Chống buôn lậu, gian lận thương mại: Cần sửa đổi quy định pháp lý để phù hợp với thực tế
“Để vận chuyển hàng lậu, các đối tượng đã thành lập doanh nghiệp để xin cấp giấy phép nhập khẩu có điều kiện hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam nhưng khai báo gian dối nhằm trốn thuế…”
Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Thanh Tùng – Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội trước những thủ đoạn tinh vi của các đối tượng, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong quá trình đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại trong thời gian gần đây.
Theo báo cáo, trong 6 tháng đầu năm 2023, các lực lượng chức năng TP Hà Nội đã phát hiện, bắt giữ 1.801 vụ buôn lậu, 769 vụ vi phạm về hàng giả, 8.566 vụ vi phạm về gian lận thương mại, thu nộp ngân sách nhà nước 1.558,807 tỷ đồng (tăng 36,06% so cùng kỳ).
Trao đổi xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Tùng – Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, lợi dụng việc buông lỏng quản lý của một số đơn vị chức năng tại Sân bay quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất, các đối tượng nhập lậu hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam tiêu thụ. Đặc biệt, một số đối tượng buôn lậu đã lợi dụng hình thức gửi hàng vào kho ngoại quan để chờ xuất sang nước thứ ba để tráo đổi hàng hóa.
Ông Tùng cũng cho biết thêm, vừa qua, Công an TP Hà Nội và Cục Hải quan Hà Nội đã phát hiện, bắt giữ một số đối tượng sau khi nhận hàng tại Sân bay quốc tế Nội Bài, thay vì phải di chuyển xe đến kho ngoại quan để chờ xuất đi Trung Quốc, đã tháo ốc ở cánh cửa bên hông xe để tráo đổi hàng hóa từ đồ điện tử, quần áo, thực phẩm chức năng thành nước giặt rẻ tiền nhưng vẫn giữ nguyên niêm phong kẹp chì của hải quan.
“Đây là lần đầu tiên lực lượng chức năng phát hiện phương thức rút ruột hàng thật để tráo đổi hàng giả”, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội chia sẻ.
Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Chu Xuân Kiên – Cục Quản lý thị trường Hà Nội cũng cho biết, hàng hóa vi phạm thường được cất giấu lẫn trong hàng hóa thông thường; mua bán, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới thông qua các nền tàng điện tử xuyên biên giới rồi vận chuyển về Việt Nam qua đường chuyển phát nhanh.
“Để hợp thức hóa hàng lậu, các đối tượng không khai báo, hoặc khai báo hải quan không đúng với thực tế lô hàng hoặc nhập khẩu hàng hóa không đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn, quy chuẩn”, ông Chu Xuân Kiên nói.
Theo các chuyên gia, để ngăn chặn hoạt động buôn bán vận chuyển hàng lậu, cần sửa đổi các quy định pháp lý phù hợp thực tế qua đó tạo điều kiện cho lực lượng chức năng ngăn chặn hoạt động này. Bên cạnh đó, quá trình xử lý buôn lậu chủ yếu chỉ xử lý vi phạm hành chính, mức xử phạt chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn tội phạm. Đơn cử, hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu có giá trị 10 triệu đến 20 triệu đồng chỉ bị xử phạt 4 – 6 triệu đồng, trong khi các đối tượng có thể thu lợi bất chính gấp 3 – 4 lần giá trị thật của hàng hóa.
Do đó, các chuyên gia cho rằng, thời gian tới, các cơ quan chức năng cần sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) theo hướng tăng nặng đối với những trường hợp buôn bán vân chuyển hàng lậu.
Dưới góc độ của ngành Hải quan, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Hà Nội Phan Quốc Đông cho biết, một số sản phẩm như điện thoại được các doanh nghiệp bưu chính vận chuyển rất khó phát hiện là sản phẩm giả hay thật, cơ quan chức năng phải tiến hành giám định với chi phí rất cao mới phát hiện được hàng giả. Nhưng khi tiến hành xử phạt, doanh nghiệp nại quyền bưu chính không chấp nhận vi phạm lại còn tổ chức khiếu kiện trở thành vướng mắc rất lớn.
“Vì vậy cần có quy định, chế tài chặt hơn cho vấn đề này qua đó đối phó linh hoạt hơn với vấn nạn buôn lậu, buôn bán hàng giả và gian lận thương mại”- ông Đông kiến nghị.
Đồng quan điểm, tuy nhiên, để ngăn chặn hiện tượng lợi dụng hoạt động nhập khẩu để vận chuyển hàng lậu, ông Nguyễn Thanh Tùng – Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho rằng, nhà nước nên xây dựng yêu cầu đối với hàng hóa nhập khẩu. “Ngoài việc có hóa đơn mua bán hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam, phải có cả hóa đơn bán hàng của doanh nghiệp nước ngoài và tờ khai xuất nhập khẩu”, ông Tùng nhấn mạnh.