Chuyển đổi số để không bị bỏ lại phía sau

(DIENDANDOANHNGHIEP.VN) – Chuyển đổi số (CĐS) đang được đánh giá là giải pháp hữu hiệu giúp doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, vượt qua khủng hoảng của đại dịch COVID-19.

Đây được coi là một trong những giải pháp cấp thiết để các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp SME.

Chuyển đổi số để không bị bỏ lại phía sau
“Ngày không tiền mặt” – một sáng kiến của NHNN Việt Nam, NAPAS và Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam đã tác động hiệu quả đến xu hướng kinh doanh không tiếp xúc.

Tăng tốc chuyển đổi số

Đại dịch COVID-19 đang thay đổi tất cả từ cách làm việc, sinh hoạt, mua sắm. Ông Nguyễn Văn Khoa – Tổng giám đốc FPT cho biết, doanh nghiệp đã dần thích nghi với nền kinh tế không tiếp xúc và để đảm bảo kinh doanh liên tục, doanh nghiệp cần vận dụng “ba cần” và “ba không”. Trong đó, “ba cần” là cần đảm bảo dòng tiền, cần ứng dụng công nghệ để triển khai cách làm mới và cần chủ động, linh hoạt, sáng tạo tìm cơ trong nguy. Đồng thời để thay đổi sâu từ bên trong, doanh nghiệp cần ưu tiên đồng bộ giải pháp đảm bảo “ba không”: không bị động, không gián đoạn và không chạm.

Để tiến tới nền kinh tế không tiếp xúc và đối phó với dịch bệnh COVID-19, các doanh nghiệp và cơ quan Chính phủ Việt Nam đã khởi xướng nhiều hoạt động trong năm nay nhằm giảm các điểm tiếp xúc nhiều cho nền kinh tế. Đơn cử như “Ngày không tiền mặt” – một sáng kiến của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Công ty CP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) và Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam diễn ra vào tháng 6 vừa qua đã tác động mạnh và hiệu quả đến xu hướng kinh doanh không tiếp xúc.

Xét riêng trong lĩnh vực tài chính, các chuyên gia kinh tế đánh giá, việc ứng dụng các quản lý tài chính trên nền tảng số sẽ giúp doanh nghiệp SME tối ưu hóa chi phí quản lý, gia tăng lợi thế kinh doanh trong mùa dịch. Nhìn nhận dưới góc độ tích cực, các chuyên gia cho rằng dịch COVID-19 có thể là cơ hội tốt thúc đẩy quá trình số hóa mạnh mẽ khi các doanh nghiệp chuyển đổi mô hình làm việc từ “offline”(trực tiếp) sang “online” (trực tuyến) cũng như nâng cấp nền tảng công nghệ, cơ sở hạ tầng.

Vai trò người đứng đầu

Đứng trước “cuộc chạy đua” mang tính sinh tử, thích nghi, thay đổi để tồn tại và phát triển đã đòi hỏi các doanh nghiệp SME nhanh chóng chuyển đổi số. Để thay đổi phương thức quản trị, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vai trò quan trọng nhất vẫn phụ thuộc vào người đứng đầu.

Ông Lê Anh Vũ – Giám đốc khối Điện toán đám mây CMC Telecom từng chia sẻ: “Sự thay đổi về hình thức làm việc và hành vi mua sắm của người tiêu dùng do ảnh hưởng của COVID-19 khiến các doanh nghiệp phải có cái nhìn khác trong việc chuyển đổi số, cụ thể là chuyển đổi hệ thống công nghệ lên cloud nhanh hơn. Đây chính là thời điểm cơ hội để doanh nghiệp mạnh dạn thử nghiệm, cho phép mình tiến hành chuyển đổi số nếu không muốn bị bỏ lại phía sau. Về việc này, người chủ doanh nghiệp có vai trò then chốt nhất.”

Các công ty công nghệ thông tin đã nhanh chóng “trình làng” những sản phẩm giúp doanh nghiệp triển khai chuyển đổi số như giải pháp chuyển đối số toàn diện như Tập đoàn FPT với FPT Spro, FPT.eContract… Tổng Công ty Công nghệ và Giải pháp CMC (CMC TS) cũng đưa ra hàng loạt các giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp.

Ông Đinh Văn Thành, Tổng Giám đốc Tập đoàn POLYCO chia sẻ: “Với vai trò là lãnh đạo của POLYCO, tôi ưu tiên và quyết tâm thực hiện chiến lược chuyển đổi số. Trong thời gian COVID-19, chúng tôi quyết tâm thay đổi tổng thể từ trên xuống dưới nhằm cải tiến, hoàn thiện và chuyên nghiệp hóa quy trình cũng như hoạt động quản lý Tập đoàn”. Những công ty có thể nhanh chóng ứng dụng các phương thức làm việc trên nền tảng số hoặc chuyển đổi chuỗi cung ứng sẽ có khả năng chống chịu tốt hơn trước những cú sốc từ bên ngoài.

Bài Viết Liên Quan

Back to top button