Cổ phiếu HVN bao giờ thoát “khóa sàn”?
Cổ phiếu HVN -Tổng Công ty hàng không Việt Nam sau giai đoạn tăng nóng trong vòng 3 tháng qua, đã chứng kiến những phiên giảm sàn.
Phiên giao dịch ngày 23/7 tiếp tục là một phiên giao dịch “khóa sàn” với cổ đông nắm giữ cổ phiếu HVN. Sau thời gian neo trên đỉnh dài hạn, cổ phiếu HVN bất ngờ bị điều chỉnh mạnh kể từ đầu tháng 7 tới nay. Chốt phiên 23/7, thị giá HVN giảm hết biên độ về mức giá 22.650 đồng/cp với lượng dư bán sàn gần 7 triệu đơn vị.
Kể từ đỉnh hồi đầu tháng 7 (36.400 đồng/cp), thị giá cổ phiếu hàng không này đã bốc hơi tới 40%. Vốn hóa thị trường của HVN cũng bị “thổi bay” hơn 1 tỷ USD chỉ trong khoảng 3,5 tuần giao dịch. Vì sao cổ phiếu HVN lại bị nhà đầu tư bán tháo như vậy?
Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 do Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức, ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HVN ước tính lợi nhuận trước thuế hợp nhất của hãng trong 6 tháng đầu năm đạt hơn 4.600 tỷ đồng. Con số này cho thấy HVN vẫn có lãi trong quý II nhưng thấp hơn nhiều so với quý I đầu năm.
Theo các chuyên gia, điều này cũng là nguyên nhân dẫn tới HVN bị bán sàn do kết quả kinh doanh quý II có thể chưa đáp ứng kỳ vọng của cổ đông và nhà đầu tư. Bên cạnh đó, sau giai đoạn thăng hoa và nhà đầu tư chốt lời, cổ phiếu ắt sẽ phải điều chỉnh.
Nhìn rộng về khả năng thoát “khóa sàn” và triển vọng xa hơn, thực tế HVN vẫn đang trong lộ trình hoàn thành mục tiêu đề ra. Năm 2024, HVN lên kế hoạch doanh thu hợp nhất đạt 105.946 tỷ đồng tăng 113,6% và lợi nhuận trước thuế hợp nhất là 4.524 tỷ đồng. Nếu đạt được mục tiêu đề ra thì kinh doanh của HVN sẽ cải thiện so với mức lỗ hơn 5.000 tỷ năm ngoái. Với kết quả sơ bộ đạt được sau 6 tháng, HVN cơ bản đã hoàn thành mục tiêu lợi nhuận trước thuế và thậm chí còn vượt nhẹ so với chỉ tiêu.
Đối với vấn đề xử lý nợ, mới đây, ngày 22/07/2024, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Thông tư số 42/2024/TT-NHNN, mở rộng chính sách hỗ trợ tài chính cho HVN. Động thái trên nhằm thực hiện Nghị quyết số 142/2024/QH15 của Quốc hội, cho phép NHNN tự động gia hạn thêm 3 lần đối với dư nợ tái cấp vốn của các tổ chức tín dụng đang cho HVN vay.
Thông tư mới sửa đổi quy định về tái cấp vốn, với thời gian gia hạn mỗi lần bằng thời hạn tái cấp vốn lần đầu. Tổng thời gian các lần gia hạn tối đa không quá 5 năm (bao gồm cả 2 lần đã được gia hạn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14). Theo các chuyên gia, quyết định này thể hiện nỗ lực của Chính phủ trong việc hỗ trợ hãng hàng không quốc gia vượt qua hậu quả kéo dài của đại dịch COVID-19.
Dù vậy, một vấn đề khác hiện HVN đang phải đối mặt là tình trạng thiếu máy bay. Hiện các hãng bay Việt Nam chỉ còn hơn 160 tàu bay hoạt động. Tuy nhiên, dù số lượng máy bay giảm, Tổng Công ty vẫn tăng giờ bay so với năm ngoái để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Lãnh đạo HVN cho biết một số thách thức diễn ra với Công ty còn có giá nhiên liệu tăng làm tăng chi phí vận hành, tỷ giá tăng 4,8% từ đầu năm cũng ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động kinh doanh. Trên hết, toàn ngành hàng không Việt Nam đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt tàu bay do các lỗi kỹ thuật của nhà sản xuất như nêu trên.
Tuy nhiên, theo phân tích của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, ngành hàng không đã đi qua thời kỳ khó khăn nhờ 4 lý do chính gồm giá dầu ổn định quanh mức 90 USD/thùng (chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 25-28% chi phí khai thác của các hãng hàng không); khách quốc tế duy trì đà phục hồi, khách trong nước tăng trưởng ổn; và tăng trần giá vé máy bay.
Ngoài ra, khi sân bay quốc tế Long Thành được hoàn thiện với công suất 100 triệu lượt khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa, tình trạng quá tải tại sân bay Tân Sơn Nhất sẽ được khác phục, đồng thời mang lại lợi ích cho các hãng bay và dịch vụ hàng không dài hạn. HVN trong xu thế đó và với vị thế hãng hàng không quốc gia, chắc chắn dẫn đầu hưởng lợi.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp