Coca Cola mở chiến dịch tiếp thị bằng nội dung người dùng kèm AI

Hãng mở cuộc thi “vẽ Coca Cola” bằng AI. Tranh thắng giải sẽ được trưng lên giữa Quảng trường Thời đại. Một chiến dịch tiếp thị bằng nội dung người dùng kinh điển, lần này được nâng cấp có cả AI.

Coca Cola mở chiến dịch tiếp thị bằng nội dung người dùng kèm AI

Coca Cola vừa khởi động nền tảng “Create real magic”

Coca Cola vừa khởi động nền tảng “Create real magic”. Với nền tảng này, người dùng có thể sáng tạo những tác phẩm nghệ thuật trên kho hình ảnh có sẵn của Coca-Cola bằng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).

Vẽ tranh bằng AI

Cụ thể, Create real magic được tích hợp các công cụ AI như DALL-E và GPT, cho phép người dùng sáng tạo nghệ thuật với những hình ảnh kinh điển của Coca-cola như biểu trưng, mẫu chai, hoặc các nhân vật như Ông già Noel và gấu Bắc Cực.

Không chỉ khởi động nền tảng đơn thuần, Coca-Cola còn mở một cuộc thi liên quan, hạn chót đến ngày 31/3. Trong cuộc thi, thương hiệu nước giải khát này mời các nhà sáng tạo nội dung tại 17 quốc gia nộp các tác phẩm nghệ thuật tạo trên “Create real magic”.

Tác phẩm thắng cuộc sẽ được đưa lên biển quảng cáo Coca-Cola tại quảng trường Thời Đại ở Nữu Ước và quảng trường Piccadilly ở Luân Đôn. Ngoài ra, 30 nhà sáng tạo được chọn sẽ có cơ hội tham gia workshop Real Magic Creative Academy kéo dài 3 ngày tại trụ sở Coca-Cola ở Atlanta.

Coca Cola mở chiến dịch tiếp thị bằng nội dung người dùng kèm AI

Ông Manolo Arroyo, giám đốc marketing toàn cầu của Coca-Cola, chia sẻ rằng dự án này là nỗ lực của công ty nhằm đưa sức mạnh kỹ thuật số vào mọi mặt của việc kinh doanh. Với nền tảng này, người hâm mộ Coca-cola sẽ có thể tự trải nghiệm và tạo ra tác phẩm của chính họ.

Ngoài cuộc thi, Coca-Cola còn hợp tác với bốn nghệ sĩ AI nổi tiếng ở nhiều châu lục, bao gồm Emma Sofija (Mỹ), Chris Branch (Châu Âu), Paul Parsons (Châu Âu) và Ean Hwa Huag (Châu Á). Nhiệm vụ của họ là tự sáng tạo các tác phẩm dựa trên hình ảnh của Coca-Cola.

Theo ông Arroyo, chiến dịch lần này là cơ hội để nghệ sĩ và người hâm mộ Coca-cola cùng nhau sáng tạo, đồng thời cũng là điểm khởi đầu trong quá trình đánh giá ảnh hưởng của AI đối với marketing và tương tác với khách hàng.

Trước đó vào năm 2021, Coca-Cola cũng ra mắt nền tảng “Real magic”. Những hoạt động liên quan đến chiến dịch này bao gồm cải tiến logo “Hug”, đoạn phim 2 phút tựa đề “One Coke away from each other”. Sau này Coca-cola còn tạo thêm 2 bộ phim khác là “The Conductor” và “Believing is magic”.

Tiếp thị bằng nội dung người dùng

Coca Cola mở chiến dịch tiếp thị bằng nội dung người dùng kèm AI

Chiến dịch này của Coca Cola thuộc dạng tiếp thị bằng nội dung người dùng (User Generated Content – UGC) khá quen thuộc nhiều năm qua.

UGC có rất nhiều hình thức, trong đó phổ biến nhất phải kể đến chia sẻ hình ảnh, các bài đăng trên mạng xã hội với hashtag thương hiệu; Chia sẻ các bài nhận xét, đánh giá về sản phẩm, dịch vụ trên website hoặc các trang mạng xã hội; Chia sẻ các nội dung video trực tuyến về sản phẩm, dịch vụ; Để lại bình luận trong các bài đăng.

Từ những nội dung này, người làm marketing sẽ khéo léo tùy biến, sử dụng linh hoạt một hoặc nhiều hình thức để có thể phù hợp với mục đích của chiến dịch.

Với phương pháp này, có thể kể đến những chiến dịch rất thành công như Chiến dịch #ShotOnIphone của Apple (tạm dịch: chụp bằng iPhone) là một trong những chiến dịch UGC marketing thành công nhất và trở thành chiến lược chủ đạo của Apple. Chiến dịch này bắt đầu khi Apple phát hiện khách hàng mình không hài lòng với camera iPhone, đặc biệt khi chụp hình trong bóng tối. Về phần kỹ thuật, họ đã giải quyết. Tuy nhiên họ cần quảng bá rộng rãi để người dùng biết, để họ không rời bỏ sản phẩm Apple. Và đấy là lí do chiến dịch tiếp thị #ShotOnIphone ra đời. Theo đó, rất nhiều người dùng bình thường lẫn cả chuyên nghiệp đua nhau chụp hình trong điều kiện thiếu sáng bằng iPhone và gửi về Apple. Những bức ảnh này sau đó được Apple in lên trên các tấm biển quảng cáo ngoài trời trên toàn thế giới để mọi người đều được chiêm ngưỡng. Như vậy, Apple đã giải quyết được vấn đề camera.

Hay như chiến dịch #RedCupContest của Starbuck. Trong chiến dịch này, các khách hàng được khuyến khích chia sẻ những tấm ảnh chụp hình chiếc cốc đỏ của Starbuck, đăng kèm với hashtag #RedCupContest. Giải thưởng cũng rất hấp dẫn với 5 thẻ quà tặng 500 USD cho 5 tấm ảnh xuất sắc nhất. Kết thúc cuộc thi, có hàng nghìn tấm hình được gửi về Ban tổ chức của Starbuck. Điều này đã giúp doanh thu của Starbuck tăng lên rất nhiều, vì đầu tiên mọi người phải mua đồ uống thì mới có cốc để chụp ảnh.

Bản thân Coca Cola cũng là một “trùm” trong phương pháp này. Nổi tiếng nhất là việc đưa tên người tiêu dùng lên trên chai Coca-Cola. Bên cạnh đó, chiến dịch “Share a Coke” đã góp phần thúc đẩy người tiêu dùng mua sản phẩm mà bản thân yêu thích và cũng để dành tặng cho những người thân yêu. Khách hàng săn lùng lon Coca trong siêu thị hoặc tự thiết kế riêng tên mình, sau đó chia sẻ rộng rãi trên các nền tảng truyền thông xã hội.

Chiến dịch vẽ tranh bằng AI lần này cũng là tiếp nối “truyền thống” của hãng. Nhưng lần này phần thưởng khá “to”. Tranh được trưng giữa Quảng trường Thời đại quả là rất hấp dẫn.

Bài Viết Liên Quan

Back to top button