Cổ phiếu chứng khoán có còn dư địa tăng trưởng?

Nhóm cổ phiếu chứng khoán tiếp tục “làm mưa làm gió” trên thị trường sau các thông tin mặt bằng lãi suất huy động lẫn cho vay được NHNN tiếp tục giảm mạnh.

Cổ phiếu chứng khoán có còn dư địa tăng trưởng?

Cổ phiếu chứng khoán còn nhiều dư địa tăng trưởng nhờ mặt bằng lãi suất giảm mạnh

Phiên giao dịch ngày 29/05, nhóm cổ phiếu chứng khoán tiếp tục hút dòng tiền của cả nhà đầu tư nội và ngoại. Điển hình là cổ phiếu VND -Công ty Chứng khoán VNDirect tăng kịch trần lên 17.050 đồng/cổ phiếu với khối lượng khớp lệnh lên tới 44 triệu đơn vị, trong đó khối ngoại tiếp tục mua vào 2,4 triệu cổ phiếu; Tiếp theo là cổ phiếu SS I- Công ty Chứng khoán SSI cán mốc 23.400 đồng/cp với khối lượng khớp lệnh lên tới 17,5 triệu/cp, riêng khối khoại mua vào 1,8 triệu cổ phiếu; Cổ phiếu HCM – Công ty Cổ phần Chứng khoán TPHCM cán mốc 27.200 đồng/cp với khối lượng 636.000 đồng/cp…

Các cổ phiếu còn lại như SHS tăng mạnh 6,3% lên mức 11.800 đồng/cp với hơn 32 triệu đơn vị được giao dịch, SSI, VIX, HCM, MBS đồng loạt tăng trên 3%; trong khi một số cái tên nhỏ hơn như EVS, TVB tăng kịch trần.

Đặc biệt nhất vẫn là cổ phiếu chứng khoán VND tăng trần sau thông tin Tập đoàn Trung Nam Goup chuyển thanh toán lãi trái phiếu cho VND đúng hạn 600 tỷ đồng với lãi suất 11%. Như vậy lợi nhuận từ trái phiếu hạch toán vào quý 2/2023 thì VND có lãi đột biến.

Trước đó, VND vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2023 với doanh thu và lợi nhuận đều sụt giảm mạnh.

Cụ thể, tổng doanh thu hoạt động quý I/2023 đạt 1.290 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ. Doanh thu môi giới và lãi từ cho vay là hai nguồn thu lớn nhất của VND trong quý I/2022 cũng như nhiều năm gần đây. Tuy nhiên, cả hai mảng kinh doanh đều sụt giảm mạnh lần lượt 68,4% và 46,3% trong quý vừa qua. Doanh thu môi giới quý I/2023 chỉ thu về gần 146 tỷ đồng trong khi chi phí mảng nghiệp vụ này là 111 tỷ đồng. Biên lãi gộp riêng nghiệp vụ môi giới đạt 24%, “mỏng” hơn nhiều mức 49,4% cùng kỳ.

Sau khi trừ đi các khoản chi phí, lợi nhuận trước thuế quý I chỉ còn 176,6 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế đạt 140,5 tỷ đồng, giảm 81,5% so với cùng kỳ. Tính đến ngày 31/3, quy mô tài sản của VND đạt hơn 37.000 tỷ đồng, giảm 1.750 tỷ đồng so với đầu năm. Nguyên nhân chính do công ty giảm lượng tiền mặt nắm giữ và các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn. Dư nợ cho vay margin cũng giảm nhẹ 3,8% xuống còn hơn 8.700 tỷ đồng.

Trong dòng chứng khoán, cổ phiếu SSI duy nhất nằm trong rổ VN30 cũng hút được dòng tiền của nhà đầu tư. Báo cáo nhận định về cổ phiếu SSI, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Vietinbank(CTS) cho rằng hiện tại SSI ghi nhận diễn biến chỉ báo MACD tích cực cùng với chỉ báo định hướng trung bình cho thấy tiềm năng tăng giá trong ngắn hạn. Nhà đầu tư có thể tham khảo kịch bản tăng giá dự kiến của cổ phiếu SSI; Đó là vùng giá mua: 22.400–22.900 đồng và ngưỡng chốt lời mục tiêu 1 là 25.600 đồng và ngưỡng giá chốt lời mục tiêu 2 là 28.300 đồng, CTS khuyến nghị.

Mới đây, Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) vừa công bố Top 10 thị phần môi giới quý I/2023 của các công ty chứng khoán. Theo đó, thị phần môi giới quý đầu năm chứng kiến sự gia tăng thị phần của một số công ty chứng khoán như SSI, VPS, TCBS; đồng thời VCBS đã thay thế VDSC trong vị trí top 10.

Cổ phiếu chứng khoán có còn dư địa tăng trưởng?

Theo danh sách của HOSE, Công ty Chứng khoán VPS tiếp tục xếp đầu với thị phần 15,67%. Tiếp theo SSI và Chứng khoán VND lần lượt xếp thứ 2 và thứ 3 với thị phần 11,53% và 6,8%. Trong đó, thị phần của SSI tăng 1,57% trong khi của VND giảm 0,71%. Đây cũng là 2 vị trí không đổi so với quý trước.

Nhận định về đà tăng trưởng của nhóm cổ phiếu chứng khoán, trong báo cáo thị trường tiền tệ, Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng vẫn có khả năng có thêm một đợt giảm lãi suất 50-100 điểm cơ bản trong quý 3/2023, đưa lãi suất điều hành về gần mức trước đợt tăng mạnh vào tháng 10 năm ngoái.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa quyết định giảm lãi suất điều hành thêm 50 điểm cơ bản. Đây là lần giảm lãi suất điều hành lần thứ ba liên tiếp chỉ trong hơn hai tháng với mục tiêu chính là hỗ trợ tăng trưởng kinh tế do vẫn còn đang rất yếu.

Theo đó, VDSC cũng nhận thấy một số điểm thuận lợi cho quyết định của NHNN khi lạm phát trong nước tiếp tục xu hướng giảm, tỷ giá vẫn tương đối ổn định và chu kỳ tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) gần như đã kết thúc.

Do vậy, tác động tích cực của đợt giảm lãi suất điều hành lần này là do mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng của các Ngân hàng TMCP Nhà nước và tư nhân hiện đang cao hơn trần lãi suất nên lãi suất huy động có thể giảm thêm từ 20-50 điểm cơ bản. Mặt khác, vì động lực tăng trưởng tín dụng vẫn còn thấp, rủi ro nợ xấu đang gia tăng.

Hiện tại, các lãi suất điều hành cơ bản đã giảm trung bình khoảng 100 điểm cơ bản so với đầu năm. Xét ở góc độ điều hành chính sách tiền tệ thận trọng thì dư địa để giảm thêm lãi suất điều hành là hạn hẹp nếu nhìn trong tương quan lãi suất USD-VND. Việc giảm thêm lãi suất theo VDSC, sẽ đồng nghĩa dòng tiền chảy vào sản xuất kinh doanh và nhóm cổ phiếu chứng khoán và cổ phiếu các nhóm ngành sản xuất kinh doanh tiếp tục hưởng lợi có dư địa tăng trưởng trong những tháng còn lại của năm 2023.

Bài Viết Liên Quan

Back to top button