Chuyển đổi số ngành du lịch: Bàn đạp vượt qua đại dịch

Trong hành trình mới, chuyển đổi số đối với các doanh nghiệp du lịch là một trong những chủ đề “nóng” được các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, địa phương đặc biệt quan tâm…

Chuyển đổi số ngành du lịch: Bàn đạp vượt qua đại dịch
Chuyển đổi số giúp ngành dịch vụ du lịch giải quyết những điểm yếu cố hữu. Nguồn: TravelMaster

Sau hơn 2 năm “chung sống” với đại dịch, có thể thấy mỗi khi kiểm soát được dịch bệnh, nhu cầu đi du lịch của người dân lại tăng chóng mặt. Nhiều điểm đến còn đón khách đông hơn so với cùng thời điểm trước Covid-19.

Chuyển đổi số cần sự bền bỉ và chọn lọc

Tuy nhiên, ông Nguyễn Quyết Tâm – nhà sáng lập Travel Master phân tích, qua các đợt dịch, không ít công ty lữ hành luôn rơi vào thế bị động. Cứ khi nào dịch lắng xuống là lao vào bán tour, bung hết sức ra để gom khách nhưng lại không tích lũy được tệp dữ liệu khách hàng; rồi đến khi dịch bệnh bùng phát thì không biết làm gì tiếp theo.

Chia sẻ về vấn đề này, bà Trần Nguyện, Trưởng Ban Kinh doanh, Tập đoàn Mặt trời (Sun Group), cho biết đầu tư chuyển đổi số trong ngành du lịch cần sự bền bỉ và chọn lọc.

Với Sun Group, chúng tôi thực hiện 2 việc. Một là, thực hiện trong nội bộ với ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý hệ thống số liệu và quản trị kinh doanh. Hai là, nâng cao trải nghiệm của khách hàng. Covid-19 là cái cớ để quá trình chuyển đổi số phải diễn ra nhanh hơn. Thói quen du khách thay vì đặt dịch vụ qua các kênh truyền thống, họ đã chuyển qua đặt trực tuyến. Chúng tôi áp dụng chuyển đổi số, chúng tôi triển khai hành trình một chạm, chạm thông minh…”, đại diện Sun Group chia sẻ.

Việc ứng dụng công nghệ giúp khách hàng của Sun Group giờ đây không cần tiếp xúc và chờ đợi nhiều, chỉ cần sử dụng các ứng dụng, hệ thống tự động…

Tuy nhiên, với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc bắt kịp với xu hướng chuyển đổi số không phải điều dễ dàng do nguồn lực còn hạn chế.

Bàn đạp để bứt tốc

Nhấn mạnh chuyển đổi số là sân chơi của những doanh nghiệp có tài chính và “dám nghĩ dám làm”, ông Phùng Xuân Khánh, Giám đốc Công ty TienPhong Travel, cho biết hiện tại đa số doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn gặp khó khăn trong việc chuyển đổi số với 80% vẫn sử dụng các phần mềm thông minh đơn giản để tiếp cận và quản lý khách hàng.

Chuyển đổi số để chúng ta phát triển một cách bài bản, đòi hỏi phải có nguồn nhân lực trước, phải có người làm, phải có người hiểu về kỹ thuật, công nghệ thông tin về mã nguồn mở. Rồi đến nguồn tài chính để đầu tư dài hạn”, ông Khánh phân tích.

Thực tế hiện nay cho thấy, doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt doanh nghiệp lữ hành Việt Nam, hiện đang đi dần trên con đường chuyển đổi số.

TienPhong Travel cũng vậy, năng lực tới đâu thì mình làm tới đấy. Đầu tiên, dùng phần mềm thông minh trước, như vậy vẫn tiếp cận được khách hàng, vẫn phục vụ khách hàng và quản lý được dữ liệu khách hàng. Tiếp theo là xây dựng nền tảng để cạnh tranh với nước ngoài. Đây là bài toán dài hơn”, ông Khánh nói.

Tuy nhiên, ông cho rằng các doanh nghiệp cần đặt câu hỏi rõ ràng rằng “mục đích của chuyển đổi số là gì, cho ai và mình có phù hợp với việc chuyển đổi số đó hay không?” bởi hiện tại nhiều doanh nghiệp vẫn còn “lơ mơ” về chuyển đổi số.

Chuyển đổi số ngành du lịch: Bàn đạp vượt qua đại dịch
Du lịch Việt Nam đang có nhiều “trợ lực” về chính sách để phục hồi sau đại dịch.

Phân tích về hiệu quả của chuyển đổi số, ông Nguyễn Quyết Tâm cho rằng lợi ích quan trọng nhất của công ty lữ hành hoặc điểm đến là sự tương tác hai chiều và liên tục với khách hàng. Điều này không chỉ giúp đơn vị hiểu thị trường mà còn tiếp nhận phản hồi để thay đổi chính mình theo hướng tích cực và ngày càng hoàn thiện hơn.

Dù dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và lượng khách chưa thể tăng lại ngay, tuy nhiên việc duy trì hiện diện thương hiệu, chăm sóc khách hàng chính là những “bước chạy đà” quan trọng để các doanh nghiệp và điểm đến phục hồi nhanh hơn trong tương lai.

Trong bối cảnh Du lịch Việt Nam đang có nhiều “trợ lực” về chính sách miễn visa thị thực, chính sách “thông thoáng” về yêu cầu nhập cảnh, doanh nghiệp du lịch cần có cái nhìn đúng đắn và chiến lược trong hành trình chuyển đổi số để phục hồi và phát triển bền vững.

Nguồn: diendandoanhnghiep.vn

Bài Viết Liên Quan

Back to top button