Chi phí tăng cao “ăn mòn” lợi nhuận của ACL
Trong bối cảnh ngành thủy sản vẫn chưa thể hồi phục, cùng với các khoản chi phí tăng cao, đã kéo lợi nhuận năm 2024 của ACL sụt giảm mạnh 90% so với cùng kỳ.
Theo báo cáo tài chính quý IV/2023, Công ty CP XNK Thủy sản Cửu Long An Giang (HoSE: ACL) ghi nhận doanh thu tăng trưởng 56% so với cùng kỳ, lên gần 414 tỷ đồng. Song song đó, giá vốn cũng tăng tương ứng 56% so với cùng kỳ, lên 360 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp của doanh nghiệp cũng tăng 58% so với cùng kỳ, lên 54 tỷ đồng.
Trong kỳ, các khoản chi phí của doanh nghiệp đều tăng mạnh so với cùng kỳ. Tăng mạnh nhất là chi phí bán hàng, tăng 123%, lên gần 26 tỷ đồng; kế đến là chi phí quản lý tăng 89%, lên 17,4 tỷ đồng; chi phí lãi vay tăng 14%, lên 11,4 tỷ đồng. Tất cả những yếu tố trên đã kéo lợi nhuận của doanh nghiệp sụt giảm 69% so với cùng kỳ, xuống chỉ còn 1,3 tỷ đồng.
Lũy kế cả năm 2023, ACL ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.117 tỷ tỷ đồng, đồn giảm 7% so với năm 2022. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ đạt 12 tỷ đồng, giảm mạnh tới 90% so với năm trước. Với kết quả này, doanh nghiệp chỉ mới hoàn thành 18% mục tiêu lãi trước thuế cả năm 2023.
Tại ngày 31/12/2023, tổng tài sản của ACL đạt hơn 1.751 tỷ đồng, tăng 18% so với đầu năm. Trong đó, ngoài hàng tồn kho chiếm giá trị lớn nhất 1.093 tỷ đồng, tiếp đến là các khoản phải thu ngắn hạn với gần 222 tỷ đồng.
Đáng chú ý, doanh nghiệp đã trích lập gần 19 tỷ đồng dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi, đều quá hạn trên 3 năm. So với đầu năm, trừ Sata Fish Ltd, ACL đều phải trích thêm dự phòng đối với các tổ chức khác, lớn nhất là Kanpa International Sales.
Ở khoản mục đầu tư tài chính (dài hạn), ACL đầu tư vào trái phiếu ngân hàng VietinBank An Giang với giá trị 1 tỷ đồng. Còn lại là khoản đầu tư vào Công ty CP Tô Châu, ghi nhận theo giá gốc là 3,6 tỷ đồng, nhưng đã trích lập dự phòng 100% cho khoản đầu tư này.
Theo thuyết minh, khoản đầu tư cổ phiếu tại Tô Châu được thực hiện theo hợp đồng mua cổ phiếu tháng 2/2008 với số lượng 1 triệu cổ phiếu, tương đương 10% vốn điều lệ, mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Nhưng đến tháng 5/2008, ACL có công văn ngưng góp vốn thêm, theo đó, ACL chỉ mua 300 ngàn cổ phiếu với giá 12.000 đồng/cổ phiếu. Tại ngày kết thúc kỳ kế toán, ACL nắm giữ 3% vốn điều lệ của Tô Châu.
Theo Chứng khoán Phú Hưng (PHS), ngành thuỷ sản Việt Nam đã chứng kiến một năm đầy khó khăn với kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản trong 11tháng năm 2023 giảm 19% so với cùng kỳ đạt 8,3 tỷ USD. Trong đó, tôm là mặt hàng thuỷ sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu tôm hàng năm chiếm từ 35% – 45% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả ngành thủy sản.
Luỹ kế 11 tháng năm 2023, xuất khẩu tôm Việt Nam giảm 23% đạt 3,1 tỷ USD. Lạm phát gia tăng, tồn kho từ năm 2022 còn cao, cạnh tranh khốc liệt với các quốc gia khác có giá bán thấp hơn là những yếu tố chính làm giảm xuất khẩu tôm.
Trong 11 tháng năm 2023, Mỹ là thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam với trị giá xuất khẩu giảm 17% so với cùng kỳ, đạt 640 triệu USD. Trong khi đó, Trung Quốc đã vượt Nhật Bản để trở thành thị trường xuất khẩu tôm lớn thứ 2 của Việt Nam với kim ngạch đạt 569 triệu USD, giảm 4% so với cùng kỳ.
Với cá tra, luỹ kế 11 tháng năm 2023, xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt 731 nghìn tấn, giảm 9,1% so với cùng kỳ với trị giá đạt 1,68 tỷ USD, giảm 26,5% so với cùng kỳ. Xuất khẩu cá tra Việt Nam đã có dấu hiệu phục hồi nhẹ từ tháng 8/2023 khi ghi nhận mức tăng trưởng về sản lượng so với cùng kỳ đạt 9,5% so với cùng kỳ.
“Trung Quốc, Mỹ, EU là những thị trường nhập khẩu cá tra lớn của Việt Nam, chiếm 58% tổng giá trị xuất khẩu. Trong 11 tháng năm 2023, xuất khẩu cá tra sang Trung Quốc đạt 505 triệu USD, giảm 25,1%. Thị trường Mỹ cũng giảm nhập khẩu cá tra Việt Nam do tồn kho từ năm 2022 còn nhiều và chỉ đạt 249 triệu USD, giảm 53,4% so với cùng kỳ, PHS cho biết.
Theo PHS, trong cơ cấu chi phí nuôi trồng thuỷ sản, chi phí thức ăn thuỷ sản luôn chiếm khoảng 75%. Trong đó, khô đậu tương là mặt hàng nguyên liệu chính, chiếm khoảng 80% – 90% giá thành thức ăn thuỷ sản.
Hiện nay, giá khô đậu tương đã giảm 21% so với mức đỉnh hồi tháng 3/2022, tuy nhiên vẫn đang neo ở mức cao. Trong khi chi phí đầu vào vẫn đang ở mức cao, các hộ nuôi hiện đang vật lộn với áp lực tài chính không nhỏ khi giá tôm nguyên liệu và giá cá nguyên liệu liên tục giảm.
Tính đến tháng 8/2023, giá tôm thẻ nguyên liệu cỡ 100 con/kg đã giảm 19% so với cùng kỳ chỉ đạt khoảng 75.000 VND/kg. Giá cá tra nguyên liệu cỡ 850gr – 1kg/con cũng giảm còn 25.500 VND/kg, giảm 13,4% so với cùng kỳ tính đến tháng 11/2023. Tình trạng giá tôm và cá nguyên liệu liên tục giảm đã dẫn đến việc các hộ nuôi bỏ ao nuôi trong những tháng gần đây.
Công ty Chứng khoán này nhận định, trong năm 2024, ngành tôm và cá tra toàn cầu được dự đoán vẫn phải vật lộn với thách thức dai dẳng từ tình trạng dư cung với sản lượng tôm và cá tra toàn cầu được dự đoán sẽ đạt lần lượt khoảng gần 5.900 tấn, tăng 4,6% so với cùng kỳ và 3.200 tấn, tăng 3% so với cùng kỳ. Theo đó, sản lượng tôm từ Ecuador ước tính tăng 7% so với cùng kỳ lên 1,5 triệu tấn. Ấn Độ cũng dự kiến sẽ duy trì sản lượng tôm ở mức 700 nghìn tấn vào năm 2024.
“Sự bất ổn vẫn sẽ tồn tại đối với các nhà sản xuất tôm và cá tra Châu Á, có khả năng dẫn đến giảm mật độ thả giống vào đầu năm 2024 và kéo theo đó là những điều chỉnh nguồn cung trong dài hạn. Hiệu quả hoạt động của ngành thủy sản sẽ phụ thuộc vào động lực nhu cầu, trong đó các thị trường phát triển không có dấu hiệu suy giảm và tăng trưởng kinh tế thúc đẩy khả năng phục hồi về nhu cầu và giá tôm”, PHS đánh giá.