Chỉ chọn thuốc lá làm nóng để quản lý: Lợi bất cập hại
Hải quan Thế giới xếp thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng vào chung phân nhóm thuốc lá thế hệ mới với cùng một mã hóa hàng hóa để các quốc gia căn cứ vào đó đề ra chính sách quản lý phù hợp.
Theo định hướng mới nhất của Bộ Công thương, Việt Nam có thể cấm thuốc lá thế hệ mới hoặc có thể chọn lọc cho kinh doanh từng loại thay vì làm theo thông lệ quốc tế.
Ý kiến trình bày của Bộ Công Thương trước Quốc hội cho thấy Bộ Công Thương đang xem xét các phương án để quản lý đối với thuốc lá thế hệ mới, bao gồm hai loại phổ biến nhất trên thị trường hiện nay là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng.
Thuốc lá điện tử tràn ngập nhưng Nhà nước không thu được thuế
Theo đó, một mặt Bộ Công Thương sẽ đề ra chính sách quản lý theo hướng tiệm cận nhất với đề xuất cấm thuốc lá thế hệ mới của Bộ Y tế; mặt khác, Bộ sẽ đưa thuốc lá thế hệ mới vào đối tượng điều chỉnh của Nghị định thay thế Nghị định số 67/2013/NĐ-CP về kinh doanh thuốc lá để có hình thức quản lý phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Dự kiến, Bộ Công Thương sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định nêu trên trong quý 4/2023, tức là sẽ sửa đổi khung pháp lý để mở đường cho thuốc lá thế hệ mới được phép kinh doanh tại Việt Nam.
Như vậy, Bộ Công Thương có thể “mở” hoặc “cấm” cùng lúc cho hai loại sản phẩm thuốc lá thế hệ mới phổ biến nhất hiện nay là thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng, hoặc “cấm” với loại này và “mở” với loại kia, hoặc chỉ “mở” đối với một số sản phẩm của hai loại này và còn lại là “cấm”. Trong số những phương án này, nếu đi theo phương án chỉ mở cửa cho thuốc lá làm nóng trước, các chuyên gia cho rằng bước đi này cần phải thực hiện thận trọng để tránh những bất cập, hệ lụy có thể nhìn thấy trước.
Thứ nhất, nếu chỉ mở cửa cho thuốc lá làm nóng, việc thiếu vắng khung pháp lý đối với thuốc lá điện tử sẽ khiến thuốc lá điện tử nhập lậu vẫn tràn ngập thị trường nhưng Nhà nước không thu được thuế, không quản lý được dẫn đến mất ổn định xã hội.
Thực tế cho thấy, thuốc lá điện tử đang chiếm 90% thuốc lá thế hệ mới nhập lậu vì nhu cầu của người tiêu dùng, trong khi thuốc lá làm nóng chỉ chiếm khoảng 10%. Theo một khảo sát điều tra tình hình sử dụng thuốc lá tại 34 tỉnh thành vào năm 2020 của Viện Chiến lược và chính sách y tế (Bộ Y tế) cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử đã tăng tới 18 lần.
Đặc biệt, theo các chuyên gia, việc cấm thuốc lá điện tử là đi ngược lại với tinh thần của các quy định pháp luật hiện hữu của Việt Nam hiện nay vì thuốc lá điện tử không nằm trong danh mục hàng hóa bị cấm kinh doanh theo Luật Đầu tư.
Tính tương đồng không thể bàn cãi
Theo các chuyên gia, cơ chế hoạt động của thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng có sự tương đồng khi không sử dụng phương pháp đốt cháy như thuốc lá truyền thống mà sử dụng thiết bị điện tử để chuyển hóa thành khí hơi (aerosol) có chứa nicotin. Đặc tính kỹ thuật khác biệt với thuốc lá truyền thống giúp người dùng có thể tiếp cận nicotin mà không phải hít khói thuốc lá độc hại, có tiềm năng trong việc giảm thiểu rủi ro cho người sử dụng và cả cộng đồng.
Thành phần của dung dịch thuốc lá điện tử chứa nicotin và điếu thuốc lá làm nóng cũng không có sự khác biệt đáng kể. Cả thuốc lá điện tử chứa nicotine và thuốc lá làm nóng đều có thành phần chứa nicotin từ hoặc được chiết xuất từ thuốc lá, thành phần phụ gia giống nhau và đều có hương liệu.
Với đặc tính kỹ thuật và thành phần tương đồng này, Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO) đã xếp thuốc lá làm nóng và dung dịch thuốc lá điện tử vào cùng một phân nhóm mới (HS 2404 biệt lập với phân nhóm HS 2402 với thuốc lá điếu truyền thống. Phù hợp với hướng dẫn của WCO, Bộ Tài chính cũng đã ban hành Thông tư 31/2022/TT-BTC ngày 08/6/2022 về Danh mục hàng hóa Xuất nhập khẩu 2022, qua đó, dung dịch thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng cùng thuộc phân nhóm mới là 2404.
Thiết bị điện tử của cả thuốc lá làm nóng và thuốc lá điện tử đều được WCO và Bộ Tài Chính phân loại vào chung mã HS 8543.40.00 – Các thiết bị điện tử có chức năng hóa hơi. Điều này giúp tạo sự nhất quán cũng như thiết lập được cơ sở pháp lý ban đầu trong việc quản lý, kiểm soát và phân loại đối với thuốc lá điện tử và thuốc lá làm nóng.
Khung pháp lý cần đồng bộ và toàn diện
Như vậy, việc chỉ cho phép lưu thông trước thuốc lá làm nóng, nếu có, sẽ làm khung chính sách thiếu toàn diện, gây bất bình đẳng trong chính sách quản lý, không giải quyết được vấn đề thực trạng thị trường thuốc lá thế hệ mới hiện nay, làm cho mặt trận chống thuốc lá lậu diễn biến phức tạp do thiếu vắng thuốc lá điện tử hợp pháp, trong khi đây mới là nhu cầu chính của người tiêu dùng tại Việt Nam.
Thuốc lá điện tử có hai loại: hệ thống đóng và hệ thống mở. Thuốc lá điện tử hệ thống đóng có chứa nicotin được sản xuất theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt của nhà sản xuất phù hợp với quy chuẩn hoặc tiêu chuẩn quốc gia với đầu chứa dung dịch được đóng kín, nhà bán lẻ, hay người dùng không thể thêm bớt, hay điều chỉnh được dung dịch. Điều này khác với thuốc lá điện tử có thiết kế mở (thường được gọi là thuốc lá điện tử hệ thống mở) mà trong đó, các chất khác có thể được thêm vào bởi chính người tiêu dùng, các nhà phân phối tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe người tiêu dùng. Đây cũng là loại đang được nhập lậu nhiều vào Việt Nam và cần có sự kiểm soát chặt chẽ từ các lực lượng chức năng.
Do đó, các chuyên gia cho rằng ở thời điểm hiện tại chỉ nên cho phép lưu thông thuốc lá điện tử hệ thống đóng có chứa nicotin, cùng với thuốc lá làm nóng, để người dùng có thể được tiếp cận với các sản phẩm được kiểm soát nghiêm ngặt hơn trong việc đảm bảo phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn, giảm thiểu các rủi ro dùng loại sản phẩm có thể bị bổ sung thêm các chất có hại, gây nhiều hệ lụy cho sức khỏe.
Phân tích của chuyên gia cũng cho thấy, dưới góc độ kỹ thuật, thuốc lá điện tử hệ thống đóng có chứa nicotin và thuốc lá làm nóng đều có đặc tính kỹ thuật tương đồng nhau, đều nằm trong cùng phân nhóm sản phẩm thuốc lá không có quá trình đốt cháy, cả hai đều có sử dụng hương liệu, đều phù hợp với định nghĩa của sản phẩm thuốc lá theo Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá 2012, nên cần được cho phép lưu hành cùng lúc, tạo sự đồng bộ trong quản lý, giúp Chính phủ đánh giá được tác động kinh tế – xã hội để xây dựng các chính sách phù hợp nhất và áp dụng lâu dài, tránh sự phân biệt đối xử ngay từ giai đoạn thiết kế chính sách.
Theo khoản 1, Điều 2, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá 2012, thuốc lá được định nghĩa như sau: “Thuốc lá là sản phẩm được sản xuất từ toàn bộ hoặc một phần nguyên liệu thuốc lá, được chế biến dưới dạng thuốc lá điếu, xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác”. “Nguyên liệu thuốc lá” theo Điều 2.3 của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá được định nghĩa như sau: “Nguyên liệu thuốc lá là lá thuốc lá dưới dạng rời, tấm đã sơ chế tách cọng, sợi thuốc lá, cọng thuốc lá và nguyên liệu thay thế khác dùng để sản xuất thuốc lá”.
Như vậy, chiếu theo hai quy định này, thuốc lá thế hệ mới dù là thuốc lá làm nóng hay thuốc lá điện tử có chứa nicotin đều là sản phẩm thuốc lá thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và nên được đưa vào phạm vi điều chỉnh của Nghị định thay thế Nghị định 67/2013/NĐ-CP về kinh doanh thuốc lá. Vì vậy, không có lý do gì đủ thuyết phục để chỉ mở cửa cho thuốc lá làm nóng được kinh doanh trước theo Nghị định thay thế trong khi lại cấm thuốc lá điện tử.
Theo báo cáo của WHO tháng 7/2023 về việc Bảo vệ con người khỏi khói thuốc, đã có 87 quốc gia ban hành khung pháp lý để cho phép lưu thông và kiểm soát thuốc lá điện tử.
Theo tài liệu Heated Tobacco Products information sheet (Thông tin về thuốc lá làm nóng) của WHO ban hành năm 2020, thuốc lá làm nóng được bán ở trên 40 quốc gia tính đến tháng 7/2019. Trong khi đó, theo thống kê của trang Global Tobacco Control, tính đến nay, có 43 quốc gia đã quản lý thuốc lá làm nóng theo các phân nhóm khác nhau.Như vậy có thể thấy, số lượng các quốc gia trên thế giới cho phép lưu thông thuốc lá điện tử nhiều hơn so với thuốc lá làm nóng.