Chứng khoán toàn cầu chao đảo trước nhiều thông tin bất lợi
Trong khi chứng khoán Mỹ bị bán tháo vì Fitch Ratings hạ xếp hạng tín nhiệm của nước này, thì chứng khoán Trung Quốc cũng bị hạ xếp hạng và thị trường châu Á nói chung rơi vào đà giảm.
Chứng khoán Trung Quốc bị đánh giá thấp
Theo SCMP, ngân hàng đầu tư Morgan Stanley đã hạ xếp hạng đối với chứng khoán Trung Quốc và khuyến nghị các nhà đầu tư rút chốt lời sớm, vì hỗ trợ chính sách có thể không đạt được kỳ vọng.
Các nhà phân tích Laura Wang và Fran Chen của Morgan Stanley đã viết trong một báo cáo ngày 2/8 rằng, việc hạ xếp hạng được đưa ra sau khi chỉ số MSCI tăng 8,6% trong 8 tháng qua tính đến ngày 1/8 theo giá trị đồng đô la Mỹ, gần như khớp với mức tăng 9,6% trong Chỉ số các thị trường mới nổi của MSCI trong cùng khoảng thời gian.
Tâm lý đối với chứng khoán Trung Quốc đã được cải thiện trong vài tuần qua khi một loạt tín hiệu từ Bắc Kinh gợi ý về các biện pháp kích thích kinh tế hơn. Trong một cuộc họp của Bộ Chính trị vào tháng 7 đã bỏ qua khẩu hiệu “nhà ở để ở, không phải để đầu cơ”, đây là lần đầu tiên một hội nghị cấp cao trong 5 năm không đề cập đến vấn đề này.
Các nhà hoạch định chính sách cũng báo hiệu sự chấm dứt chính sách hà khắc đối với lĩnh vực bất động sản, đồng thời thừa nhận những đóng góp của ngành này đối với nền kinh tế và sự đổi mới.
“Tuy nhiên, niềm tin và mức độ thuyết phục của nhà đầu tư vẫn còn rất mong manh vì họ đã thất vọng trước các biện pháp nới lỏng khá mờ nhạt kể từ tháng 3,” báo cáo cho biết.
Chỉ số MSCI Trung Quốc đã giảm 2,5% xuống 64,06 vào ngày 2/8 và hiện thấp hơn khoảng 9% so với mục tiêu 70 của Morgan Stanley đến tháng 6/2024. Chỉ số này theo dõi 717 công ty Trung Quốc giao dịch trên cả thị trường nội địa và nước ngoài với mức định giá là 2.3000 tỷ đô la Mỹ. Trong đó có các tên tuổi lớn nhất là Tencent Holdings, Alibaba Group Holding và Meituan.
Báo cáo nhấn mạnh: “Do chúng tôi kỳ vọng sự biến động của thị trường trong ngắn hạn sẽ vẫn tương đối cao, nên cách tiếp cận đúng đắn lúc này là quan sát thêm, tận dụng sự cải thiện tâm lý mới nhất và chờ đợi một điểm vào tốt hơn trong tương lai”.
Theo Morgan Stanley, thu nhập của công ty và rủi ro địa chính trị kéo dài có thể đặt ra thêm những thách thức đối với chứng khoán trong tương lai. Ước tính thu nhập cả năm có nguy cơ bị cắt giảm trong bối cảnh môi trường vĩ mô suy yếu, trong khi mùa bầu cử sắp tới của Hoa Kỳ có thể làm phức tạp thêm mối quan hệ không chắc chắn giữa Bắc Kinh và Washington.
Ngân hàng Hoa Kỳ kỳ vọng, thu nhập của các công ty trên Chỉ số MSCI Trung Quốc sẽ tăng 15% trong năm nay, dưới mức dự báo đồng thuận là tăng 22%. Vì vậy, Morgan Stanley khuyến nghị nhà đầu tư nên mua vào các công ty Internet có vốn hóa lớn, cũng như các tên tuổi được chọn trong ngành dịch vụ tiêu dùng và lĩnh vực công nghiệp để hưởng lợi từ sự phục hồi dần dần của nền kinh tế.
Chứng khoán toàn cầu chao đảo
Mới đây, Fitch Ratings cũng đã hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ từ AAA xuống AA+. Báo cáo của Fitch đã trích dẫn “sự suy giảm đều đặn trong các tiêu chuẩn quản trị trong 20 năm qua” và cho biết “các bế tắc chính trị liên tục về giới hạn nợ và các nghị quyết vào phút chót đã làm xói mòn niềm tin vào quản lý tài chính”.
Động thái này diễn ra 2 tháng sau cuộc chiến đảng phái gay gắt về trần nợ liên bang, mà cuối cùng đã được nâng lên. Nó lặp lại việc hạ xếp hạng của Hoa Kỳ vào năm 2011 bởi cơ quan xếp hạng Standard and Poor’s chỉ vài ngày sau khi cuộc chiến trần nợ tương tự cũng đe dọa đến tình trạng vỡ nợ của Hoa Kỳ.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen đã nhanh chóng lên tiếng phản đối động thái của Fitch. Bà cho rằng đánh giá của Fitch là “tùy tiện và dựa trên các số liệu đã cũ”.
Ngay sau thông tin này, chứng khoán Mỹ đã bị bán tháo trong ngày 2/8 và chỉ số Nasdaq Composite ghi nhận phiên giao dịch tiêu cực nhất kể từ tháng 2/2023. Theo CNBC, chốt phiên giao dịch này, chỉ số Nasdaq Composite “bốc hơi” 310,47 điểm (tương đương 2,17%) xuống 13.973,45 điểm, S&P 500 sụt 1,38% còn 4.513,39 điểm. Chỉ số Dow Jones cũng mất 348,16 điểm (tương đương 0,98%) về mức 35.282,52 điểm.
Bà Mona Mahajan, chuyên gia đầu tư tại Edward nhận định, việc hạ bậc tín nhiệm của Fitch đã cung cấp cho các nhà đầu tư một cái cớ không thể tốt hơn để chốt lời sau đợt tăng mạnh gần đây.
“Nói rộng ra, quyết định bất ngờ của Fitch không ảnh hưởng tới quan điểm cơ bản của chúng tôi về nền kinh tế hay thị trường. Bức tranh kinh tế tiếp tục cho thấy những dấu hiệu phục hồi và tình hình dường như rất khác so với lần gần nhất Mỹ bị hạ xếp hạng tín nhiệm”, bà lưu ý.
Tương tự, phần lớn các thị trường chứng khoán châu Á đi xuống trong phiên ngày 3/8, sau khi Phố Wall lao dốc trước đó. Cụ thể, chốt phiên, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 1,68%, hay 548,41 điểm, xuống 32.159,28 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) giảm 0,49%, hay 96,51 điểm, xuống 19.420,87 điểm. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 0,42%, hay 11,08 điểm, xuống 2.605,39 điểm.
Tại Việt Nam, chốt phiên giao dịch, VN-Index giảm 9,48 điểm xuống 1.210,95 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 1 tỷ cổ phiếu, tương ứng giá trị gần 21.618 tỷ đồng. Toàn sàn có 154 mã tăng giá, 311 mã giảm giá và 62 mã đứng giá.
Các chuyên gia cho rằng, thị trường chứng khoán đang bước vào giai đoạn thiếu vắng thông tin hỗ trợ và đà tăng của thị trường diễn ra trong thời gian khá dài khiến áp lực chốt lời tăng mạnh. CTCK VCBS nhận định trong các phiên tới, thị trường vẫn sẽ có sự phân hóa và bật nảy về mặt điểm số, nhưng rủi ro trong ngắn hạn đã gia tăng và VN-Index có thể sẽ có những phiên điều chỉnh bất ngờ.