Không chỉ nổi tiếng với vẻ đẹp cổ kính, Phượng Hoàng cổ trấn còn thu hút du khách bởi nhịp sống sôi động về đêm và một số hoạt động đặc trưng, thú vị.
|
Tôi là Vân Khanh, 23 tuổi, đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM. Đây là lần đầu tiên tôi đi du lịch Trung Quốc theo tour Trương Gia Giới – Phượng Hoàng cổ trấn. Đã ấn tượng với Phượng Hoàng cổ trấn từ lâu nên nhân dịp này tôi dành trọn một ngày khám phá nơi đây. |
|
Phượng Hoàng cổ trấn nằm ở phía tây tỉnh Hồ Nam. Lượng khách đổ về đông nên để di chuyển vào đây, hiện chỉ có 2 phương tiện là taxi và xe bus công cộng. Tôi chọn di chuyển bằng xe bus công cộng, giá vé đã bao gồm trong vé tham quan. Xe sạch sẽ và đi khá nhanh. |
|
Trong hình dung của tôi, điểm du lịch này là một con phố nhỏ, cũ kỹ và ẩm ướt. Tuy nhiên, khi đến nơi, tôi cảm thấy khá bất ngờ vì ở đây rộng lớn và thơ mộng hơn thế. Dọc hai bên bờ sông Đà là những mảng xanh tươi mát của núi non hùng vĩ, đan xen là gam màu trầm tối của các căn nhà cổ. |
|
Phượng Hoàng cổ trấn đón tôi bằng một cơn mưa đầu giờ chiều. Theo hướng dẫn viên địa phương, đây là mưa trái mùa. Để tránh mưa và ngắm một vòng cổ trấn, tôi trải nghiệm đi thuyền trên dòng Đà Giang. Tôi cũng chưa thấy nhiều người giới thiệu về hoạt động này nên càng háo hức hơn về hành trình sắp tới. |
|
Dọc hai bên bờ sông, tôi có thể ngắm rõ kiến trúc của cổ trấn hơn 1.000 năm tuổi này. Phần lớn kiến trúc của Phượng Hoàng cổ trấn còn giữ lại đến ngày nay đều là các công trình từ thời nhà Thanh, do người Hán và người Miêu cùng xây dựng. Đây cũng là nơi sinh sống của nhiều dân tộc như Miêu, Hán, Hồi, Thổ Gia. |
|
Thuyền chạy khá chậm nên không chỉ ngắm được cảnh đẹp, tôi còn có thêm loạt ảnh check-in ấn tượng ở mũi tàu. Góc chụp này vừa ghi lại được khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ của cổ trấn, vừa không dính người như nhiều điểm chụp hình khác. |
|
Sau 15 phút di chuyển, thuyền cập bến cách tháp Vạn Dân không xa. Phượng Hoàng cổ trấn tuy rộng lớn nhưng khu vực thu hút đông khách nhất chính là đoạn từ tháp Vạn Dân đến cầu Đá Nhảy. |
|
Đến cầu Đá Nhảy, nhìn xuống dòng nước chảy xiết và đoàn người đi lại tấp nập trên cầu, tôi có phần e ngại khi bước những bước đầu tiên. Điểm chụp hình đẹp nhất là những bậc đá ở giữa cầu. Từ đây, bạn có thể ghi lại khung cảnh hùng vĩ của núi non và vẻ cổ kính của những dãy nhà cổ. |
|
Bãi Đá Nhảy là một điểm check-in không thể bỏ qua khi đến Phượng Hoàng cổ trấn. Sau khoảng 10 phút chờ dòng qua lại tôi cũng chụp được một bức hình ưng ý. |
|
Sau khi chụp ảnh xong, trời cũng đã sẩm tối. Tôi quyết định dành thời gian này để đi dạo, tận hưởng khí trời se lạnh và thưởng thức một vài món ăn đường phố ở đây. Các gian hàng ẩm thực ở cổ trấn khá đa dạng, đưa tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác như quầy bánh tép với thau tép tươi bày ngay trước cửa đến những xiên châu chấu được chiên giòn. |
|
Dù không thích mùi hương của món đậu phụ thối, tôi vẫn quyết định thử bởi đây là món ăn nổi tiếng ở cổ trấn. Miếng đậu có màu đen, được chiên giòn bên ngoài, ăn kèm rau củ muối và nước nêm có vị chua, mặn. Một phần 6 miếng có giá là 10 nhân dân tệ (khoảng 33.000 đồng). |
|
Chỉ cần gần đến các hàng bán, tôi đã có thể ngửi thấy mùi dầu và gia vị khá khó ngửi của đậu phụ thối. Bắt đầu ăn, mùi khó chịu sẽ xộc lên mũi nhưng khi quen rồi tôi có thể cảm nhận được rõ nhất mùi vị chua cay của nước nêm. |
|
Để át đi hậu vị đậu phụ thối. Tôi ghé vào một hàng kem tự chọn nổi bật với tủ kính trưng bày nhiều mô hình ly kem đẹp mắt với đủ loại topping. |
|
Có thể tôi lấy khá nhiều nên phần kem có giá 65 nhân dân tệ (hơn 200.000 đồng) nhưng hương vị không quá ấn tượng. |
|
Việc mua bán ở cổ trấn khá bất tiện bởi người dân không giao tiếp bằng tiếng Anh. Tôi không biết tiếng Trung nên chỉ có thể giao dịch bằng phần mềm dịch thuật và ngôn ngữ cơ thể. |
|
Món cuối cùng cho bữa ăn vặt hôm nay là bánh ngô. Miếng bánh hình tròn, vàng ươm và thơm mùi ngô. Mức giá cho 3 chiếc bánh là 10 nhân dân tệ (khoảng 33.000 đồng). Bánh ra lò liên tục nên còn nóng hổi. Kết cấu bánh bên trong khá giống bánh bò của Việt Nam nhưng vị có phần nhạt hơn. |
|
Một điều tôi khá ấn tượng ở Phượng Hoàng cổ trấn là lượng khách đông nhưng đường phố vẫn luôn được giữ sạch sẽ. Đội ngũ vớt rác dưới sông Đà Giang hoạt động liên tục, dọc bên đường, thùng rác được bố trí khắp nơi. |
|
Để có những bức ảnh sống ảo đẹp lung linh, không ít khách lựa chọn dịch vụ thuê trang phục truyền thống kèm thợ chụp hình. Hoạt động này nhận được sự quan tâm của cả du khách nội địa lẫn khách quốc tế. Mức giá của dịch vụ này dao động 200-500 nhân dân tệ (670.000-1,6 triệu đồng). |
|
Trang phục của người Miêu, Thổ Gia và Hán được làm khá giống với nguyên bản với những chi tiết bằng kim loại mạ bạc lấp lánh bắt mắt. |
|
Sau thời gian tham quan tự do, đoàn chúng tôi dùng bữa ở một nhà hàng ngay tại Phượng Hoàng cổ trấn. Mỗi món ăn đều khá đầy đặn và có chung một vị cay cay. Bữa tối hôm đó gồm 10 món ăn được nấu theo khẩu vị đặc trưng của người dân tộc sinh sống ở đây. |
|
Có thể nói vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày, cổ trấn đều mang một nét đặc trưng riêng với nhiều hoạt động hấp dẫn. Nếu buổi sáng, Phượng Hoàng cổ trấn mang vẻ đẹp trữ tình, trầm mặc thì khi đêm xuống, thị trấn cổ lại khoác mình diện mạo hiện đại hơn với ánh đèn đủ màu sắc, tiếng nhạc xập xình từ các hàng quán. |
|
Tôi chọn một quán bar có biểu diễn ca nhạc, gần cầu Hoàng Kiều để ngắm cảnh và tận hưởng buổi tối ở cổ trấn. |
|
Tuy nhiên, menu quán chỉ có tiếng Trung và nhân viên phục vụ không nói tiếng Anh khiến tôi khá bối rối khi chọn đồ uống. Sau hơn 15 phút trao đổi tôi mới có thể gọi được một chai bia và một đĩa hướng dương. |
|
Tổng hóa đơn là 150 nhân dân tệ (hơn 500.000 nghìn đồng). Giá cả của các hàng quán ở đây sẽ có sự chênh lệch tùy vào vị trí, không gian và dịch vụ. |
|
Cuối cùng, để kết thúc một ngày khám phá thị trấn cổ nổi tiếng, tôi chọn đi mua sắm và mua vài món đồ lưu niệm về làm quà. Hàng quán ở Phượng Hoàng cổ trấn thường hoạt động đến đêm. Vào mùa du lịch cao điểm, các tụ điểm vui chơi có thể mở cửa đến sáng sớm hôm sau. |
|
Giá vé tham quan Phượng Hoàng cổ trấn dao động 300-700 nhân dân tệ (khoảng hơn một triệu đồng đến hơn hai triệu đồng)/người. Thời gian đẹp nhất để khám phá thị trấn cổ này là vào cuối tháng 10. Vào mùa xuân, nước ở dòng Đà Giang sẽ cạn. Những tháng mùa hè, du khách có thể gặp những cơn mưa bất chợt. |