Cơ hội “đổi vai” trong dòng chảy thương mại
Rủi ro trước mắt với doanh nghiệp Việt là nguy cơ tăng chi phí vận tải, điều chỉnh đội tàu… Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để “đổi vai”, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Đào Trọng Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) nhấn mạnh khi trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp.

Tuyên bố thu phí đối với tàu do Trung Quốc đóng khi cập cảng Hoa Kỳ, dù mới ở giai đoạn ban đầu, đã phát đi một tín hiệu mạnh mẽ về việc chính quyền Mỹ muốn tái định hình cấu trúc ngành vận tải biển toàn cầu theo hướng giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, gây tác động mạnh tới các quốc gia.
– Việc Chính quyền Tổng thống Donald Trump dự kiến thu phí cập cảng đối với tàu do Trung Quốc sản xuất đã đặt ra nhiều rủi ro cho ngành vận tải biển toàn cầu, đặc biệt ảnh hưởng trực tiếp tới các quốc gia thiên về xuất khẩu như Việt Nam, thưa ông?
Đây là một động thái mang tính chiến lược dài hạn, không chỉ tác động đến riêng các hãng tàu Trung Quốc mà còn ảnh hưởng tới toàn bộ các hãng vận tải biển sử dụng tàu đóng tại Trung Quốc – vốn chiếm gần 80% đội tàu toàn cầu hiện nay, và sắp tới con số này sẽ lên tới 98%, có nghĩa là gần như toàn bộ các tàu tới Hoa Kỳ đều phải trả một khoản phí rất lớn.
Đối với các nền kinh tế phụ thuộc lớn vào xuất khẩu như Việt Nam, rủi ro trước mắt nằm ở nguy cơ tăng chi phí vận tải do các hãng tàu phải gánh thêm phí dịch vụ hoặc buộc phải điều chỉnh đội tàu, dẫn đến khan hiếm năng lực vận chuyển hoặc tái cơ cấu tuyến vận hành. Về dài hạn, vấn đề này tạo ra sự bất ổn nhất định cho dòng chảy thương mại quốc tế.
Hiện đã có hơn 300 ý kiến góp ý tại các phiên điều trần, cho thấy còn nhiều tranh luận về tính khả thi và hệ lụy kinh tế của chính sách này. Với Việt Nam, điều quan trọng là theo dõi sát diễn biến chính sách này, đồng thời làm việc chặt chẽ với các hãng tàu, hiệp hội quốc tế và các đối tác logistics để chủ động đánh giá lại cấu trúc chuỗi cung ứng, tìm giải pháp thay thế khi cần, cũng như tận dụng cơ hội nếu xu hướng dịch chuyển đội tàu sang các nước khác diễn ra.
Bên cạnh đó, việc thuế đối ứng của Hoa Kỳ lên Trung Quốc ở mức rất cao khiến sản lượng hàng hóa xuất khẩu vào Hoa Kỳ của Trung Quốc sụt giảm.

– Theo ông, Việt Nam cần lường trước kịch bản ứng phó cho việc này như thế nào?
Trước hết, Việt Nam cần thiết lập cơ chế theo dõi sát diễn biến chính sách quốc tế có thể ảnh hưởng đến ngành vận tải và logistics, nhất là các quyết định từ các thị trường chủ lực như Mỹ, EU và Trung Quốc. Thời gian vừa qua, Chính phủ và các bộ, ban, ngành đặc biệt là ngành Công Thương đã có phản ứng rất nhanh và đưa ra các chính sách ứng phó kịp thời giúp giảm thiểu tác động tiêu cực lên nền kinh tế. Các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp logistics cần phối hợp xây dựng kịch bản ứng phó linh hoạt, bao gồm việc chuyển đổi tuyến vận tải, lựa chọn cảng trung chuyển phù hợp, và thậm chí cân nhắc việc sử dụng các hình thức vận chuyển thay thế như đường sắt xuyên Á – Âu hoặc vận tải đa phương thức. Các doanh nghiệp có thể chọn các cảng của Canada như Vancover, Prince Rupert ở Bờ Tây và Montreal, Halifax ở Bờ Đông, sau đó sử dụng các phương thức vận tải đường sắt và đường bộ để đưa hàng hóa vào Hoa Kỳ.
Về nhóm ngành, những mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao, nhạy cảm với thời gian và phụ thuộc lớn vào vận tải đường biển cần được ưu tiên xây dựng kịch bản sớm, như: dệt may, da giày; điện tử, linh kiện công nghệ cao; thủy sản… Đối với các doanh nghiệp chủ hàng, cần chủ động làm việc với nhiều hãng tàu thay vì phụ thuộc vào một đối tác duy nhất, đặc biệt là các hãng có tuyến tàu trực tiếp hoặc kết nối tốt với các trung tâm trung chuyển ngoài Trung Quốc như Singapore, Busan (Hàn Quốc), Klang (Malaysia) hay Dubai. Đồng thời, cần cân nhắc phát triển logistics xanh và đa dạng hóa hình thức vận chuyển, trong đó có thể tính đến giải pháp kết hợp giữa đường biển – đường bộ – đường sắt để duy trì dòng chảy hàng hóa ổn định. Đa dạng hóa thị trường, tận dụng tối đa các FTA thúc đẩy xuất khẩu.
Ngoài ra, một hướng đi chiến lược là đẩy mạnh nội địa hóa chuỗi cung ứng, gia tăng năng lực logistics nội địa và mở rộng hạ tầng cảng – ICD – kho ngoại quan để tăng tính chủ động trong điều phối hàng hóa xuất nhập khẩu. Việc thúc đẩy số hóa logistics cũng rất quan trọng để giúp doanh nghiệp dự báo rủi ro sớm và tối ưu kế hoạch vận hành.
– Tuy nhiên, việc các chuỗi cung ứng toàn cầu đang tái cấu trúc cũng là cơ hội để doanh nghiệp Việt tham gia sâu hơn, chủ động hơn vào chuỗi logistics quốc tế, thưa ông?
Để nâng cấp vai trò của doanh nghiệp Việt trong chuỗi logistics toàn cầu, thứ nhất cần củng cố năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp logistics nội địa, không chỉ về công nghệ và tiêu chuẩn dịch vụ, mà cả về năng lực tài chính và khả năng cung cấp giải pháp tổng thể cho khách hàng xuất nhập khẩu.
Thứ hai, tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp logistics trong nước để hình thành những chuỗi cung ứng tích hợp “do người Việt làm chủ”.
Thứ ba, chủ động kết nối và tham gia mạng lưới logistics toàn cầu, thông qua các hiệp hội, mạng 3PL quốc tế, và cả các nền tảng số logistics xuyên biên giới. Đặc biệt, đầu tư vào phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
– Trân trọng cảm ơn ông!
Thy Hằng – Diễn đàn Doanh nghiệp