ra, họ gây sự tò mò cho những ai chưa từng thấy người da trắng, “lũ trẻ con quan sát và bắt chước dáng đi của quân nhân và những cử chỉ lạ lùng của các nhà thám hiểm”.
Dù có nhiều vất vả, khó khăn trong suốt chặng đường dài; thậm chí, đôi khi phải đối mặt với những thất bại cay đắng, các nhà thám hiểm vẫn kiên trì chịu đựng và nhanh chóng phục hồi. Quả ngọt cuối cùng mà họ nhận được là những phát hiện lịch sử mang tính khoa học về dòng sông vĩ đại mang tên Mê Kông.
Con đường thủy vào Trung Hoa là một công trình khảo cứu đồ sộ, tóm lược toàn bộ thành quả mà phù sa sông Mê Kông kiến tạo trong suốt nhiều thế kỷ. Tác giả Milton Osborne đã trả lời các câu hỏi lịch sử thông qua việc nghiên cứu những văn bản báo cáo của Léon Garnier, với những hình ảnh minh họa in kèm. Ngoài ra, phần trích dẫn cuối sách còn bổ sung thêm một số tư liệu về cuộc thám hiểm dòng sông Mê Kông có liên hệ đến Việt Nam, nhằm giúp bạn đọc thuận tiện trong việc tra cứu.
Tác phẩm Con đường thủy vào Trung Hoa của sử gia Milton Osborne giúp người đọc phần nào hình dung rõ hơn bức tranh toàn cảnh có tính đối sánh giữa các xứ Đông Dương trong tiến trình thuộc địa hóa đầy ảo vọng của người Pháp. Có thể nói, đây là một bản tường thuật được nghiên cứu kỹ lưỡng về chuyến đi vĩ đại của đoàn thám hiểm người Pháp với tham vọng tìm ra tuyến đường thủy nối liền Nam Kỳ và miền Nam Trung Hoa.
Trích đoạn
 “Sau nhiều năm tranh luận, đoàn thám hiểm sông Mê Kông của Pháp rời Sài Gòn ngày 5/6/1866. Để trang trải trên đường, đoàn có các thỏi vàng, tiền đô la Mexico, tiền xu Thái, tổng giá trị tới 25.000 franc. Lương thực được đóng trong 150 thùng với hơn 500 kg khẩu phần dự trữ, bánh quy, bánh mì sấy, 300 kg bột mì, 700 lít rượu vang và 300 lít rượu brandy. Ngoài ra, 15 thùng hàng để trao đổi dọc đường đi và 1 thùng dụng cụ khoa học”.
***
 “Giữ vai trò trung tâm của mọi cuộc tranh luận, sau khi tất cả các yếu tố khác đã được xem xét, Mê Kông vẫn là một con sông vĩ đại, lớn thứ mười hai trên thế giới về chiều dài, lớn thứ sáu về lượng nước đổ ra biển. Nó vẫn cầm giữ những bí ẩn”.  
***
 “Người ta tổ chức cuộc đua ghe ngo để đánh dấu việc kết thúc mùa mưa và mực nước sông hạ nhanh. Các con thuyền độc mộc cỡ lớn, dài tới 30 mét, có đến sáu mươi tay chèo. Họ cùng đua trước sự chứng kiến của những người đứng đầu địa phương và toàn thể cư dân”.
 Nhận xét của báo chí thế giới
Con đường thủy dẫn Trung Hoa một bản tường thuật hấp dẫn được nghiên cứu kỹ lưỡng, khắc họa cuộc phiêu lưu được ca ngợi là một trong những chuyến thám hiểm vĩ đại nhất thế kỷ XIX”.
Washington Post
“Milton Osborne đã hoàn tất một công việc nghiên cứu tuyệt vời”.
Spectator
“Ngoài những chi tiết thú vị, cuốn sách còn có đầy đủ những sự kiện quá khứ cần thiết của một tác phẩm lịch sử: Tầm quan trọng, sự thú vị và tính chân thật”.
Sử gia Robin W. Winks, Đại học Yale
 Về tác giả
 Milton Osborne là sử gia nổi tiếng, chuyên nghiên cứu về khu vực Đông Nam Á. Sau khi tốt nghiệp Đại học Sydney (Úc), ông làm việc cho Đại sứ quán Úc tại Phnom Penh (Campuchia) trong khoảng thời gian từ năm 1959 1961. Từ những kinh nghiệm trong công việc, ông tiếp tục lấy bằng Tiến sĩ Lịch sử Đông Nam Á tại Đại học Cornell (New York, Mỹ).
Sau khi đảm nhiệm nhiều chức vị hàn lâm tại Úc, Anh và Hoa Kỳ, Tiến sĩ Osborne trở thành Giám đốc Viện Nghiên cứu Anh quốc ở Đông Nam Á tại Singapore. Năm 1980 1981, ông tham gia cố vấn cho Liên hợp quốc về vấn đề người tỵ nạn Campuchia. Trong năm 1982, ông quay về Úc làm Giám đốc Chi nhánh châu Á của Văn phòng Thẩm định Quốc gia.
Tiến sĩ Osborne là tác giả của nhiều cuốn sách lịch sử về đề tài châu Á, kể từ 1993, ông là tác giả toàn thời gian kiêm người cố vấn về khu vực này.
Năm 2021, Milton Osborne được trao tặng Huân chương nước Úc vì những đóng góp và cống hiến của ông trong lĩnh vực nghiên cứu lịch sử.
Thông tin tác phẩm:
  • Tựa chính: Con đường thủy vào Trung Hoa
  • Tác giả: Milton Osborne
  • Thể loại: Sách nghiên cứu
  • Giá bìa: 199.000đ
  • Sách do Phương Nam Book và NXB Thế giới liên kết xuất bản.

Bài Viết Liên Quan

Back to top button