Chuẩn bị cho việc đón nguồn vốn lớn đổ vào thị trường cuối năm
Ngân hàng Nhà nước vừa phân bổ lại chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng thương mại, chuẩn bị cho điều hành thúc đẩy giải ngân vốn cuối năm.
Ngay sau thông báo gửi các tổ chức tín dụng (TCTD) của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hôm 29/11, cơ quan quản lý tiền tệ và các nhà băng lớn đã có cuộc họp với Phó Thủ tướng Lê Minh Khái.
Tại cuộc họp này, Phó Thủ tướng yêu cầu NHNN cần điều hành tín dụng linh hoạt hơn, các nhà băng chủ động giải ngân khi doanh nghiệp có nhu cầu.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đến 23/11, dư nợ tín dụng tăng gần 8,4% so với cuối năm 2022. Như vậy, gần 11 tháng 2023, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 60% so với kế hoạch cả năm nay (14,5%). Theo đó, dư địa tăng tín dụng một tháng cuối năm còn 6,2%, tương đương 735.000 tỷ đồng.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã đề nghị NHNN đưa ra giải pháp điều hành, cấp tín dụng cho nền kinh tế, trong đó hướng dòng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên. Các ngân hàng thương mại chủ động giải ngân vốn khi doanh nghiệp, người dân có nhu cầu và đảm bảo điều kiện.
Đây cũng là chỉ đạo xuyên suốt của Thủ tướng Chính phủ. Trước đó, trong Công điện gửi NHNN, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam rút kinh nghiệm việc điều hành tăng trưởng tín dụng chậm năm 2022, khẩn trương rà soát toàn diện kết quả cấp tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng đối với nền kinh tế, từng ngành, từng lĩnh vực; kết quả cấp tín dụng của từng tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại đến thời điểm hiện tại để theo thẩm quyền và quy định của pháp luật có biện pháp điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2023 kịp thời, hiệu quả, khả thi, bảo đảm cung cấp đủ vốn tín dụng phục vụ nền kinh tế và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, tuyệt đối không để tắc nghẽn, ách tắc, chậm trễ, không đúng thời điểm; trường hợp có nội dung vượt thẩm quyền, kịp thời báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền theo quy định; chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc điều hành tăng trưởng tín dụng.
Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc xử lý theo thẩm quyền.
Tại cuộc họp với Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, đại diện các ngân hàng cũng cho hay thực tế vốn không thiếu nhưng để giải ngân được, vấn đề không chỉ nằm ở điều hành chính sách tiền tệ, còn phụ thuộc vào khả năng hấp thụ vốn. Nhu cầu vay vốn giảm, giải ngân gặp khó khăn, dù các nhà băng đưa ra nhiều chương trình ưu đãi, chủ động tìm kiếm khách hàng.
Theo các đại diện từ TPBank, Sacombank, Techcombank, VPBank, MBBank…, mục tiêu tăng trưởng tín dụng đặt ra trong năm nay 14,5% cao hơn trước. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung, cầu tín dụng suy giảm, dù NHNN điều hành khá hợp lý, mặt bằng lãi suất cho vay đã hạ sâu so với năm 2022, các ngân hàng thương mại cũng đưa ra nhiều chương trình ưu đãi, chủ động tìm kiếm khách hàng,… nhưng việc giải ngân vẫn gặp khó khăn.
Từ nay tới cuối năm, các ngân hàng cho biết sẽ tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN rà soát lại các khách hàng, nỗ lực đẩy mạnh cho vay, nhằm đạt kết quả cao nhất mục tiêu đề ra.
Như vậy, vấn đề nhìn chung không phải là các ngân hàng thiếu hay nói như Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú từng khẳng định, không ai muốn huy động, ôm vốn rồi để đó không cho vay, mà vấn đề còn nằm ở khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.
Ghi nhận dữ liệu từ WiChart cho thấy, 9 tháng đầu 2023, các NHTM dẫn đầu về tăng trưởng tín dụng đang “gọi tên” VPBank, MBBank, MSB, Techcombank, LPBank, HDBank, OCB, Nam A Bank, SeABank, ACB… Trong khi đó, nhóm “cuối bảng tăng trưởng tín dụng theo chiều từ dưới lên đang có AnBinhBank, Bac A Bank, Vietcombank, Eximbank, Bản Việt, SaigonBank, PG Bank, VIB, VietBank, VietABank…
Thông qua một số các cuộc họp gỡ vướng cho thị trường cho thị trường bất động sản, các ngân hàng cũng chia sẻ về chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng. Chẳng hạn một đại diện doanh nghiệp địa ốc cho hay muốn tiếp cận tín dụng của LPBank nhưng hết room. Trước ngày 29/11, theo ông Hồ Nam Tiến – Tổng Giám đốc, LPBank đã sử dụng room tín dụng là 11,56%, về cơ bản đã gần hết room tín dụng của NHNN cấp. LPBank cũng đã đề xuất NHNN xem xét cấp thêm room tín dụng để có thể có điều kiện cho một số doanh nghiệp vay. Hay như VPBank được cấp room tín dụng 24%, nhưng đã tăng trưởng dư nợ đạt trên 20% – mức cao nhất toàn hệ thống…
Theo đó, trong tháng cuối năm, cùng với room tín dụng vừa được điều chỉnh, để có thể hấp thụ nguồn tín dụng lớn đang được thúc giục đưa ra từ phía các ngân hàng, cầu vay sẽ phải có phương án để tăng lên; và theo các chuyên gia, trọng tâm nằm ở kích thích nâng tổng cầu, nâng “sức chứa” nguồn vốn, vốn đến đâu nền kinh tế phải “thẩm thấu” được đến đó mới không có nguy cơ chảy vào các khu vực phi sản xuất, tràn sang đầu cơ.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP HCM, cho rằng để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng kinh tế trong những tháng còn lại của năm và trong năm 2023, ngoài việc tiếp tục các cơ chế chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, cho các ngành lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế, thì rất cần các giải pháp, các chương trình hành động cụ thể về kích cầu tiêu dùng và kích cầu đầu tư để kích thích tăng trưởng kinh tế, qua đó kích thích tăng trưởng tín dụng. Trước mắt cần khai thác tối đa tính chất mùa vụ của dịp tết cổ truyền âm lịch với tinh thần đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn, dịch vụ ngân hàng cho doanh nghiệp để sản xuất, tiêu dùng cuối năm tăng trưởng tạo hiệu ứng lan tỏa cũng như nền tảng cho tăng trưởng năm 2024.
Sau cuộc họp cùng NHNN và các NHTM, ngày 1/12, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi Thanh tra Chính phủ (TTCP), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về việc thanh tra công tác điều hành tăng trưởng tín dụng.
Theo văn bản, Chính phủ, Thường trực Chính phủ và lãnh đạo Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo bằng văn bản yêu cầu NHNN thực hiện đồng bộ kịp thời, hiệu quả các giải pháp điều hành tăng trưởng tín dụng; xác định hạn mức tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 phù hợp với tinh hình thực tiễn, bảo đảm cung cấp đủ vốn tín dụng phục vụ nền kinh tế và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, tăng khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp, người dân, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, đến nay tăng trưởng tín dụng năm 2023 còn thấp, chưa đạt mục tiêu đề ra, việc tiếp cận vốn tín dụng còn nhiều khó khăn, việc phân giao hạn mức tăng trưởng tổn dụng đối với các tổ chức tín dụng chưa thực sự khoa học, kịp thời, hiệu quả, còn có ý kiến phản ánh của đại biểu Quốc hội và các chuyên gia.
Để kịp thời tăng cường công tác quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả điều hành tăng trưởng tín dụng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái giao TTCP tiến hành thanh tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao của NHNN trong điều hành tăng trưởng tín dụng, xây dựng, giao, điều chỉnh chỉ tiêu, hạn mức tăng trưởng tín dụng trong năm 2022 và 2023, công tác quản lý, giám sát việc thực hiện tăng trưởng tín dụng. Phó Thủ tướng yêu cầu TTCP báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc triển khai ngay trong tháng 12/2023 và kết quả thanh tra trong tháng 1/2024.