Cơ hội thu hút dòng vốn FDI chất lượng từ Mỹ

Các tập đoàn lớn của Mỹ quan tâm đến Việt Nam là do Việt Nam có những lợi thế, tiềm năng nhất định như chính trị ổn định, tăng trưởng kinh tế bền vững… Việt Nam đang là tâm điểm của sự dịch chuyển vốn đầu tư vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đòn bẩy để Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch Đầu tư, trong năm 2022, các doanh nghiệp Mỹ đã đầu tư hơn 748 triệu USD vào Việt Nam, xếp thứ 8 trên tổng số 108 quốc gia, vùng lãnh thổ đã đầu tư vào Việt Nam trong năm 2022.

Tính đến cuối năm 2022, các nhà đầu tư Mỹ có hơn 1.223 dự án tại Việt Nam với tổng vốn khoảng 11,4 tỷ USD, đứng thứ 11/142 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Cơ hội thu hút dòng vốn FDI chất lượng từ Mỹ

Trong quý I/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, vốn tăng thêm và vốn góp mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư đạt 54,63 triệu USD, tăng 39,7% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó bao gồm 20 dự án đầu tư vào các dự án mới được cấp phép với tổng vốn hơn 15,15 triệu USD, 21 dự án góp vốn 39,48 triệu USD để mua cổ phần.

Xét theo lĩnh vực kinh tế, theo Bộ Kế hoạch Đầu tư, các nhà đầu tư Mỹ cũng đầu tư vào hơn 20 lĩnh vực ở Việt Nam. Hầu hết các tập đoàn lớn nhất của Mỹ đều đã có mặt tại Việt Nam như Exxon Mobil, Murphy Oil, Chevron, Boeing, Ford, Intel, Wal-Mart, Nike, Amazon và P&G…

Theo ông Nguyễn Văn Toàn – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam (VAFIE), dòng vốn FDI của Mỹ chảy vào Việt Nam nhiều hơn sẽ giúp nâng cao mức sống cũng như hình ảnh đất nước như một điểm đến thân thiện để đầu tư.

Đặc biệt, sự hiện diện của các nhà đầu tư tên tuổi Mỹ tại Việt Nam sẽ là đòn bẩy mạnh mẽ để thu hút các công ty của Mỹ và giới đầu tư các nước khác vào Việt Nam.

Dòng vốn FDI từ Mỹ đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển của Việt Nam với những dự án quy mô lớn, hàm lượng công nghệ cao, góp phần tạo dựng cho Việt Nam chỗ đứng vững chắc trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chuyển đổi số và chuyển đổi năng lượng sẽ được quan tâm hơn

Theo ông Ted Osius, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Hội đồng Kinh doanh Mỹ – ASEAN, có hai lĩnh vực mà các doanh nghiệp Mỹ quan tâm và muốn tìm kiếm đối tác để đầu tư vào Việt Nam, đó là chuyển đổi số và chuyển đổi năng lượng.

Phân tích kỹ thêm, ông Ted Osius cho biết, chuyển đổi số là điều đang diễn ra và sẽ đưa Việt Nam ở vào một vị thế mới trong cuộc cạnh tranh số. Mỹ có nhiều doanh nghiệp có thế mạnh trong lĩnh vực này và sẵn sàng trở thành những đối tác của Việt Nam. Việt Nam đang trở thành một thành viên tích cực trong chuỗi cung ứng toàn cầu, trong những lĩnh vực rất quan trọng như điện tử, như việc Intel đã có nhà máy sản xuất chip điện tử ở Việt Nam…

Ông Rafael Frankel, Giám đốc Chính sách công Khu vực Nam Á và Đông Nam Á, Tập đoàn Meta (doanh nghiệp sở hữu Facebook) cho biết, với dân số gần 100 triệu người, trong đó có 60 triệu người tiêu dùng số Việt Nam đang là thị trường tiêu dùng phát triển nhanh chóng. Đây là cơ hội rất lớn để phát triển kinh tế số.

Hiện, Meta đã ” hỗ trợ 85.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam biết được những công cụ hỗ trợ kinh doanh trên nền tảng số. Qua đó, các doanh nghiệp sẽ có được những dữ liệu khách hàng ban đầu, hiểu được thị trường mà họ muốn nhắm tới khi bán hàng. Đó chính là chuyển đổi số”, ông Rafael Frankel cho hay.

Về chuyển đổi năng lượng, theo Bộ Kế hoạch đầu tư, Việt Nam có nhu cầu vốn từ 8 – 14 tỷ USD mỗi năm cho đầu tư các dự án điện. Trong khi đó, hiện đang có hàng nghìn tỷ USD từ các nhà đầu tư Hoa Kỳ đang chờ đợi chảy vào các lĩnh vực năng lượng xanh, logistic, cơ sở hạ tầng của Việt Nam.

Ông John Rockhold, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) cho biết, nhà đầu tư Hoa Kỳ rất quan tâm đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực tăng trưởng xanh và bày tỏ tin tưởng có thể thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 từ năm 2030 thay vì 2050.

Tuy nhiên, để thu hút được lượng vốn này, còn một số khó khăn mà nhà đầu tư muốn được các bộ, ngành Việt Nam hợp tác tháo gỡ. Cụ thể gồm sự ổn định trong chính sách về điện cũng như quá trình cấp phép cho các dự án năng lượng sạch hay ban hành giá FIT mới; áp dụng thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA). Bởi điều này sẽ nhanh chóng có tác động tích cực vào tính cạnh tranh của ngành năng lượng Việt Nam.

“Gần đây, Amcham đã xúc tiến các buổi làm việc với Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bộ Tài chính để có cơ chế hợp tác, hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực tăng trưởng xanh, vì môi trường lãi suất 2 con số như hiện nay không thuận lợi cho doanh nghiệp”, ông John Rockhold chia sẻ.

Thu Huyền (Vietnam Business Forum)

Bài Viết Liên Quan

Back to top button