Cơ quan quản lý “đau đầu” vì thực phẩm chức năng “giả”

Một số lượng “khủng” thực phẩm chức năng giả đã và đang xâm nhập vào hệ thống cung ứng thuốc trong nước và đến tay người bệnh, đây là vấn đề nhức nhối để lại những hệ lụy vô cùng nghiêm trọng…

Cơ quan quản lý “đau đầu” vì thực phẩm chức năng “giả”

Cơ quan công an tỉnh Thanh Hóa đã triệt phá thành công một đường dây sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng giả trên địa bàn, 4 đối tượng cầm đầu đường dây “khủng” này cũng đã bị bắt. Ảnh: CAND

Hàng giả “xâm nhập” vào nhà thuốc

Theo thông tin từ Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 cho biết, thời gian qua, xu hướng sản xuất, buôn bán hàng giả, gian lận thương mại nói chung, trong đó có các mặt hàng là thuốc tân dược, thực phẩm chức năng không ngừng gia tăng, mức độ vi phạm ngày càng nghiêm trọng, với phương thức, thủ đoạn tinh vi hơn rất nhiều.

Cụ thể, việc sản xuất, buôn bán hàng giả, gian lận thương mại đã dịch chuyển từ quy mô nhỏ lẻ, tự phát sang lợi dụng tư cách pháp nhân, thành lập công ty liên danh, hình thành đường dây, tổ chức liên kết trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, các đối tượng còn chuyển từ hình thức kinh doanh, vận chuyển hàng hóa trực tiếp sang hoạt động trên các kênh thương mại điện tử, nền tảng mạng xã hội.

Điển hình như mới đây, Cơ quan công an tỉnh Thanh Hóa đã triệt phá thành công một đường dây sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng giả trên địa bàn, 4 đối tượng cầm đầu đường dây “khủng” này cũng đã bị bắt. Thông tin từ cơ quan này cho biết, ngày 16/10/2023, lực lượng chức năng tổ chức khám xét đồng loạt tại 10 địa điểm là nhà máy sản xuất, kho chứa cất hàng hoá, nhà và xưởng in bao bì sản phẩm thực phẩm chức năng trên các địa bàn: TP Thanh Hoá, TP Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh và huyện Gia Lâm, TP Hà Nội.

Qua khám xét, lực lượng chức năng thu giữ hơn 4.000 thùng hàng thuốc là thực phẩm chức năng bảo vệ sức khoẻ giả với hơn 100 mã hàng, hơn 60.000 sản phẩm và hàng nghìn vỏ bao bì giả với tổng tiền hàng hoá ước tính hơn 10 tỷ đồng.

Tại cơ quan Công an, các đối tượng khai nhận, do nắm bắt được nhu cầu của người tiêu dùng tìm mua các thực phẩm bảo vệ sức khoẻ như: thực phẩm giảm cân, thực phẩm bổ não, thực phẩm làm đẹp dành cho phụ nữ, thực phẩm bổ mắt dành cho trẻ em, sữa uống dành cho người già, thực phẩm hỗ trợ điều trị bệnh dạ dày… nên các đối tượng đã đứng ra thành lập các nhà máy sản xuất gia công các loại thực phẩm bảo vệ sức khoẻ giả để bán ra thị trường nhằm trục lợi với nhiều phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi như thành lập công ty sản xuất, các công ty chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm nhưng không có hoạt động kinh doanh tại địa chỉ, không treo biển bảng công ty và hầu hết các công ty này đều do các thành viên trong gia đình đứng tên giám đốc nhằm che mắt các cơ quan chức năng.

Đáng chú ý, theo lời khai, sau khi hàng hoá được sản xuất, các đối tượng xây dựng một hệ thống đội ngũ nhân viên thị trường đông đảo tiếp cận các nhà thuốc, phòng khám và một số đại lý thuốc tân dược để bán các sản phẩm hàng giả đến tay người tiêu dùng. Mặt khác các đối tượng cũng triệt để lợi dụng nền tảng công nghệ số để bán hàng trên các trang thương mại điện tử, các mạng xã hội như Facebook, Zalo, Telegram, Instagram,… để tiếp cận nhanh nhất đến người tiêu dùng, đồng thời dễ dàng xóa dấu vết phạm tội, trốn tránh sự truy xét của các cơ quan chức năng.

Cơ quan quản lý “đau đầu” vì thực phẩm chức năng “giả”

Lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội bắt giữ thực phẩm chức năng giả mạo tại khu đô thị GoldMark City (quận Bắc Từ Liêm). Ảnh: QLTT

Doanh nghiệp chân chính “nản lòng”

Chia sẻ về lý do khiến tình trạng sản xuất, buôn bán thuốc, thực phẩm chức năng giả chưa có dấu hiệu thuyên giảm, thậm chí ngày càng gia tăng, ông Nguyễn Đức Lê – Phó Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương cho biết, nguyên nhân là do lợi nhuận của hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, gian lận thương mại quá lớn, đặc biệt là đối với nhóm các mặt hàng thuốc, thực phẩm chức năng.

Trong khi đó, ông Lê cho biết, việc giám định các mặt hàng thuốc, thực phẩm chức năng đòi hỏi kinh phí lớn và thời gian dài để thẩm tra, xác minh. “Hiện chi phí giám định mỗi chỉ tiêu mất khoảng từ 4 – 5 triệu đồng, mỗi mẫu sản phẩm phải giám định từ 4 – 5 chỉ tiêu mới đánh giá được, do đó chi phí không hề nhỏ. Trong khi trên thị trường có đến hàng hàng triệu loại thuốc, thực phẩm chức năng”, ông Lê nói.

Đồng quan điểm, luật sư Lê Thị Nhung – Giám đốc Công ty TNHH Lee và Cộng sự cho biết, hiện nay, lĩnh vực thương mại điện tử phát triển rất mạnh mẽ dẫn đến các đối tượng lợi dụng các kênh bán hàng trực tuyến, nền tảng mạng xã hội để gia tăng việc trao đổi, buôn bán bán hàng giả. Trong khi đó, về phía các cơ quan chức năng cũng gặp nhiều rào cản làm hạn chế hiệu quả hoạt động của công tác chống buôn lậu, buôn bán hàng giả, gian lận thương mại.

“Thực phẩm chức năng “giả” không “hoành hành” chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng mà còn khiến những doanh nghiệp làm ăn chân chính nản lòng, thậm chí phải “khổ sở”, “lao đao”, luật sư Lê Thị Nhung chia sẻ.

Trao đổi thêm về vấn đề này, luật sư Nhung cho biết, đối với những doanh nghiệp làm ăn chân chính, tình trạng này tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Theo đó, các sản phẩm giả mạo tràn lan khiến doanh nghiệp mất doanh thu và thị phần trên thị trường do không tiếp cận được nguồn khách hàng tiềm năng, gây thiệt hại lớn về kinh tế.

Mặt khác có thể khiến người tiêu dùng hiểu lầm cho rằng doanh nghiệp cung cấp sản phẩm kém chất lượng, từ đó ảnh hưởng đến danh tiếng, uy tín thương hiệu của doanh nghiệp trên thị trường. Ngoài ra còn làm hạn chế khả năng đổi mới của doanh nghiệp, vì sản phẩm cứ đưa ra thị trường là bị làm giả khiến doanh nghiệp nản lòng…

Đặc biệt theo luật sư Nhung, ở tầm vĩ mô, trong bối cảnh nền kinh tế đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, vấn nạn hàng giả, gian lận thương mại ảnh hưởng lớn đến uy tín của đất nước trên trường quốc tế, cũng như làm xấu đi hình ảnh môi trường kinh doanh của Việt Nam.

“Bởi lẽ, sự xuất hiện tràn lan của hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ sẽ khiến các tập đoàn, nhà đầu tư trên thế giới dè dặt khi đầu tư vào Việt Nam do tâm lý lo ngại không được bảo vệ tốt quyền lợi”, luật sư Lê Thị Nhung nói.

Bài Viết Liên Quan

Back to top button