Chưa có chủ trương hoãn, doanh nghiệp sẽ phải đóng phí cảng biển từ 1/4

Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho biết dự kiến vẫn sẽ thu phí từ ngày 1/4 tới đây do chưa có thông tin lùi thời gian từ thành phố.

Cụ thể, trao đổi với báo chí, ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho biết, đến nay vẫn chưa có chủ trương tạm hoãn việc thu phí hạ tầng cảng biển như đề xuất của doanh nghiệp.

Chưa có chủ trương hoãn, doanh nghiệp sẽ phải đóng phí cảng biển từ 1/4
Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho biết dự kiến vẫn sẽ thu phí từ ngày 1/4.

Việc thu phí hạ tầng cảng biển này thực hiện dựa trên cơ sở Luật Phí và lệ phí. Cho đến nay TPHCM thu loại phí này sau luật đến 3 năm.

Cũng theo ông An, cuối năm 2020, Hội đồng Nhân dân TPHCM đã thông qua Nghị quyết 10 về ban hành mức thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn thành phố, thời gian triển khai thu phí từ ngày 1-7-2021.

Tuy nhiên, để hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh, UBND TPHCM đã 2 lần trình tạm hoãn thời gian thu phí, lần đầu lùi đến tháng 10-2021 và lần 2 tiếp tục lùi đến tháng 4-2022.

“Tổng thời gian tạm hoãn là 9 tháng, tương đương số phí thu được là khoảng 2.205 tỉ đồng”, ông An nói, và cho rằng đây cũng được xem là một phần hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh vừa qua.

Đối với đề xuất tiếp tục lùi thời gian thu phí của doanh nghiệp, Sở Giao thông Vận tải với tư cách cơ quan thường trực của tổ công tác thu phí cho rằng vấn đề biến động xăng dầu cao như hiện nay là không lường trước, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có chủ trương tạm hoãn.

Với đề xuất nêu trên của doanh nghiệp, ông An cho biết Sở Giao thông Vận tải đang chờ chỉ đạo của UBND TPHCM để thực hiện. Đến nay, thành phố vẫn chưa có chủ trương nào khác nên dự kiến vẫn thu vào 1/4 như kế hoạch.

“Trong thời gian thu nếu có vấn đề phát sinh, UBND sẽ trình HĐND để xem xét lại”, ông An nói.

Theo tính toán, nếu TP.HCM thu phí cảng biển, chi phí của một doanh nghiệp xuất khẩu đơn cử trong lĩnh vực thuỷ sản, quy mô trung bình có thể phải tốn thêm 3 – 3,5 tỉ đồng/năm, doanh nghiệp lớn con số này lên đến 13 – 14 tỉ đồng/năm.

Chưa có chủ trương hoãn, doanh nghiệp sẽ phải đóng phí cảng biển từ 1/4
Nếu TP.HCM thu phí cảng biển, chi phí của một doanh nghiệp xuất khẩu đơn cử trong lĩnh vực thuỷ sản, quy mô trung bình có thể phải tốn thêm 3 – 3,5 tỉ đồng/năm.

Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) phân tích, dịch bệnh khiến cộng đồng doanh nghiệp chịu khủng hoảng qúa lớn, cộng thêm áp lực từ giá xăng dầu vừa qua, giờ phải chịu thêm phí cảng biển nữa thì sẽ quá sức.

“Chúng tôi đã kiến nghị việc này ít nhất hoãn thực hiện đến hết năm 2022. Từ năm 2023 cũng nên giảm 50% so với mức phí đang đề ra để hỗ trợ một phần cho doanh nghiệp phục hội”, Chủ tịc VLA kiến nghị.

Cũng theo ông Hiệp, về lý thì việc thành phố thu phí cũng chưa đưa ra cơ sở thuyết phục. Hạ tầng cảng biển thì không phải thành phố đầu tư, hạ tầng kết nối thì chưa làm được bao nhiêu. Tiền thu phí thì chưa có kế hoạch rõ ràng sẽ làm gì để phục vụ ngược trở lại cho hạ tầng cảng biển. Đó cũng là một phần vấn đề làm cho nhiều doanh nghiệp chưa đồng tình.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Kịch, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP thủy sản CAFATEX phân tích, trước TP.HCM, Hải Phòng cũng triển khai thu phí này từ năm 2017. Lúc đó cũng có nhiều tiếng nói phản đối, nhưng việc thu vẫn được thực hiện, doanh nghiệp cũng phải “cắn răng” đóng. Nhưng thời điểm đó không khó khăn, áp lực như hiện nay. Còn bây giờ giống như giọt nước tràn ly, thêm một đồng cũng là gánh nặng với các doanh nghiệp

“Tôi cũng hiểu là khi thấy Hải Phòng thu được thì TP.HCM cũng muốn thu. Nhưng TP.HCM là trái tim của nền kinh tế Việt Nam, có vai trò và vị thế tương quan với các nước trong khu vực. Vậy nên muốn thu phí này cũng nên xem xét với các nước lân cận. Hiện nay cước phí dịch vụ vận chuyển hàng hóa logistics của Việt Nam đã rất cao so với các nước khiến hàng hóa của chúng ta cạnh tranh kém. Cứ hình dung như một cái bánh, nếu người này lấy nhiều hơn thì sẽ có người chịu phần ít hơn. Nếu TP.HCM quyết tăng thu thì doanh nghiệp cũng phải chịu. Đến một lúc nào đó, doanh nghiệp hụt hơi không phát triển được thì ảnh hưởng đến những đối tượng yếu thế nhất là công nhân và nông dân. Các hiệp hội ngành nghề họ không chỉ lên tiếng vì bản thân họ mà còn vì hàng triệu công nhân và nông dân sau lưng”, ông Kịch thẳng thắn.

Theo Thy Hằng (Diễn đàn doanh nghiệp)

Bài Viết Liên Quan

Back to top button