Chuyên gia hiến kế tái cấu trúc thị trường tài chính
Theo ông Phạm Xuân Hoè, để sớm kích hoạt lại thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cần một cuộc cải cách mạnh mẽ, tái cấu trúc thực sự với cả thị trường tiền tệ và thị trường chứng khoán.
Lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành mới trong quý 3/2022 (67,3 nghìn tỷ đồng) và quý 4/2022 (2,3 nghìn tỷ đồng) đã là tín hiệu rõ ràng để dự báo sự suy giảm về quy mô của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong năm 2023-2024, khi lượng phát hành mới sẽ thấp hơn giá trị trái phiếu đáo hạn.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Phạm Xuân Hoè, Nguyên Phó viện trưởng viện Chiến lược (NHNN) nhìn nhận, thị trường TPDN hiện nay chỉ có hai cơ hội để phát hành đó là:
Thứ nhất, hệ thống các ngân hàng thương mại vốn sẵn có lòng tin với thị trường và khả năng thanh khoản, chi trả tốt hơn, đồng thời cũng phục vụ cho nhu cầu tăng vốn cấp hai của các ngân hàng.
Thứ hai, là những doanh nghiệp lớn có uy tín, hoạt động hiệu quả nhưng phải có bảo lãnh thanh toán của ngân hàng.
Còn lại với cơ chế như hiện nay, sự “nhùng nhằng” của Nghị định 153/NĐ-CP/2020 và Nghị định 65/NĐ-CP/2022 về phát hành TPDN riêng lẻ, cũng như việc xử lý hậu quả của TPDN vừa qua chưa rõ ràng để bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư, thì niềm tin vào thị trường chưa thể khôi phục, giúp các doanh nghiệp bình thường có thể phát hành trái phiếu.
Vị chuyên gia cũng chia sẻ thêm, vừa qua có ý kiến đề xuất cho phép các ngân hàng thương mại trong nước tham gia mua lại các TPDN sắp tới hạn và xử lý như một dạng tín dụng đặc biệt ngoài tín dụng thông thường. Tuy nhiên, chúng ta không thể dùng tín dụng ngân hàng để cứu TPDN.
Có hai lý do rất quan trọng đó là: Một, TPDN có rủi ro nhưng được phân tán hết ở các doanh nghiệp bình thường và nhà đầu tư đã hưởng lãi suất cao thì phải chấp nhận rủi ro mất vốn. Điều đáng buồn là có nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ, do không hiểu biết về thị trường đã bị dẫn dắt vào “bẫy” lãi suất cao.
Hai là, trong thời gian Covid-19 các doanh nghiệp bị đóng băng nên đã phát hành TPDN để đảo nợ ngân hàng, nhưng nếu quay trở lại ngân hàng thì rủi ro sẽ tập trung vào hệ thống tài chính là rất nguy hiểm.
“Hệ thống tài chính đã bị rủi ro cao hơn, thì nền kinh tế sẽ không thể tăng trưởng và điều này đã được chứng minh trong 10 năm vừa qua. Không thể cứ mãi xử lý nợ xấu theo kiểu cho nó một cơ chế chạy “lòng vòng” làm cho nguồn lực quốc gia bị bào mòn bằng lạm phát và thời gian. Như vậy, giải pháp này không đạt được mục đích cuối cùng nhằm giải quyết vấn đề căn bản nhất của thị trường trái phiếu là phát triển minh bạch và thực sự lành mạnh”, ông Hoè nhấn mạnh.
Để kích hoạt lại thị trường, ông Phạm Xuân Hoè cho rằng cần một cuộc cải cách mạnh mẽ, tái cấu trúc thực sự với cả hai thị trường gồm: thị trường tiền tệ là các ngân hàng yếu kém, không để tình trạng “đắp chiếu”; thị trường chứng khoán nói chung và TPDN nói riêng.
Trong đó, những ngân hàng nào yếu kém, nếu không bán được thì nên sát nhập vào các ngân hàng lớn hoặc cho phá sản, để người gửi tiền thấy rõ rằng những ngân hàng yếu kém, có rủi ro cao thì nên cân nhắc trong việc lựa chọn gửi tiền. Đây cũng là quy luật bình thường và không nên quá lo lắng về tâm lý hoảng loạn của thị trường.
Còn về cấu trúc lại thị trường chứng khoán, các công ty chứng khoán phải được rà soát, tái cấu trúc mạnh mẽ hơn nữa. Đặc biệt, việc quản lý thị trường chứng khoán thuộc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phải có tính độc lập cao hơn, quyết sách mạnh hơn và nên tách ra khỏi Bộ Tài chính.
Thêm một điểm nữa tôi muốn nhấn mạnh, giải pháp quan trọng nhất với thị trường vốn là tính minh bạch. Nhà đầu tư phải biết và phải giám sát được các hoạt động của doanh nghiệp thông qua công bố thông tin thường xuyên và chính xác. Câu hỏi đặt ra là ai sẽ kiểm soát các thông tin? Do đó, chúng ta cần phải chấn chỉnh lại các công ty kiểm toán của Việt Nam một cách nghiêm túc hơn”, ông Phạm Xuân Hoè nói.
Còn theo chuyên gia tài chính Nguyễn Lê Ngọc Hoàn, vấn đề của thị trường TPDN hiện nay hoàn toàn phụ thuộc vào các thông tin chính sách và điều kiện để doanh nghiệp bắt buộc minh bạch hóa thông tin, tài chính, cũng như trách nhiệm của nhóm phân phối với trái chủ.
Một khi hành lang pháp lý cho thị trường TPDN hoàn thiện và “chuẩn”, xóa sự “nhùng nhằng” như chuyên gia Phạm Xuân Hòe đề cập, thì cơ hội cho thị trường TPDN ổn định và phát triển trở lại sẽ rõ ràng hơn.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn