Cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ: Cân nhắc phương án trích lập dự phòng
Tại văn bản được cho là dự thảo lần 2 của NHNN quy định về việc các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, nội dung về trích lập dự phòng đã có sự đổi khác so với văn bản trước đó.
Cụ thể, theo văn bản này, tại Chương II- Điều 6 về trích lập dự phòng nêu 2 phương án.
Phương án 1: Tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài xác định và thực hiện trích lập dự phòng đối với toàn bộ dư nợ của khách hàng theo kết quả phân loại nợ theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Phương án 2: 1. TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xác định số tiền phải trích lập dự phòng đối với toàn bộ dư nợ của khách hàng theo kết quả phân loại nợ theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
2. TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thực hiện trích lập dự phòng như sau:
a) Đến thời điểm 31/12/2023: Tối thiểu 50% số tiền dự phòng phải trích lập quy định tại khoản 1 Điều này.
b) Đến thời điểm 31/12/2024: Đủ 100% số tiền dự phòng phải trích lập quy định tại khoản 1 Điều này.
Như vậy, so với quy định cùng Chương II – Điều 6 về trích lập dự phòng trong bản được cho là dự thảo lần 1 của cơ quan quản lý, quy định về trích lập dự phòng của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã có “độ mở”, và “dễ thở” hơn.
Tại bản dự thảo lần thứ nhất quy định, các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ đối với toàn bộ dư nợ của khách hàng theo kết quả phân loại nợ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về phân loại nợ trong hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài như đối với trường hợp không áp dụng quy định giữ nguyên nhóm nợ quy định tại Điều 5 của Thông tư.
Ông Huỳnh Hoàng Phương – Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn Đầu tư FIDT – đánh giá, có thể nói văn bản dự thảo lần 2 này tích cực hơn nhiều so với dự thảo trước vì:
Thứ nhất, đưa ra Phương án 2 về trích lập dự phòng rủi ro theo tiến độ, giúp giảm áp lực trích lập cho nhóm ngân hàng và giúp các ngân hàng sẽ chủ động hơn trong việc cơ cấu cho doanh nghiệp.
Thứ hai, các điều kiện ngân hàng phải cân nhắc khi cơ cấu nợ cũng rõ ràng hơn và bỏ việc phải xác định các yếu tố chủ quan phía khách hàng sẽ giúp các ngân hàng triển khai “mạnh dạn” hơn và nhanh hơn khi chính sách bỏ các điều kiện khó xác định.
Một chuyên gia cũng cho rằng khi các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được chủ động và giãn thời gian về mức trích lập dự phòng theo 2 giai đoạn, khả năng để các ngân hàng có thể rộng đường hỗ trợ doanh nghiệp, khách hàng trong cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ sẽ hiệu quả hơn. Bản thân các ngân hàng sẽ bớt áp lực khi không phải trích lập ngay và đầy đủ theo như quy định trước.
Vị chuyên gia chia sẻ tuy nhiên, đây mới là văn bản “version 2”, hy vọng sẽ còn có những chỉnh sửa sau khi cân nhắc thực tế hệ thống và tiếp thu các ý kiến thị trường để có những chính sách “mềm hóa” hơn nữa, tạo thuận lợi cho hỗ trợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ – điều rất cần cho doanh nghiệp hiện nay.
Bên cạnh đó, ông cũng cho rằng việc giãn áp lực trích lập dự phòng cho các ngân hàng cũng được xem là điều kiện tiền đề, điều kiện cần đầu tiên cho các kiến nghị như cho phép các NHTM được mua lại trái phiếu doanh nghiệp.
Trước đó, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) vào ngày 17/4 đã ban hành văn bản có nội dung đề cập đến việc NHNN đã hoàn thành dự thảo quy định về việc các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh” để triển khai thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/03/2023 của Chính phủ và đang được các tổ chức tín dụng và tất cả các khách hàng của các tổ chức tín dụng bao gồm cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, người mua nhà mong ngóng, chờ đợi.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nhấn mạnh, do yêu cầu cấp bách phải khẩn trương tháo gỡ các khó khăn của nền kinh tế, trong đó có thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nên Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ cho phép xây dựng và ban hành (Dự thảo) “Thông tư Quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh” theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Bên cạnh đó, Hiệp hội đề nghị NHNN khẩn trương xem xét xây dựng hoàn thiện và ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2021/TT-NHNN ngày 10/11/2021 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam “quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp”.
“Hiệp hội nhận thấy, nếu có cơ chế, chính sách này thì sẽ tác động tích cực ngay lập tức và cùng với cơ chế, chính sách của Nghị định 08/2023/NĐ-CP sẽ tháo gỡ được khó khăn cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu sắp đến hạn và các “trái chủ” và hỗ trợ thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững”, ông Châu cho biết.
Đề nghị này theo các chuyên gia, cũng sẽ phải xem xét kỹ và có thể dẫn đến tranh luận nhiều chiều.