CIEM đề xuất chưa áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường

Ngày 17/10, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo nghiên cứu “Đánh giá tác động kinh tế của dự thảo thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với nước giải khát (NGK) có đường”.

Bộ Tài chính đang chủ trì xây dựng dự thảo Luật Thuế TTĐB sửa đổi với việc điều chỉnh một số nội dung quan trọng. Dự thảo Luật Thuế TTĐB sửa đổi có quy định “Bổ sung nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB” và áp dụng mức thuế suất là 10% do đây là mặt hàng mới. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo chưa đánh giá toàn diện các tác động của việc áp dụng các quy định này. Có ý kiến chuyên gia và một số phân tích khoa học cho thấy việc áp thuế TTĐB như tại Dự thảo chưa đảm bảo hiệu quả về điều tiết hành vi tiêu dùng; đồng thời chưa đảm bảo nguyên tắc công bằng của chính sách thuế. Mặt khác, cơ quan soạn thảo cũng chưa có luận giải về cơ sở của việc đề xuất áp dụng thuế suất thuế TTĐB 10% đối với NGK có đường.

CIEM đề xuất chưa áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường
Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức hội thảo công bố Báo cáo nghiên cứu “Đánh giá tác động kinh tế của dự thảo thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với nước giải khát (NGK) có đường”

Trong bối cảnh đó, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thực hiện nghiên cứu đánh giá tác động kinh tế của dự thảo thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường, từ đó cung cấp thêm các thông tin về những tác động đa chiều và toàn diện hơn của đề xuất nói trên và đề xuất, kiến nghị.

Báo cáo của CIEM nhận diện các tác động kinh tế dựa trên cấu trúc nền kinh tế Việt Nam thông qua bảng IO cập nhật năm 2022 và các dữ liệu chính thống liên quan sẵn có. Kết quả tính toán cho thấy khi áp thuế TTĐB 10% đối với NGK có đường thì các tác động cụ thể tới ngành NGK như sau: (i) Quy mô sản xuất của các doanh nghiệp nước giải khát bị co hẹp sau khi tăng thuế; (ii) Giá trị tăng thêm (VA) và giá trị sản xuất (GO) của nhóm ngành NGK đều giảm. Trong đó, giá trị tăng thêm giảm 0,772%, tương đương giảm 5.650 tỷ đồng.

Đồng thời, việc áp thuế TTĐB này không chỉ tác động tới ngành NGK mà còn tác động tới 24 ngành khác trong quan hệ liên ngành. Hệ quả tác động tới toàn nền kinh tế như sau:

  • Tổng giá trị tăng thêm của nền kinh tế giảm 0,601%; tương đương 55.077 tỷ đồng. Điều này kéo theo sự sụt giảm về GDP ở mức 0,448%, tương đương giảm 42.570 tỷ đồng;
  • Khấu hao tài sản cố định giảm ở mức -0,654% (tương đương giảm 7.767 tỷ đồng); lợi nhuận giảm với mức -0,561% (tương đương giảm 8.773 tỷ đồng). Vì thế, nguồn thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp (thuế trực thu) sụt giảm 2.152 tỷ đồng;
  • Kết quả tính toán tác động tới thu nhập của người lao động trong toàn nền kinh tế giảm 0,6%, tương đương giảm 34.534 tỷ đồng.

Ngoài ra, với phương án áp thuế này, tuy năm đầu tiên áp thuế (năm 2026), ước tính nguồn thu từ thuế gián thu tăng 0,853%, nhưng đến chu kỳ tiếp theo (chu kỳ sau 1 năm), nguồn thu từ thuế gián thu bắt đầu suy giảm với mức -0,495%/năm, tương ứng giảm khoảng 4.978 tỷ đồng/năm. Và các chu kỳ sau, nguồn thu ngân sách tiếp tục giảm.

Vì vậy, CIEM cho rằng,việc áp thuế TTĐB 10% đối với NGK có đường sẽ dẫn tới tác động tiêu cực cho nền kinh tế và đề xuất chưa áp dụng thuế TTĐB đối với NGK có đường.

CIEM đề xuất chưa áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường
Bà Trần Thị Nhị Hà – Phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chia sẻ tại hội thảo

Chia sẻ tại hội thảo, Bà Trần Thị Nhị Hà – Phó trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, hiện vẫn có nhiều ý kiến trái chiều cũng như đồng thuận về việc áp thuế TTĐB đối với NGK có đường. Bà Trần Thị Nhị Hà cho rằng, việc áp thuế TTĐB đối với NGK có đường cần phù hợp với điều kiện kinh tế; đây là cơ sở thực tiễn rất quan trọng đối với việc phát triển kinh tế xã hội. “Làm thế nào để có thể làm rõ có đánh thuế hay không? Nếu áp thuế TTĐB thì là 10%. Tuy nhiên, cả hội trường hôm nay thiên về là không áp thuế” – Bà Trần Thị Nhị Hà phân vân.

Chia sẻ quan điểm của mình, bà Trần Thị Nhị Hà cho rằng, việc áp thuế TTĐB đối với NGK có đường cần hướng tới điều tiết hành vi của người tiêu dùng. Điều này quan trọng hơn là tăng thu ngân sách. “Có nhiều cách để điều tiết hành vi tiêu dùng. Cần phải đánh giá chúng ta đã dùng những cách gì, hiệu quả ra sao? Chúng ta cần phải có các bằng chứng khoa học hơn nữa. Tại sao lại chỉ áp thuế NGK có đường. Nếu thực tiễn có vấn đề thì cơ quan quản lý sẽ phải tìm biện pháp” – bà Trần Thị Nhị Hà nhấn mạnh.

CIEM đề xuất chưa áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường
PGS.TS. Nguyễn Văn Việt – Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam phát biểu

Đại diện Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Văn Việt cho rằng lượng NGK/đầu người của Việt Nam chỉ khoảng 55 lít, chỉ bằng 1/3 so với Nhật Bản và lượng NGK có đường chỉ chiếm 30-35% trong NGK. PGS.TS. Nguyễn Văn Việt cũng cho rằng, trẻ em có xu thế béo phì thường là do lười vận động, ham chơi game; nếu thống kê lượng người béo phì thì Việt Nam vẫn đứng gàn cuối.

“Chúng tôi đóng thuế cho ngân sách nhà nước nên rất tự hào cho ngành. Nếu cần áp/tăng thuế TTĐB, chúng tôi không phản đối. Tuy nhiên cần dựa vào báo cáo thực tiễn, cần sự đánh giá kỹ lưỡng hơn của các nhà khoa học. Để khi chúng ta đưa ra luật, luật phải đi vào cuộc sống, hài hòa, để doanh nghiệp phát triển” – PGS.TS Nguyễn Văn Việt kiến nghị.

PV

 

 

 

Bài Viết Liên Quan

Để lại một bình luận

Back to top button