Chuyển dịch kinh tế “nâu” sang “xanh”: Cần định chế tài chính chuyên biệt

Theo các chuyên gia, Việt Nam cần xây dựng mô hình định chế tài chính chuyên biệt để tiếp nhận dòng vốn xanh, làm trợ lực cho kinh tế chuyển dịch từ “nâu” sang “xanh”.

Chuyển dịch kinh tế

Vốn nước ngoài vào Việt Nam có sự chuyển dịch dần các dự án, lĩnh vực từ “nâu” sang “xanh”. Ảnh minh họa: Internet

Theo DARA International, biến đổi khí hậu (BĐKH) có thể làm Việt Nam thiệt hại khoảng 15 tỷ USD mỗi năm, tương đương khoảng 5% GDP. Nếu Việt Nam không có giải pháp ứng phó kịp thời, thiệt hại do BĐKH ước tính có thể lên đến 11% GDP vào năm 2030.

Có thể thấy là BĐKH đang tác động rất lớn đến phát triển kinh tế và đời sống của người dân.

Trao đổi tại hội thảo có chủ đề ““Tài chính trong xu hướng chuyển dịch của dòng vốn hướng đến kinh tế bền vững” cho CHOICE tổ chức mới đây tại TP HCM, PGS. TS Vũ Sỹ Cường – Phó Trưởng Bộ môn Phân tích chính sách tài chính học viện Tài chính – nhận định: “Các hậu quả của BĐKH như hiện tượng thời tiết cực đoan, bão lũ, hạn hán, xâm nhập mặn, dịch bệnh, cộng với các thay đổi về chính sách, công nghệ, chuẩn mực xã hội trong bối cảnh Việt Nam và thế giới có nhiều cam kết mạnh mẽ tiến tới net Zero, sẽ tác động mạnh mẽ về cả đầu vào (cơ sở hạ tầng kinh doanh, yếu tố sản xuất, nguyên liệu đầu vào) và đầu ra (sản phẩm lỗi mốt, không đáp ứng tiêu chuẩn mới) của nhiều ngành nghề, gây nguy cơ mắc kẹt tài sản, thiệt hại kinh tế cho các ngành như năng lượng, nông nghiệp, giao thông, thuỷ lợi, du lịch, và tài chính, ngân hàng”.

Theo ông Vũ Sỹ Cường, nhu cầu vốn cho đầu tư tăng trưởng xanh ở Việt Nam rất lớn. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới ước tính giá trị hiện tại của nhu cầu đầu tư thêm vào các giải pháp thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu từ nay đến năm 2040 ở Việt Nam lên đến khoảng 6,8% GDP mỗi năm, tương đương khoảng 368 tỷ USD. Cơ hội cho vay ở các ngân hàng, định chế tài chính theo đó là rất lớn.

Hiện có xu thế dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam có sự chuyển dịch dần từ các dự án, lĩnh vực “nâu” sang “xanh”. Trong số đó ngành năng lượng cần 15-16 tỷ USD mỗi năm để chuyển đổi xanh.

Thực tế nhiều năm qua, các chuyên gia cũng liên tục kiến nghị Việt  Nam cần bổ sung, hoàn thiện khung khổ pháp lý, cơ chế quản lý với thị trường tài chính nói chung và trái phiếu xanh. Cùng với đó, phát triển cơ sở hạ tầng và định chế trung gian cho thị trường.

Tuy nhiên, ông Vũ Sỹ Cường cho biết, việc tiếp cận dòng vốn này còn nhiều khó khăn do Việt Nam chưa có khung pháp lý riêng cho trái phiếu xanh cũng như chưa ban hành chính thức danh mục phân loại xanh, dẫn đến các ngân hàng rất khó triển khai tài trợ thương mại cho các dự án xanh.

Vị PGS, TS đưa ra một số khuyến nghị, bao gồm: “Phát triển thị trường carbon tự nguyện, định giá ngoại tác với môi trường để cân bằng lại các ưu đãi, hỗ trợ đầu tư các-bon thấp và xem xét hỗ trợ qua các dự án PPP, hỗ trợ kinh phí cho việc hạn chế sử dụng hoặc ngừng sử dụng tài sản mắc kẹt, hỗ trợ phát triển và đa dạng hóa nền kinh tế để hạn chế rủi ro tài sản mắc kẹt”.

Trong bối cảnh này, việc định hướng kinh tế theo hướng phát triển bền vững là một giải pháp cần thiết nhằm giảm thiểu sự ảnh hưởng của các hoạt động kinh tế đến biến đổi khí hậu và ngược lại. Các chuyên gia cho rằng những năm gần đây, càng nhiều tổ chức tài chính công bố những cam kết về môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và Phát triển bền vững. Tại khu vực ASEAN, các cơ quan chính phủ hay các tổ chức tài chính đã bắt đầu phát triển hoặc đưa hệ thống phân loại như một phần của các chính sách tài chính bền vững của mình để đảm bảo các khoản đầu tư tài chính đạt được những cam kết về chống BĐKH.

Chuyển dịch kinh tế

Năng lượng đang cần nguồn vốn lớn để chuyển đổi sang xanh. Ảnh: Quốc Tuấn

Nghiên cứu cùng cộng sự, Ths. Phạm Xuân Hòe – Nguyên viện trưởng Viện chiến lược Ngân hàng, chuyên gia tư vấn cho sáng kiến Tài chính công bằng Việt Nam (FFV) – nhận định, khi ngày càng có nhiều các cam kết, định nghĩa về “bền vững”, thì Việt Nam cũng đã, đang xây dựng hệ thống phân loại tài chính bền vững của riêng mình với dự thảo Danh mục phân loại xanh nhằm đóng góp cho những lợi ích bảo vệ môi trường.

“Tại Việt Nam, việc thể chế hóa bằng các quy định của pháp luật bước đầu về tín dụng xanh, trái phiếu xanh cũng như cơ chế khuyến khích phát triển các hoạt động kinh tế xanh, dự án xanh đã được đưa vào một số điều khoản của Luật Bảo vệ môi trường 2020 và nghị định số 08/2002/NĐ-CP quy định chi tiết môt số điều của Luật. Hiện, Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan đầu mối thực hiện nhiệm vụ về xây dựng Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành tiêu chí môi trường và việc xác nhận đối với dự án được cấp tín dụng xanh, phát hành trái phiếu xanh (sau đây gọi là danh mục phân loại xanh) trước ngày 31 tháng 12 năm 2022. Bên cạnh đó, theo Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao nhiệm vụ xây dựng hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí phân loại xanh quốc gia”, ông Hòe nêu.

Theo đó, vị chuyên gia giới thiệu về hệ thống phân loại tài chính nói chung và hệ thống phân loại tài chính bền vững của ASEAN cũng như tổng hợp một số cập nhật quá trình phát triển hệ thống phân loại tại Việt Nam, sự cần thiết phải “chuẩn hóa” hệ thống phân loại tài chính xanh của Việt Nam.

Đáng chú ý, chuyên gia Phạm Xuân Hòe cho rằng, Việt Nam cần thành lập một ngân hàng hoặc quỹ chuyên biệt tiếp nhận dòng vốn quốc tế. Bởi theo ông, thị trường tài trợ vốn xanh của Việt Nam được dự báo sẽ sôi động hơn nữa trong thời gian tới khi Việt Nam cùng các nước thuộc nhóm G7 và các đối tác quốc tế khác thông qua tuyên bố chính trị thiết lập Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) vào tháng 12/2022. Và dòng vốn này sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới đây bao gồm các giải ngân như cam kết và các hợp tác mới trong xu thế vốn đầu tư xanh hóa nói chung.

“Về lâu dài, hệ thống phân loại tài chính của Việt Nam sẽ cần tiệm cận đến các chuẩn mực khu vực và quốc tế, cân nhắc đến lộ trình thời gian chuyển đổi xanh, giảm phát thải CO2, để thu hút được dòng vốn quốc tế. Ngoài ra, hệ thống này cũng cần đảm bảo tính nhất quán, đồng bộ với các chính sách khác như thuế, phí, đấu thầu chi tiêu công xanh, thị trường carbon, v.v giúp ngân hàng và các doanh nghiệp yên tâm trong quá trình đầu tư xanh mang lại hiệu quả”, ông khuyến nghị.

Thực tế ghi nhận hiện Việt Nam chưa có định chế tài chính trung gian, chuyên biệt về vốn xanh. Một số ngân hàng thương mại trong thời gian qua, đã tích cực xanh hóa tín dụng, tiếp nhận vốn xanh thông qua hợp tác, tiếp nhận vốn xanh tài trợ của các định chế, bước đầu “mớm mồi” nguồn vốn tài chính khí hậu đổ vào Việt Nam và phân bổ đến các lĩnh vực.

Nguồn: diendandoanhnghiep.vn

Bài Viết Liên Quan

Back to top button