Chiến Lê: “Người nghe không quan tâm bạn dùng plugin hay analog, họ chỉ nhớ bạn khiến họ cảm thấy gì”
Âm nhạc Việt Nam đang bước vào một giai đoạn phát triển sôi động chưa từng có. Từ phòng thu tại gia đến những studio chuyên nghiệp, từ nghệ sĩ indie đến các tên tuổi hàng đầu, ai cũng đang nỗ lực định hình cá tính bằng âm thanh riêng. Trong dòng chảy đó, công nghệ đóng vai trò then chốt nhưng cũng đặt ra nhiều tranh luận: plugin hay analog, đâu là lựa chọn đúng?
Trong cuộc trò chuyện với Chiến Lê, chuyên gia thu âm mix & master có gần 17 năm kinh nghiệm, người từng đồng hành cùng nhiều ca sĩ nổi tiếng với hàng loạt bản hit triệu view, chúng tôi có dịp lắng nghe một góc nhìn đầy cảm xúc và chân thực về âm nhạc, công nghệ và giá trị cốt lõi của nghề làm nhạc.
Âm nhạc Việt Nam hiện nay đang chuyển mình thế nào về mặt sản xuất, theo anh?
Chiến Lê: Âm nhạc Việt đang phát triển rất nhanh, không chỉ ở khâu sáng tác mà cả trong sản xuất. Khán giả bây giờ nghe có gu hơn, đòi hỏi người làm nhạc phải tinh tế, cập nhật hơn. Công nghệ cũng phát triển mạnh, kéo theo nhiều xu hướng mới có người làm nhạc hoàn toàn bằng phần mềm, có người vẫn trung thành với analog.
Theo anh, công nghệ đã thay đổi cách người ta làm nhạc như thế nào?
Công nghệ giúp âm nhạc đến gần hơn với mọi người. Ngày xưa để thu được một bản nhạc chất lượng là điều xa xỉ, chưa nói đến phát hành. Nhưng giờ đây, một bạn trẻ ở vùng quê vẫn có thể tạo nên một bản hit chỉ với laptop và vài phần mềm cơ bản. Dù vậy, công nghệ phát triển quá nhanh cũng khiến nảy sinh nhiều tranh luận như câu chuyện plugin hay analog đang được quan tâm rất nhiều.
Anh nghĩ plugin có thể thay thế hoàn toàn analog?
Không hẳn. Plugin không thể và cũng không cần thay thế analog. Đây là hai thế giới song song, mỗi bên có ưu nhược điểm riêng. Quan trọng là người làm nhạc biết dùng đúng công cụ để truyền tải cảm xúc cho bài hát.
Với kinh nghiệm của mình, anh đã bao giờ dùng cả analog lẫn plugin trong cùng một dự án chưa?
Tất nhiên là mình vẫn hằng ngày sử dụng song song cả hai. Với mình, plugin là sự tiện lợi, linh hoạt, còn analog cho chiều sâu và màu sắc âm thanh rất riêng. Mình luôn cố gắng kết hợp cả hai để tìm ra “điểm ngọt” phù hợp nhất với bài hát, cảm xúc và cá tính của nghệ sĩ.
Theo anh, điều gì quan trọng nhất trong quá trình thu âm, mix & master?
Nhiều người nghĩ là cái preamp, cái compressor, hay cái plugin nào đó “xịn xò”. Không sai – mấy cái đó có ích thật nhưng với cá nhân tôi, thứ quan trọng nhất vẫn là đôi tai và trái tim.
Đôi tai để nghe được từng chi tiết nhỏ, còn trái tim để cảm được bài hát, cảm được điều ca sĩ đang muốn truyền tải qua câu hát. Có thể dùng EQ ảo hay EQ thật, reverb stock hay reverb vài trăm đô – nhưng nếu ta không cảm được bài hát, thì mọi thứ cũng chỉ là mấy con số trên màn hình,trên thiết bị mà thôi.
Nói vui thì làm nhạc mà không cảm được bài hát cũng như nấu ăn mà không nêm nếm – nhìn đẹp nhưng ăn vào chẳng thấy vị gì. Âm nhạc là để “chạm” vào cảm xúc, để thưởng thức, không phải để đo !
Anh có nghĩ công nghệ khiến âm nhạc trở nên “dễ dãi” hơn?
Không. Công nghệ mở ra cơ hội, chứ không làm người ta dễ dãi. Con người mới quyết định mình dùng công nghệ để sáng tạo hay chỉ sao chép. Một người có chiều sâu vẫn có thể làm nên tác phẩm đầy cảm xúc dù chỉ với những thiết bị rất cơ bản.
Nhiều bạn trẻ mới vào nghề hay mặc cảm vì không có thiết bị analog đắt tiền. Anh nghĩ sao?
Mình rất hiểu cảm giác đó. Ngày xưa, mình cũng từng thu một bài hát bằng chiếc mic rẻ tiền và sound card bình dân trong căn gác nhỏ, không điều hòa, không cách âm. Nhưng hôm đó giọng hát của bạn ca sĩ như đang tâm sự thật sự, không còn là “hát” nữa.
Mình giữ nguyên take đó. Sau này bài hát lên sóng, đạt thứ hạng cao và được yêu thích không ai hỏi nó được thu bằng thiết bị gì. Họ chỉ hỏi: “Sao bài này khiến tôi xúc động vậy?”
Vậy nên mình luôn nói: thiết bị nâng tầm cảm xúc, không tạo ra cảm xúc. Cái cần đầu tư là đôi tai, trái tim và sự chân thật.
Anh có lời khuyên nào để các bạn trẻ không bị “cuốn” vào việc chạy theo thiết bị?
Hãy bắt đầu với những gì bạn đang có. Làm nhạc bằng tình yêu thật sự đó là thứ không phần mềm hay máy móc nào thay thế được. Cảm xúc là tài sản lớn nhất của người làm nhạc. Không ai yêu cầu bạn phải có phòng thu bạc tỷ mới tạo ra được sản phẩm chạm đến trái tim người khác.
Nếu có một thông điệp gửi tới cả hai “phe” plugin và analog, anh sẽ nói gì?
Hãy nhớ lý do bạn đến với âm nhạc: vì yêu. Đừng để công nghệ hay cái tôi khiến mình quên mất điều đó.
Plugin là hơi thở của hiện đại, analog là hơi thở của thời gian – cả hai tồn tại song song để tạo nên giá trị nghệ thuật. Hãy lắng nghe, học hỏi lẫn nhau để cùng cống hiến cho nghệ thuật và tạo ra những tác phẩm mang lại giá trị cảm xúc sống mãi với thời gian.
Và hãy nhớ một điều: “Người nghe nhạc không quan tâm bạn dùng gì – họ chỉ nhớ bạn làm họ cảm thấy gì thôi.”
Lê Hằng