Triển vọng đầu tư bất động sản tại các đô thị Vùng Thủ đô
Thị trường bất động sản được dự báo sẽ có sự chuyển mình mạnh mẽ nhờ quá trình sáp nhập tỉnh. Khi không gian phát triển được mở rộng và nguồn lực được tập trung sẽ mang lại dư địa phát triển to lớn tại các đô thị Vùng Thủ đô mở ra nhiều cơ hội mới trên thị trường bất động sản.
Phát biểu khai mạc Hội thảo “Triển vọng đầu tư bất động sản tại các đô thị Vùng Thủ đô”, TS. Nguyễn Văn Khôi – Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam cho biết: Vùng Thủ đô Hà Nội (bao gồm Thủ đô Hà Nội và 9 tỉnh lân cận) mang trên mình sứ mệnh là trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, đồng thời là hạt nhân kinh tế, văn hóa – lịch sử, khoa học – giáo dục của cả nước.

Mặc dù chỉ chiếm khoảng 7,4% diện tích cả nước, Vùng Thủ đô tập trung tới 21,1% dân số và đóng góp khoảng 25% GDP của Việt Nam. Khu vực này đang dần hình thành một trục động lực phát triển kinh tế – đô thị – công nghệ cao không chỉ cho miền Bắc mà cho cả nước. Điều này cho thấy khát vọng vươn lên tầm khu vực và quốc tế của Vùng Thủ đô là hoàn toàn có cơ sở. Khát vọng đó đòi hỏi tầm nhìn chiến lược, sự chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia, nhà khoa học.
Một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn hiện nay là sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh. Cả nước đang hướng tới tinh gọn từ 63 tỉnh, thành xuống còn 34, trong đó Hà Nội được giữ nguyên do tính chất đặc thù. Riêng tại Vùng Thủ đô, chủ trương này được xem là bước đi chiến lược nhằm mở rộng không gian phát triển, tạo hành lang và động lực tăng trưởng mới cho các địa phương. Đây không đơn thuần là cải cách hành chính, mà là cơ hội mang tầm nhìn trăm năm để tái cấu trúc không gian kinh tế – xã hội, giúp các tỉnh, thành trong vùng cất cánh mạnh mẽ hơn trong kỷ nguyên mới.
TS. Nguyễn Văn Khôi cho rằng, việc sáp nhập sẽ mang lại dư địa phát triển đô thị to lớn và tác động tích cực đến thị trường bất động sản. Quá trình sáp nhập tỉnh sẽ đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa và thị trường bất động sản Vùng Thủ đô được dự báo sẽ có sự chuyển mình mạnh mẽ. Thực tế cho thấy bất động sản sẽ là lĩnh vực hưởng lợi nhiều nhất khi không gian phát triển được mở rộng và nguồn lực được tập trung.

Minh chứng rõ nét là đợt mở rộng địa giới hành chính Hà Nội năm 2008. Nhờ sáp nhập Hà Tây và các vùng lân cận, Hà Nội có thêm quỹ đất lớn để phát triển hàng loạt khu đô thị mới. Kết quả, sau 17 năm, quy mô kinh tế Thủ đô đã tăng trưởng vượt bậc: Thu ngân sách Hà Nội năm 2024 đạt gần 512.000 tỷ đồng, gấp hơn 8 lần năm 2007; thu nhập bình quân đầu người đạt ~6.500 USD, gấp ~5 lần so với trước sáp nhập. Rõ ràng, nếu không mở rộng, Hà Nội khó có dư địa để đạt những thành tựu ấn tượng như vậy về phát triển đô thị.
Việc sáp nhập các tỉnh vùng Thủ đô hiện nay cũng được kỳ vọng tạo nên những “siêu địa phương” mới, đủ nguồn lực và không gian để triển khai các dự án hạ tầng, khu đô thị quy mô lớn, tạo sức bật cho cả vùng trong dài hạn.
Bên cạnh lợi ích, quá trình sắp xếp lại địa giới đặt ra không ít thách thức. Việc tổ chức, vận hành chính quyền trên địa bàn mới đòi hỏi tầm nhìn quy hoạch đồng bộ, tránh chồng chéo. Do đó, Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp để sau sáp nhập, bộ máy hành chính hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn, đồng thời sẵn sàng kiểm soát hiện tượng sốt đất ảo có thể xảy ra theo tâm lý đón đầu quy hoạch. Việc “chặn sóng” đầu cơ bất động sản đã được tính đến nhằm đảm bảo thị trường phát triển ổn định, bền vững.
Để thị trường bất động sản Vùng Thủ đô phát triển ổn định, bền vững bên cạnh vai trò định hướng của Nhà nước cần sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư. TS. Nguyễn Văn Khôi kêu gọi các nhà đầu tư bất động sản hãy mạnh dạn nắm bắt những cơ hội mới đang mở ra tại các đô thị Vùng Thủ đô, đồng thời đầu tư một cách bài bản, dài hạn, chú trọng yếu tố phát triển bền vững và hài hòa lợi ích với cộng đồng. Bất động sản không chỉ là câu chuyện sinh lời, mà còn là trách nhiệm xây dựng những khu đô thị đáng sống, góp phần nâng cao chất lượng sống của người dân và diện mạo văn minh hiện đại của đất nước.
Về phía Hiệp hội Bất động sản Việt Nam luôn là cầu nối tin cậy giữa doanh nghiệp với Chính phủ và chính quyền địa phương, giữa nhà đầu tư với các nhà hoạch định chính sách. Hiệp hội sẽ tích cực kiến nghị, tham mưu để các cơ quan chức năng ban hành những chính sách thuận lợi hơn nữa cho sự phát triển của thị trường, đồng thời tăng cường hoạt động đào tạo, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm cho hội viên, hướng các doanh nghiệp đến mục tiêu phát triển minh bạch, chuyên nghiệp và bền vững.
Thanh Bình