Chuẩn mực đạo đức nghề ngân hàng: Từ học tập đến thực hành
Tính tuân thủ, sự cẩn trọng, sự liêm chính; sự tận tâm chuyên cần, tính chủ động, sáng tạo và thích ứng; về ý thức bảo mật thông tin… là những yêu cầu chuẩn mực đạo đức của cán bộ ngân hàng.
Nhân kỷ niệm 30 năm ngày thành lập, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đã tổ chức các hoạt động chào mừng, với ý nghĩa kỷ niệm và khơi dậy niềm tự hào của mỗi hội viên, của mỗi cán bộ nhân viên ngành ngân hàng về một Hiệp hội giữ vai trò quan trọng không chỉ thực hiện tốt mục tiêu, tiên chỉ hoạt động của hội, mà còn đóng góp cho sự phát triển của ngành ngân hàng trong suốt 30 năm qua.
Một trong các sự kiện đó là, Hiệp hội tổ chức cuộc thi tìm hiểu chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng. Đây là cuộc thi mang nhiều ý nghĩa và với nội dung yêu cầu của chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp đối với cán bộ ngân hàng: về tính tuân thủ; về sự cẩn trọng; về sự liêm chính; về sự tận tâm và chuyên cần; về tính chủ động, sáng tạo và thích ứng; về ý thức bảo mật thông tin, thì hoạt động tổ chức sự kiện này, không chỉ dừng lại là một cuộc thi mà còn mang ý nghĩa và nội hàm lớn hơn rất nhiều. Đó là cuộc thi của sự học tập và thực hành đối với mỗi cán bộ nhân viên ngành ngân hàng. Ý nghĩa đó, phản ánh trên 3 phương diện chính sau:
Cuộc thi trực tuyến Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp do VNBA phát động tổ chức sẽ có 3 tuần thi: Tuần thi thứ nhất từ ngày 18/3 đến ngày 24/3/2024; Tuần thi thứ hai từ ngày 25/3 đến ngày 31/3/2024; Tuần thi thứ ba từ ngày 1/4 đến ngày 7/4/2024.
Thứ nhất thông qua cuộc thi, để trả lời tốt câu hỏi đề thi, mỗi cán bộ nhân viên ngân hàng phải đọc, phải tìm hiểu và nghiên cứu tài liệu liên quan, đặc biệt nghiên cứu bài giảng bộ chuẩn mực đạo đức nghề ghiệp và quy tắc ứng xử của cán bộ ngân hàng. Quá trình này sẽ giúp mỗi cán bộ nhân viên ngân hàng nắm bắt, học tập được kiến thức và những chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, một hình thức tự học tập rất hiệu quả mang lại từ một cuộc thi.
Thứ hai cuộc thi là sự thực hành chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, cũng như góp phần xây dựng văn hóa kinh doanh của mỗi NHTM thông qua việc thực hành tốt quy tắc ứng xử, đó là văn hóa tôn trọng, lắng nghe, văn hóa nêu gương của cán bộ lãnh đạo; là văn hóa chia sẻ, động viên, động lực và đoàn kết để phát triển; văn hóa chuyên nghiệp, sáng tạo và cống hiến và môi trường kinh doanh thân thiện, nhiệt tình và chu đáo với khách hàng…văn hóa kinh doanh mang đậm dấu ấn thương hiệu của mỗi NHTM và tạo năng lực cạnh tranh mềm cho sự phát triển.
Thứ ba cuộc thi biến niềm tự hào của mỗi cán bộ nhân viên ngân hàng trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển. Chính việc nắm bắt được bộ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của ngành ngân hàng, giúp mỗi cán bộ nhân viên ý thức được trách nhiệm, nhiệm vụ để tuân thủ và thực thi; để không ngừng đổi mới và sáng tạo, để cống hiến… Tất cả những điều này trở thành động lực, nguồn lực của sự phát triển đối với mỗi NHTM và đối với toàn ngành.
Có thể nói, cách tiếp cận và tổ chức cuộc thi, với chủ đề rất ý nghĩa, và mang tính giáo dục, tuân thủ cao song cũng rất thời sự, bởi sự phát triển của ngành ngân hàng, với yêu cầu về yếu tố nguồn nhân lực là rất cao, cán bộ nhân viên ngân hàng không chỉ giỏi chuyên môn nghiệp vụ mà còn phải có đạo đức nghề nghiệp mới đảm bảo cho hoạt động ngân hàng tăng trưởng và phát triển bền vững, an toàn hiệu quả cũng như đáp ứng được yêu cầu đổi mới và phát triển ngành ngân hàng.
Do đó để cuộc thi mang lại kết quả và mục tiêu đề ra, tạo hiệu ứng lan tỏa và niềm tự hào” tôi là cán bộ ngân hàng”, mỗi cán bộ nhân viên ngân hàng cần tích cực tham gia cuộc thi, coi đây là nhiệm vụ, đồng thời là trách nhiệm phát triển và hoàn thiện bản thân, qua đó hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần vào sự phát triển của ngành, và cùng nhân lên gấp bội vai trò, sức mạnh của Hiệp hội ngân hàng nhân dịp tròn 30 năm hình thành và phát triển.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn