Chiêu thức gom gần 14.000 tỷ đồng trái phiếu của Tân Hoàng Minh

Vì sao Tân Hoàng Minh không trực tiếp phát hành trái phiếu? Đỗ Hoàng Việt, con trai ông Đỗ Anh Dũng, đã góp phần vào việc “làm đẹp”, hợp thức hóa báo cáo tài chính ra sao?

Vì sao Tân Hoàng Minh không trực tiếp phát hành trái phiếu?

Theo kết luận của cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03), thời điểm tháng 6/2021, do thực trạng vay nợ lớn, các dự án mới chưa thể triển khai và ảnh hưởng của tình hình dịch Covid-19, Công ty Tân Hoàng Minh có dư nợ tín dụng là 18.542,6 tỷ đồng gồm 15.851,8 tỷ đồng dư nợ của các công ty liên quan và 2.690,8 tỷ đồng dư nợ các cá nhân tại đứng tên để vay vốn cho tập đoàn này vay vốn.

Tính đến tháng 1/2022, dư nợ tín dụng lên đến 19.967,1 tỷ đồng.

Trước nhu cầu thanh toán nhiều khoản nợ đến hạn và quá hạn, mua bán cổ phần, chuyển nhượng các dự án, chi phí hoạt động của tập đoàn, ông Đỗ Anh Dũng (Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Tân Hoàng Minh) chỉ đạo con trai là Đỗ Hoàng Việt (Phó tổng giám đốc phụ trách Tài chính – kế toán) nghiên cứu phương án, cách thức huy động vốn cho doanh nghiệp.

Đỗ Anh Dũng chỉ đạo Việt cùng lãnh đạo, nhân viên các bộ phận liên quan, Giám đốc, Chủ tịch các công ty thuộc Tân Hoàng Minh triển khai việc phát hành các gói trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ để huy động vốn.

Đỗ Hoàng Việt cùng các đối tượng tại Trung tâm Tài chính – kế toán đã rà soát và thống nhất không sử dụng pháp nhân Công ty Tân Hoàng Minh làm tổ chức phát hành trái phiếu. Do công ty này có nhiều công ty con, công ty liên kết, số liệu tài chính phức tạp, nên không thể kiểm toán báo cáo tài chính kịp tiến độ, với ý kiến chấp nhận toàn phần để đủ điều kiện phát hành.

Vì vậy nhóm này đã chọn 3 công ty con để phát hành trái phiếu riêng lẻ gồm: Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (vốn điều lệ 1.600 tỷ đồng), Công ty cổ phần Đầu tư và dịch vụ khách sạn Soleil (vốn điều lệ 350 tỷ đồng), Công ty cổ phần Cung điện Mùa Đông (vốn điều lệ 216,6 tỷ đồng).

Loại hình trái phiếu không chuyển đổi không kèm chứng quyền, có tài sản đảm bảo để tạo niềm tin, thu hút được nhiều người mua trái phiếu.

Vai trò của Tân Hoàng Minh

Sau đó, Công ty Tân Hoàng Minh (pháp nhân trung gian) ký hợp đồng mua trái phiếu sơ cấp, chạy dòng tiền “khống” để thanh toán trái phiếu, hợp thức phương án phát hành, tạo lập giá trị “ảo” của trái phiếu, hợp thức trái chủ sang cho Tân Hoàng Minh.

Công ty này lấy uy tín, thương hiệu để bán trái phiếu, huy động và chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư thứ cấp, trong đó chủ yếu là người dân không phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Đây là cách để lách quy định về việc trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ chỉ được bán cho nhà đầu tư chuyên nghiệp.

Chiêu thức gom gần 14.000 tỷ đồng trái phiếu của Tân Hoàng Minh
Sơ lược về chiêu thức phát hành trái phiếu để huy động tiền của Tân Hoàng Minh và các công ty con (Đồ họa: Mộc An).

Trong quá trình triển khai, Đỗ Hoàng Việt chỉ đạo các đối tượng tại Trung tâm Tài chính – kế toán làm việc với công ty kiểm toán để “làm đẹp”, hợp thức hóa báo cáo tài chính với ý kiến chấp nhận toàn phần, đủ điều kiện để phát hành và tổ chức chạy dòng tiền “khống” để tạo lập giá trị “ảo” của trái phiếu, hợp thức thanh toán hợp đồng chuyển nhượng trái phiếu sơ cấp và phương án phát hành trái phiếu.

Nhóm này dựng hồ sơ, phương án phát hành “khống” giữa nội bộ các công ty, cá nhân trong Tân Hoàng Minh, thống nhất với các đơn vị cung cấp dịch vụ thẩm định giá, tư vấn phát hành, quản lý tài khoản và quản lý tài sản đảm bảo trái phiếu về các thủ tục liên quan.

3 công ty con kể trên ngụy tạo các hoạt động kinh tế không có thật thông qua các hoạt động “khống” (như hợp đồng mua bán cổ phần, hợp đồng hợp tác đầu tư, hợp đồng đặt cọc…) giữa nội bộ các công ty, cá nhân để làm phương án phát hành các gói trái phiếu riêng lẻ, sử dụng các dạng tài sản, quyền tài sản như quyền sử dụng đất, giá trị cổ phần, vốn góp, tài sản hình thành trong tương lai.

Trong đó có một số loại tài sản chưa hoàn thiện đầy đủ thủ tục pháp lý, chưa đảm bảo giá trị, để thông qua các công ty thẩm định giá ban hành chứng thư và báo cáo thẩm định giá, ghi nhận giá trị tài sản đảm bảo, tạo niềm tin cho người mua trái phiếu.

3 công ty con ký các hợp đồng “giả cách” chuyển nhượng trái phiếu, chạy dòng tiền “khống”  thể hiện việc thanh toán tiền từ công ty Tân Hoàng Minh sang các công ty phát hành, rồi chuyển tiếp tiền cho các cá nhân, tổ chức theo phương án phát hành trái phiếu nhằm hợp thức, tạo lập giá trị “ảo” các gói trái phiếu và trái chủ sơ cấp cho Tân Hoàng Minh.

Nhóm công ty con này phát hành 9 gói trái phiếu, tổng giá trị phát hành là 10.030 tỷ đồng. Sau đó Tân Hoàng Minh ký hợp đồng giả cách mua lại tổng cộng 10.029,96 tỷ đồng, trở thành trái chủ sơ cấp.

Tân Hoàng Minh bán ra và huy động được 13.972,5 tỷ đồng. Trong đó 5.165,3 tỷ đồng là tiền của người mua sau trả cho người mua trước, còn lại chiếm đoạt 8.807,3 tỷ đồng của 6.631 khách hàng.

Nguồn: DÂN TRÍ

Bài Viết Liên Quan

Back to top button