Cơ chế quản lý đầu tư kinh doanh: Vẫn còn những tồn tại, bất cập

Mặc dù ghi nhận những chuyển động tích cực trong hoạt động soạn thảo chính sách, tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực, cơ chế quản lý đầu tư kinh doanh được cho vẫn còn những tồn tại, bất cập.

Năm 2024, có nhiều điểm sáng về chính sách mà cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao, như: Luật số 57/2024/QH15 sửa đổi Luật Đầu tư, đã bổ sung thủ tục đầu tư đặc biệt đối với một số lĩnh vực ưu tiên, trọng tâm; Nghị quyết số 171/2024/QH15 về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, cho phép thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về quyền sử dụng đất…

Cơ chế quản lý đầu tư kinh doanh: Vẫn còn những tồn tại, bất cập

Một số quy định tại Luật Công chứng 2024 được cho chưa tạo thuận lợi cho lĩnh vực công chứng – Ảnh minh họa: ITN

Nhìn nhận về các nội dung này, Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2024 nêu rõ, trong xu hướng cải cách thể chế đang được thúc đẩy mạnh mẽ như hiện nay, doanh nghiệp ghi nhận những chuyển động tích cực trong hoạt động soạn thảo chính sách. Tuy nhiên, bên cạnh những chính sách có tính đột phá, thể hiện tư duy tích cực, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, năm 2024 vẫn có một số chính sách đưa đến những băn khoăn.
Có thể kể đến quy định tại Luật Công chứng 2024, trong đó, để thành lập văn phòng công chứng Luật này quy định phải thực hiện theo hai bước: 1 – đề nghị cấp phép thành lập văn phòng công chứng; 2 – đăng ký hoạt động sau khi có quyết định thành lập.
Theo Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh, cả hai hoạt động này đều thực hiện tại Sở Tư pháp. Thiết kế thủ tục theo hai bước lần lượt như này là không cần thiết và khiến cho thủ tục gia nhập thị trường trong lĩnh vực này dài, phức tạp.
Trên thực tế, có thể gộp chung hai thủ tục này làm một, cơ quan quản lý sẽ xem xét điều kiện thành lập trong một lần nộp hồ sơ và áp dụng cơ chế “hậu kiểm” để xác định trong quá trình hoạt động, văn phòng công chứng có đáp ứng các điều kiện hoạt động hay không.
Không chỉ có vậy, Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh cũng chỉ ra rằng, tư duy “tiền kiểm” vẫn còn nặng nề trong các chính sách quản lý.
Cụ thể, trong quá trình hoạt động, việc chuyển nhượng phần vốn góp, mua bán doanh nghiệp diễn ra thường xuyên. Theo quy định của pháp luật doanh nghiệp, việc chuyển nhượng phần vốn góp, mua bán doanh nghiệp được các bên tự thực hiện, không phải xin phép và chỉ phải thực hiện thủ tục với cơ quan quản lý Nhà nước khi đã hoàn tất.
Mặc dù tính chất hoạt động như doanh nghiệp, nhưng văn phòng công chứng khi hoạt động lại chịu khá nhiều ràng buộc khi thực hiện chuyển nhượng toàn bộ vốn góp của toàn bộ thành viên hợp danh của Văn phòng công chứng, mua bán doanh nghiệp tư nhân. Thực chất, đây là hoạt động mua bán doanh nghiệp.
Cơ chế quản lý đầu tư kinh doanh: Vẫn còn những tồn tại, bất cập

Cơ chế quản lý kinh doanh xăng dầu hiện cũng được cho đang để lại những tồn tại, bất cập – Ảnh minh họa: ITN

Theo quy định tại Luật Công chứng 2024, khi thực hiện hoạt động mua bán này, văn phòng công chứng phải xin phép sự chấp thuận của UBND cấp tỉnh.
Công chứng là hoạt động gắn với trách nhiệm cá nhân và hoạt động này ảnh hưởng đến tính an toàn, tin cậy của các giao dịch trên thị trường, vì vậy cơ chế quản lý chặt chẽ là phù hợp. Nhưng yêu cầu phải xin phép các hoạt động chuyển nhượng phần vốn góp, mua bán doanh nghiệp trên là quá mức cần thiết.
Bởi, Luật Công chứng đã có những quy định điều kiện của bên nhận chuyển nhượng, bên mua và trách nhiệm của công chứng viên về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của văn phòng công chứng phát sinh trong thời gian trước ngày chuyển giao văn phòng công chứng. Những quy định này đã đảm bảo kiểm soát những rủi ro của hoạt động chuyển giao, vì vậy yêu cầu phải cấp phép trước khi thực hiện các hoạt động này tạo thêm thủ tục và chi phí tuân thủ của văn phòng công chứng.
Ngoài những vấn đề đã nêu, Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh cũng chỉ ra sự ngập ngừng trong chuyển đổi quản lý theo cơ chế thị trường tại cơ chế chính sách quản lý đầu tư kinh doanh.
Dẫn lại các quy định về quản lý xăng dầu thời gian qua, Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh cũng chỉ ra rằng, mặc dù đã nhiều lần điều chỉnh và theo hướng sát hơn với thị trường, tuy nhiên, có thể nhận thấy, mỗi lần sửa đổi, chỉ tập trung sửa đổi theo một số yêu cầu trong một số bối cảnh đặc biệt (chẳng hạn, Nghị định số 08/2018/NĐ-CP sửa đổi trong bối cảnh thực hiện hoạt động rà soát cắt giảm các điều kiện kinh doanh nên các sửa đổi tập trung chủ yếu vào điều kiện kinh doanh; Nghị định số 80/2023/NĐ-CP sửa đổi trong bối cảnh năm 2023 nước ta có giai đoạn thị trường bị thiếu hụt nguồn cung xăng dầu nên các sửa đổi tập trung vào chu kỳ điều hành giá, cho phép doanh nghiệp bán lẻ lấy hàng từ nhiều nguồn; quy định về trách nhiệm đảm bảo nguồn cung của thương nhân đầu mối …).
Trên thực tế, các quy định về quản lý xăng dầu trong pháp luật hiện hành đã phát sinh bất cập và chưa phù hợp với yêu cầu phát triển trong bối cảnh hiện nay, do đó cần thiết phải xem xét và sửa đổi một cách toàn diện Nghị định số 83/2014/NĐ-CP.
Năm 2024, Bộ Công Thương đã chủ trì soạn thảo Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 83/2014/NĐ-CP. Dự thảo này đã có hướng tiếp cận mới hơn, quản lý xăng dầu theo hướng gần hơn với thị trường, có sự điều tiếp hợp lý của Nhà nước. Tuy vậy, doanh nghiệp vẫn cảm nhận thấy sự dè dặt trong việc thay đổi cơ chế quản lý trước đây.
“Yếu tố kiểm soát quá mức của Nhà nước đối với loại hàng hóa này vẫn còn khá rõ. Dự thảo hạn chế quyền của các thương nhân phân phối mua bán xăng dầu với nhau. Cơ quan soạn thảo có thể có nhiều lý do để hạn chế việc này (lo ngại về việc mua bán xăng dầu qua nhiều tầng nấc trung gian, khiến giá xăng dầu lên cao hoặc lo ngại về số liệu thống kê không chính xác).
Tuy nhiên, Nhà nước có thể kiểm soát được số liệu xăng dầu lưu thông trên thị trường thông qua hóa đơn bán hàng, yêu cầu kết nối dữ liệu của thương nhân đầu mối… còn các tầng nấc trung gian khiến cho giá xăng dầu lên cao là lý do chưa thuyết phục và đi ngược lại quy luật của thị trường. Các bên trên thị trường bán buôn xăng dầu có xu hướng ưu tiên mua của những thương nhân có giá thấp hơn.
Việc mua bán xăng dầu của các thương nhân phân phối là thể hiện quyền tự do kinh doanh, là nhu cầu cạnh tranh trên thị trường được ghi nhận tại pháp luật doanh nghiệp, pháp luật cạnh tranh, quy định hạn chế này có thể là không thích hợp với quan điểm cơ chế quản lý xăng dầu cần tiến gần hơn với thị trường…”, Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh nhìn nhận.
                                                                                                                   Gia Nguyễn

Bài Viết Liên Quan

Để lại một bình luận

Back to top button