“Cổ phiếu vua” nhiều dư địa tăng giá
Cổ phiếu ngân hàng, được mệnh danh là “cổ phiếu vua”, được kỳ vọng vẫn còn dư địa tăng trưởng do tín dụng dự báo sẽ tăng trưởng tích cực hơn nhờ lãi suất thấp, nền kinh tế phục hồi tốt hơn,…
Cổ phiếu ngân hàng đã chứng kiến đà tăng trưởng ấn tượng trong thời gian vừa qua, với nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn ghi nhận mức tăng đáng kể lên đến hàng chục phần trăm.
Triển vọng tươi sáng
Cổ phiếu ngân hàng tăng giá được xem là dấu hiệu tích cực cho thị trường tài chính, nhất là trong bối cảnh các ngân hàng lớn tiếp tục mở rộng quy mô và nâng cao hiệu suất hoạt động.
Cụ thể, kết quả kinh doanh ấn tượng của ngành ngân hàng trong quý 4/2023 đã đóng góp chủ yếu vào lợi nhuận toàn thị trường, với lãi ròng tăng trưởng 22,5% so với cùng kỳ năm trước và chứng kiến sự tăng trưởng ổn định 3,8% trong suốt năm 2023.
Các chuyên gia và nhà đầu tư đang đặc biệt quan tâm đến diễn biến này, coi đó như một trong những chỉ báo quan trọng của sự ổn định, tiềm năng tăng trưởng trong tương lai của lĩnh vực ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Công ty Chứng khoán ABS nhìn nhận, trong năm 2024, triển vọng ngành ngân hàng được đánh giá khá lạc quan dựa trên nhiều yếu tố tích cực. Trong đó, việc giảm mặt bằng lãi suất vẫn được kỳ vọng là bệ đỡ quan trọng cho khả năng vay vốn và sự hồi phục của thị trường bất động sản. Việc ban hành Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho ngành này.
Đáng chú ý, sự cải thiện biên lợi nhuận (NIM) dự kiến đến từ việc giảm lãi suất cho vay một cách chậm rãi hơn so với lãi suất huy động, từ đó giúp cải thiện dòng tiền cho doanh nghiệp và giảm áp lực nợ xấu cho ngân hàng, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản.
Ông Nguyễn Minh Hoàng, Giám đốc phân tích CTCK Nhất Việt chia sẻ: “Nhìn sâu vào yếu tố dòng tiền trên thị trường chứng khoán, tôi đánh giá rất cao những phiên phục hồi của thị trường trong hai phiên đầu tuần này và dòng tiền đang có sự lan toả mạnh sang các nhóm ngành khác”.
“Chúng ta đều thấy, nhóm ngành dẫn sóng trong suốt giai đoạn vừa qua là nhóm ngân hàng, hầu như có sự tích lũy chặt chẽ, thậm chí một số cổ phiếu vẫn còn khả năng tăng giá mạnh như BID, TCB,… Điều đó thể hiện dòng tiền lan tỏa sang các nhóm ngành khác không đơn thuần là sự chốt lời từ những nhóm ngành dẫn sóng, mà là dòng tiền mới từ bên ngoài chảy vào. Trong phiên giảm cuối tuần trước, so với hồi tháng 9/2023, nhịp giảm này có lực cầu bắt đáy tốt hơn rất nhiều, như phát đi tín hiệu rằng thị trường đang rất tốt”, ông Nguyễn Minh Hoàng nhận định.
Xem xét cổ phiếu nào?
Theo lý giải của ông Nguyễn Minh Hoàng, ở hai phiên đầu tuần này, thị trường bật tăng để xóa đi phiên giảm điểm của ngày 23/2, kéo nhiều cổ phiếu bật lên một cách mạnh mẽ và vượt đỉnh như nhóm chứng khoán, phân bón và một số nhóm ngành khác. Vì thế thời điểm này, chúng ta có thể gặp áp lực ở vùng kháng cự, nhưng sẽ có hai kịch bản xảy ra gồm:
Thứ nhất, VN-Index có thể tiến đến vùng 1.250-1.300 điểm, sau đó mới bắt đầu điều chỉnh.
Thứ hai, nếu lực cầu mua vào bắt đầu có sự yếu đi, thì thị trường cũng có thể rung lắc ngay tại vùng này để đi ngang và tiếp tục hấp thụ cung ở vùng 1.250 điểm, rồi mới tiếp tục đi lên.
Trong bối cảnh dòng “dẫn sóng” như ngân hàng vẫn đang rất khỏe, chủ yếu là những cổ phiếu có nền tảng vốn hóa lớn, có sự tích nền chặt chẽ, bên cạnh yếu tố dòng tiền mới đã vào thị trường thì dòng tiền đang đứng bên ngoài vẫn còn khá nhiều. Do đó, kịch bản để thị trường có thể chỉnh sâu là không lớn.
Ông Nguyễn Minh Hoàng cho rằng, động lực kỳ vọng của nhóm ngành ngân hàng đến từ hoạt động tín dụng và phụ thuộc rất nhiều vào bối cảnh vĩ mô. Nếu bối cảnh vĩ mô tiếp tục hồi phục, các doanh nghiệp sản xuất hồi phục, bắt đầu hướng tới việc mở rộng đầu tư và xuất hiện lại các nhu cầu về vay vốn, thì tất cả những điều này sẽ thúc đẩy khả năng tăng trưởng tín dụng trở lại, qua đó giúp hoạt động kinh doanh của các ngân hàng tốt hơn. “Chúng ta cũng đã nhìn thấy đâu đó nợ xấu của nhóm ngành ngân hàng ở quý 4/2023 bắt đầu đạt đỉnh và có dấu hiệu đi ngang hoặc đi xuống. Nếu mọi yếu tố đồng thời tích cực thì chất lượng kinh doanh, cũng như chỉ số tài chính của nhóm ngân hàng sẽ cải thiện”, ông Hoàng nhấn mạnh.
Trong nhóm cổ phiếu ngân hàng nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư có thể kể đến như TCB. Theo ông Nguyễn Minh Hoàng, với định giá hiện nay của TCB là một vùng định giá rẻ để nhà đầu tư có thể quan sát. Nếu cổ phiếu này có nhịp hấp thụ cung, thì hoàn toàn có thể là một điểm mua tiếp theo mà nhà đầu tư nên chú ý. Hay với cổ phiếu CTG, mặc dù có định giá P/B khoảng 1.3 cao hơn so với TCB, nhưng mức P/B đó so với cùng đặc thù của nhóm ngành ngân hàng quốc doanh như BID hay VCB, thì CTG vẫn là vùng định giá tương đối rẻ.
Bên cạnh đó, Vietinbank cũng là một trong những ngân hàng có kết quả kinh doanh ấn tượng trong quý 4/2023. Do đó, nhà đầu tư có thể xem xét cổ phiếu CTG.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn