Chiến lược thực thi M&A hiệu quả
Trong bối cảnh thu hút nguồn vốn khó khăn, các doanh nghiệp Việt cần tái cấu trúc chiến lược, tài chính, xây dựng lộ trình và có kế hoạch hành động trong từng giai đoạn để thực thi việc M&A hiệu quả.
Chúng ta đều thấy rằng nhu cầu vốn của các doanh nghiệp hiện nay rất lớn, việc huy động vốn trong nước khó khăn, đặc biệt khi chịu vấn đề về tâm lý đối với thị trường trái phiếu, thị trường bảo hiểm trong giai đoạn vừa qua.
Gia đoạn “săn hàng giá rẻ”
Cùng với đó, bối cảnh kinh tế toàn cầu đang vào giai đoạn suy giảm, dẫn đến các thị trường lớn, các ngân hàng trung ương lớn như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất liên tục và duy trì mặt bằng lãi suất cao; còn Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lại công bố thêm một đợt giảm lãi suất điều hành, tạo ra sự chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và các thị trường lớn đó. Chính vì vậy, sẽ khó để chúng ta hút dòng vốn từ nước ngoài, các giao dịch mua bán sáp nhập từ bên ngoài vào Việt Nam bị hạn chế đi nhiều.
Về định giá các thương vụ M&A hiện nay, tôi có hai góc nhìn đó là: Thứ nhất, ở góc độ người bán là các doanh nghiệp Việt Nam nhìn chung chưa sẵn sàng cho những thương vụ mua bán sáp nhập. Bởi một doanh nghiệp nói chung có hai thị trường gồm thị trường kinh doanh và thị trường ít quen thuộc hơn là tài chính.
Khi tham gia thị trường kinh doanh, các doanh nghiệp bán sản phẩm của họ, thì khi ra thị trường tài chính họ cũng phải có sản phẩm để bán. Và nếu họ không quen, không biết cấu trúc bảng cân đối kế toán, nguồn vốn, vốn chủ sở hữu để mang sản phẩm đó sẵn sàng cho thị trường tài chính, thì định giá sẽ rất khó khăn và không cao.
Thứ hai, là từ phía người mua. Nếu người bán có quyền đưa ra định giá, nhưng định giá đó theo người mua là cao, thì họ sẽ yêu cầu bên bán phải đáp ứng rất nhiều tiêu chí và điều kiện.
Ví dụ, một doanh nghiệp nước ngoài vào mua 40% cổ phần của một doanh nghiệp Việt Nam mà doanh nghiệp này định giá mức giá rất cao, một trong những phương pháp định giá phổ biến là phương pháp dòng tiền chiết khấu. Khi đó, họ sẽ lấy các dòng tiền lợi tức trong tương lai để chiết khấu trong hiện tại và định giá, nếu bên bán định giá cao thì đồng nghĩa với việc dòng tiền trong tương lai phải tạo ra cao.
Như vậy, bên bán sẽ phải chịu những điều kiện cụ thể là các KPI sau thương vụ M&A đó, nên nếu hiểu được điều này, họ sẽ cân đối lại để làm sao đưa ra mức giá phù hợp nhằm để người mua có thể chấp nhận và người bán cũng đáp ứng được các điều kiện hậu M&A.
Vừa qua, trong báo cáo của các đơn vị kiểm toán, tư vấn quốc tế đều nhận định năm 2023 là một năm sôi động của thị trường M&A cả về chất và lượng, đồng thời sẽ tập trung hơn vào nửa cuối năm. Về điều này, tôi hiểu lý do tại sao các hãng kiểm toán, tư vấn quốc tế lại đánh giá như vậy.
Tôi muốn chia sẻ một hiện tượng được gọi là “săn hàng giá rẻ”, vì các nhà đầu tư có tiền ở thời điểm này chính là thời điểm tốt nhất trong việc thâu tóm các dự án, mua lại các doanh nghiệp tại Việt Nam. Câu chuyện “săn hàng giá rẻ” là câu chuyện giằng co giữa người mua và người bán người bán, khi hai bên đều đang đi rà soát xem trên thị trường có ai muốn mua/bán mình hay không.
Nếu bán vào thời điểm này thì định giá của bên bán cũng thấp, do đó họ sẽ phải tìm kiếm, để chắt lọc xem ai thực sự có tiềm lực về tài chính, cũng như khả năng có thể giúp doanh nghiệp nếu hai bên cộng tác với nhau và ngược lại. Người mua cũng vậy họ cũng tìm kiếm đơn vị nào phù hợp với mình, giá cả bao nhiêu, yếu tố pháp lý ra sao,… Vì vậy mới dẫn đến câu chuyện nửa đầu năm nay là lúc các bên giằng co và không có nhiều hoạt động diễn ra.
Mặt khác, một thương vụ M&A thông thường vào giai đoạn khó khăn như hiện tại phải kéo dài tầm 8-9 tháng, thậm chí là 12-15 tháng, nên có thể nó sẽ sôi động vào nửa cuối năm năm. Nhưng để chốt được, thống nhất và công bố, tôi cho rằng phải đến nửa sau của năm 2024 chúng ta mới thấy mọi thứ rõ nét.
Từ đầu năm đến nay, không có quá nhiều giao dịch M&A nhưng một thương vụ lớn đáng chú ý và được coi là thương vụ của năm cho đến thời điểm này, đó là ngân hàng SMBC của Nhật đặt cọc mua lại 15% cổ phần của VPBank, với con số nhiều tỷ USD. Thương vụ này sẽ đóng một vai trò đặc biệt quan trọng không chỉ tác động đến chính bản thân người bán là ngân hàng, mà còn tác động đến yếu tố tâm lý trên thị trường tài chính, đến yếu tố tỷ giá, dòng vốn ngoại tệ chảy vào Việt Nam.
Xu hướng trong dài hạn
Với điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay, thị trường có thể chia thành ba mảng gồm: Tài chính ngân hàng; Bất động sản; và Phần còn lại là sản xuất kinh doanh thương mại, dịch vụ. Tuy nhiên, hai mảng bất động sản và sản xuất kinh doanh đều đang gặp khó do yếu tố đầu ra và nền lãi suất vẫn ở mức khá cao. Do đó, mảng được coi là hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài và cũng là quan trọng nhất ở thời điểm này chỉ còn mảng tài chính ngân hàng.
Ngoài ra, một số ngành đang được đánh giá là có sự hấp dẫn trên thị trường M&A như năng lượng tái tạo, chăm sóc sức khỏe, logistics và giáo dục. Đồng thời có sự chuyển dịch thay vì các nhà đầu tư ngoại, thì cũng có rất nhiều nhà đầu tư nội thấy sự hấp dẫn của thị trường. Thực tế, xu hướng này là không thể đảo ngược và sẽ còn tiếp diễn với những cam kết của các Chính phủ để phát triển bền vững trong môi trường cạnh tranh, nhưng vẫn có thể bảo vệ môi trường, xã hội toàn cầu.
Nhưng xét trong ngắn hạn, đây là một điều khó. Vì chúng ta trông chờ nhiều vào vốn nước ngoài thời điểm này, còn vốn trong nước ở các tập đoàn lớn, các nguồn vốn lớn vẫn đang gặp khó khăn.
Việt Nam có cả một năm 2021 với các thương vụ thâu tóm bất động sản diễn ra sôi động, nhưng thâu tóm đó lại đến từ việc cấu trúc tài chính không bền vững, tức là phát hành trái phiếu, vay nợ ngân hàng để thâu tóm. Từ đó, dẫn đến hệ lụy của thị trường bất động sản như hiện nay cũng như thị trường trái phiếu. Chính vì vậy, tôi cũng không có quá nhiều kỳ vọng trong nửa cuối năm 2023 này, còn xét trong dài hạn, khi nền kinh tế phục hồi, thị trường tài chính phục hồi, thì đó chính là những lĩnh vực trọng yếu thu hút vốn đầu tư.
Chiến lược phù hợp
Để hoạt động M&A hiệu quả, mà bản chất là bên bán cần tìm kiếm vốn của bên mua thì họ cần phải tạo ra một sản phẩm phù hợp với khẩu vị của khách hàng trên thị trường tài chính. Hiện nay, thực trạng ở Việt Nam là phần lớn các doanh nghiệp không sẵn sàng, ngay cả cấu trúc pháp lý của doanh nghiệp cũng không phù hợp với phát hành vốn.
Ví dụ những công ty dưới dạng doanh nghiệp tư nhân, trách nhiệm hữu hạn (TNHH) sẽ khó hơn doanh nghiệp cổ phần, hoặc có những doanh nghiệp cữ mỗi một dự án lại “đẻ” ra một công ty TNHH dẫn đến việc họ có 50-70 công ty TNHH. Làm như vậy thì doanh nghiệp không thể ra thị trường tài chính, nên điều họ cần làm là phải cấu trúc; cân đối lại các hoạt động kinh doanh nào mà họ muốn phát triển, có tiềm năng; xây ra một chiến lược kinh doanh rõ ràng và quy hoạch lại để hợp nhất thành một doanh nghiệp.
Việc cấu trúc lại tài chính là cần thiết, để ra được bảng cân đối kế toán đủ mạnh, đủ minh bạch, trong sạch, vốn chủ sở hữu đủ hấp dẫn. Từ cấu trúc chiến lược kinh doanh kết hợp cấu trúc tài chính thì mới xây được các bản cáo bạch, hồ sơ và bản chào phù hợp với khẩu vị nhà đầu tư.
Tuy nhiên, vai trò của nhà tư vấn M&A rất quan trọng, họ có thể đồng hành từ lúc doanh nghiệp không có gì đến khi ra thị trường. Đặc biệt, cũng không chỉ có một hoạt động M&A trước mắt mà chúng ta muốn có hàng hóa thực sự hấp dẫn cho thị trường tài chính, cho nhà đầu tư thì phải xây một lộ trình đủ dài. Còn nếu nhà đầu tư nước ngoài vào mua một doanh nghiệp trong nước, vốn của họ nằm ở đó nhưng hoạt động kinh doanh, hay các vấn đề về quản trị công ty không được thực thi và nếu họ muốn thoái vốn nhưng không biết bán ở đâu thì cũng là một trở ngại.
Vì vậy, các doanh nghiệp cần phải xây một lộ trình, chiến lược trong dài hạn và có kế hoạch hành động trong từng giai đoạn để thực thi việc M&A hiệu quả.