Chính phủ thống nhất đề xuất lập Quỹ nhà ở quốc gia

Chính phủ thống nhất đề xuất lập Quỹ nhà ở quốc gia, trong đó sẽ đầu tư phát triển nhà xã hội, nhà cho công nhân thuê và nhà ở cho người trẻ dưới 35 tuổi.

Tại cuộc họp với các bộ, ngành liên quan về việc nghiên cứu thành lập quỹ phát triển nhà ở diễn ra mới đây, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết việc thành lập quỹ phát triển nhà ở quốc gia có cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn.

Chính phủ thống nhất đề xuất lập Quỹ nhà ở quốc gia
Quỹ phát triển nhà ở quốc gia sẽ góp phần tăng nguồn cung nhà ở cho người có thu nhập trung bình.

Phó Thủ tướng nêu rõ quỹ phát triển nhà ở quốc gia là quỹ nhà nước ngoài ngân sách, do nhà nước thành lập (không trùng với nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước).

Dự kiến, nguồn của Quỹ phát triển nhà ở quốc gia sẽ được huy động từ các nguồn: Ngân sách nhà nước cấp; Huy động từ sự tự nguyện đóng góp của các nhà đầu tư trong và ngoài nước; nguồn thu từ quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại theo quy định; nguồn huy động đóng góp của các tổ chức, cá nhân; các nguồn hợp pháp khác.

Về chức năng, nhiệm vụ, phạm vi, mô hình quản lý của Quỹ phát triển nhà ở quốc gia,… Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nêu rõ: Chức năng chính của Quỹ phát triển nhà ở quốc gia là đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân thuê; nhà ở cho người trẻ dưới 35 tuổi… Quỹ phát triển nhà ở quốc gia có 2 cấp. Cấp trung ương do Bộ Xây dựng quản lý; ở địa phương, UBND cấp tỉnh quản lý.

Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng tiếp thu các ý kiến phát biểu tại cuộc họp để hoàn thiện Đề án thành lập Quỹ phát triển nhà ở quốc gia và dự thảo Nghị định để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Trước đó, trong cuộc họp với Ban Chính sách, chiến lược Trung ương vào cuối tháng 2, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhắc tới việc thành lập “Quỹ nhà ở quốc gia” nhằm phát triển nhà giá rẻ tại các đô thị lớn. Đầu tháng 3, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu Bộ Tài chính hoàn thành lập quỹ này để huy động nguồn lực phát triển nhà ở xã hội.

Tại dự thảo nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà xã hội, Quỹ phát triển nhà ở quốc gia dự kiến thực hiện ba nhiệm vụ gồm hỗ trợ kinh phí bồi thường, tái định cư; đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật – xã hội và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nhà xã hội. Chính phủ được giao quy định chi tiết mô hình hoạt động, địa vị pháp lý, nguồn ngân sách cấp hằng năm.

Bàn về đề xuất trên, các chuyên gia kỳ vọng quỹ sẽ hỗ trợ người thu nhập thấp và trung bình tiếp cận nhà ở một cách bền vững và minh bạch. Bà Đỗ Thu Hằng – Giám đốc Cấp cao, Bộ phận Nghiên cứu & Tư vấn, Savills Hà Nội cho rằng, trong bối cảnh đô thị hóa nhanh và giá nhà tăng liên tục, việc thành lập Quỹ Nhà ở Quốc gia là “rất cần thiết và cấp bách”.

Chính phủ thống nhất đề xuất lập Quỹ nhà ở quốc gia
Quỹ nhà ở quốc gia có thể là đột phá cho nhà ở giá rẻ.

Quỹ này có thể hỗ trợ người dân thông qua các hình thức mua hoặc thuê nhà với giá phù hợp, đặc biệt là nhóm thu nhập trung bình thấp – những người không đủ điều kiện mua nhà ở xã hội, nhưng cũng không thể tiếp cận nhà ở thương mại. Để vận hành hiệu quả, quỹ cần xác định rõ đối tượng ưu tiên, thiết lập tiêu chuẩn đánh giá khả năng chi trả, và đa dạng hóa nguồn vốn huy động từ ngân sách, doanh nghiệp, người lao động, cũng như các tổ chức quốc tế.

Việc quản lý quỹ nhà ở cần tuân thủ các nguyên tắc minh bạch – công khai – đúng mục đích. Theo đó, các khoản thu chi, danh sách thụ hưởng, tiến độ dự án phải được công bố rộng rãi trên cổng thông tin điện tử. Đồng thời, nên thiết lập một cơ chế giám sát độc lập, cho phép người dân và tổ chức xã hội tham gia theo dõi hoạt động của quỹ, tránh tình trạng tham nhũng, lãng phí hoặc sử dụng sai mục đích.

Ngoài ra, Nhà nước cũng cần ban hành quy định cụ thể về việc xây dựng, phân bổ, và sử dụng quỹ. Điều này bao gồm tiêu chuẩn chất lượng nhà ở, điều kiện bàn giao, và quy định ngăn chặn tình trạng đầu cơ – chuyển nhượng trái phép nhà ở xã hội và nhà ở giá rẻ.

Đồng quan điểm, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, cho rằng quỹ cần có cơ chế phát triển vốn lâu dài theo nguyên tắc “lấy mỡ nó rán nó” chứ không chỉ dừng ở việc chi. Nguồn thu này có thể lấy từ chính phí bảo lãnh chủ đầu tư, người mua nhà hoặc từ cho vay với lãi suất ưu đãi bằng 50-70% mức lãi thị trường, tương đương 5-7%.

Diệu Hoa – Diễn đàn Doanh nghiệp

Bài Viết Liên Quan

Để lại một bình luận

Back to top button