Chính sách tài khóa nên tập trung vào tạo nền tảng phục hồi tăng trưởng
Trong bối cảnh tình hình kinh tế được dự báo tiếp tục đối mặt nhiều rủi ro, thách thức, theo chuyên gia, các gói hỗ trợ về tài khóa nên tập trung vào việc tạo nền tảng phục hồi tăng trưởng…
Theo đó, trải qua những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19, nền kinh tế đã gặp phải không ít khó khăn khi chuỗi cung ứng của doanh nghiệp bị đứt gãy, sản xuất đình trệ, sinh kế của người dân bị bào mòn, thì các gói hỗ trợ từ chính sách tài khóa đã phát huy tác dụng.
Thực tế cho thấy, trong năm 2023, các chính sách hỗ trợ tài khóa được cộng đồng doanh nghiệp và người dân đánh giá cao về hiệu quả triển khai. Có thể kể đến một số chính sách hỗ trợ tiêu biểu như: Giảm 2% thuế suất của thuế giá trị gia tăng (VAT) trong nửa cuối năm 2023, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn và giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và một số loại phí, lệ phí khác.
Bên cạnh đó, chính sách gia hạn thời hạn nộp một số loại thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ doanh nghiệp, kích cầu tiêu dùng, như: thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất, thuế tiêu thụ đặt biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Những chính sách về miễn, giảm, giãn các khoản thuế, phí, lệ phí được thực hiện ngay từ năm 2020, nhưng gói hỗ trợ có quy mô lớn nhất phải kể để năm 2022 được bắt đầu với việc Quốc hội ban hành Nghị quyết 43/2022/QH15 với hàng loạt các gói hỗ trợ tài khóa và tiền tệ.
Thống kê cho thấy, các chính sách hỗ trợ nền kinh tế trong những năm qua ở mức lớn chưa từng có, chiếm khoảng 8,3% GDP, cao hơn rất nhiều so với các nước có cùng quy mô kinh tế. Trong đó, chính sách tài khóa đóng vai trò quan trọng, đã miễn, giảm, giãn nhiều loại thuế, phí và các khoản thu ngân sách, với tổng gói hỗ trợ 4 năm qua lên tới gần 700 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, bên cạnh những hiệu quả đã đạt được, một số gói hỗ trợ phục hồi kinh tế trong năm 2023 vẫn chưa đạt như kỳ vọng, vì vậy, không ít ý kiến cho rằng, cần có những giải pháp khắc phục để công tác triển khai các gói hỗ trợ hiệu quả hơn trong năm 2024.
Theo TS. Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, có nhiều nhóm hỗ trợ chính sách thực hiện chưa tốt, như liên quan cả chính sách tiền tệ và tài khóa, là hỗ trợ 2% cho vay, bằng nguồn 40.000 tỷ đồng từ ngân sách, nhưng thực hiện còn nhỏ, hay nhiều gói chính sách khác. Ở đây là tính quyết liệt thực thi, trách nhiệm, dám nghĩ dám làm chưa mạnh, thậm chí là còn yếu.
Vì vậy, vị chuyên gia này đề xuất, trong thời gian tới, hỗ trợ tài khóa nên tập trung vào việc tạo nền tảng phục hồi tăng trưởng và phát triển lâu dài, bền vững cho nền kinh tế, đó là hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng nhân lực và đào tạo, thúc đẩy tăng trưởng xanh.
“Rõ ràng, đã đến lúc phải giảm đi những hỗ trợ tài khóa trực tiếp bằng “tiền tươi, thóc thật”, mà cần tập trung vào những “gói hỗ trợ” đồng bộ hơn”, vị chuyên gia này bày tỏ.
Đồng quan điểm đã nêu, thông tin với báo chí, chuyên gia tài chính – ngân hàng – TS. Doãn Hữu Tuệ cũng cho rằng, cần tiếp tục lựa chọn vừa thúc đẩy phục hồi, vừa ổn định kinh tế vĩ mô dựa trên chính sách tài khóa linh hoạt. Tình hình kinh tế thế giới thời gian tới được dự báo sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường.
“Trong điều kiện vị thế tài khóa ngân sách của Việt Nam tương đối tốt, tỷ lệ nợ công đang ở mức khả quan, Việt Nam có thể lựa chọn chính sách tài khóa làm vai trò trụ cột để thực hiện “mục tiêu kép” – vừa thúc đẩy phục hồi, vừa ổn định kinh tế vĩ mô. Đây là lựa chọn hợp lý do chính sách tài khóa thường ít gây áp lực cho lạm phát hơn và có dư địa lớn hơn so với chính sách tiền tệ”, vị chuyên gia này gợi ý.
Liên quan đến vấn đề này, trước đó, chuyên gia kinh tế – TS. Trần Du Lịch cũng cho rằng, năm 2024, chúng ta không cần sử dụng thêm công cụ gì mới, những công cụ đã áp dụng năm 2023 đi vào chiều sâu hơn, đồng bộ hơn, đặc biệt là đồng bộ hơn thì sẽ có tác dụng kích cầu được thị trường nội địa. Chính phủ đã làm nhưng cần làm mạnh hơn, như VAT, thay vì giảm thuế VAT 6 tháng thì giảm 1 năm, vì thời hạn rất quan trọng để doanh nghiệp nhìn có tầm dài hạn một chút và có tác động.
Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế được dự báo còn đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, để tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, theo các chuyên gia, đến năm 2024 – 2025, cần tiếp tục thực hiện nguyên tắc điều hành chính sách tài khóa là chủ động, linh hoạt trong ứng biến về ngắn hạn nhưng tuân thủ các nguyên tắc cân đối ngân sách và kỷ luật tài chính về dài hạn. Thế giới đang đối mặt với nhiều thay đổi bất thường nên cũng cần có những giải pháp đặc thù mới có thể đối phó được.