Chỉ 7 doanh nghiệp niêm yết trong rổ VN100 có báo cáo đầy đủ về ESG
TTCK hiện có hơn 1.700 doanh nghiệp trên cả 3 sàn HoSE, HNX, UPCoM, nhưng thực chất mới chỉ có khoảng 7 doanh nghiệp trong top vốn hóa lớn thực thi báo cáo đầy đủ ở cả ba khía cạnh ESG.
Đây là một trong những thông tin được bà Trần Thị Anh Đào – Phó Tổng Giám đốc phụ trách Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) – chia sẻ.
Phó Tổng Giám đốc HoSE cho biết, trên thị trường chứng khoán, hiện các doanh nghiệp niêm yết (DNNY) đã chú ý đến thực hiện báo cáo phát triển bền vững với việc công bố các mục tiêu tương ứng cho từng chỉ tiêu được báo cáo, tuy nhiên thực tế với giải thưởng thường niên về báo cáo phát triển bền vững (ESG) đã qua hơn 9 năm, thì nhiều doanh nghiệp vẫn thiếu việc phân tích kết quả thực hiện xuyên suốt qua các năm; chưa thể hiện được sự tích hợp của các hoạt động ESG từ chiến lược tới kế hoạch, hành động và báo cáo; thiếu phân tích các hoạt động ESG (môi trường, xã hội và quản trị) xuyên suốt chuỗi cung ứng của doanh nghiệp.v.v
Đáng nói là thống kê số liệu của các DNNY trong rổ VN100 – chỉ số thị trường được xây dựng bởi HoSE dựa trên các tiêu chí đánh giá quốc tế của FTSE 100, bao gồm 100 mã cổ phiếu có giá trị vốn hoá lớn nhất, khả năng thanh khoản và tỷ lệ tự do chuyển nhượng cao nhất sàn HoSE; và 100 mã cổ phiếu này ứng với 100 công ty đang lớn mạnh nhất của Việt Nam – thì chỉ có 12 doanh nghiệp có báo cáo thống kê theo phạm vi khí phát thải nhà kính; thậm chí, chỉ có 7 doanh nghiệp là có số liệu đầy đủ ở 3 khía cạnh.
Đây là một vấn đề cho thấy để thúc đẩy hoạt động ESG và minh bạch thông tin thì bản thân các doanh nghiệp phải có nhận thức đầy đủ và tuân thủ các quy định về báo cáo ESG một cách đầy đủ hơn nữa, bà Đào phát biểu trong tọa đàm “Kinh tế Tuần hoàn: Từ thực tế đến chính sách” do Báo TN&MT và CLB Báo chí Phát triển xanh hướng đến Netzero Carbon tổ chức sáng nay tại TP HCM; đồng thời cho rằng rất cần báo chí truyền thông lan tỏa, thúc đẩy nỗ lực thực thi báo cáo có số liệu với các khía cạnh đầy đủ về khí phát thải nhà kính, là trách nhiệm của các doanh nghiệp đi đầu.
Cũng liên quan đến ESG và vấn đề nhận thức đến hành động của doanh nghiệp, bà Lê Thị Ngọc Mỹ – Giám đốc phát triển Bền vững HEINEKEN Việt Nam – chia sẻ, xuất xứ từ thực tế của HEINEKEN Việt Nam, những điểm mấu chốt để áp dụng thành công mô hình kinh tế tuần hoàn, gồm: Thứ nhất là nâng cao nhận thức và năng lực: sau nhiều năm áp dụng kinh tế tuần hoàn theo mô hình 3Rs (Reuse, Reduce và Recycle), trong tiếng Việt là Tái sử dụng, Giảm thiểu và Tái chế; Thứ hai là lan tỏa thực hành trong cả công việc và cuộc sống hàng ngày; Thứ ba và điểm chính cuối cùng là truyền thông: chia sẻ và lan tỏa thực hành kinh tế tuần hoàn trong nội bộ công ty cũng như bên ngoài nhằm chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi và nhân rộng các thực hành tốt và khuyến khích sáng tạo trong thực hành kinh tế tuần hoàn.
Ông Khuất Quang Hưng – Giám đốc Đối ngoại và Truyền thông Nestle- thì cho rằng, để chuyển đổi thành công sang mô hình kinh tế tuần hoàn cần đảm bảo 3 nguyên tắc, bắt đầu từ thay đổi thiết kế sản phẩm, gồm: Loại bỏ rác thải và ô nhiễm; tăng vòng đời sản phẩm và nguyên vật liệu; tái tạo các hệ sinh thái tự nhiên. Đồng thời, mô hình này cần được doanh nghiệp áp dụng trong 5 giai đoạn: Cải tiến thiết kế sản phẩm nhằm tăng khả năng tái chế và tái sử dụng; quá trình sản xuất hạn chế/ không tạo ra rác thải; tiêu dùng có trách nhiệm; quản lý rác thải; và biến chất thải thành nguồn nguyên liệu giá trị thông qua việc tái sử dụng và tái chế. Trong đó, khâu thiết kế đóng vai trò quan trọng vì có thể giúp giảm rác thải ngay từ lúc sản phẩm chưa đến tay người tiêu dùng.
Ở góc độ ngành, ông Nguyễn Quốc Khanh – Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA) – cho biết, với cam kết về mục tiêu Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 và cam kết chống suy thoái rừng theo quy định chống phá rừng EUDR của Ủy ban châu Âu sẽ áp dụng vào cuối năm 2024, ngành gỗ vừa có cơ hội lớn lâu dài lại vừa có thách thức trước mắt.
Theo ông Khanh, ngành gỗ được hưởng lợi từ xu hướng sử dụng các vật liệu gỗ thay thế cho cho các vật liệu có phát thải cao như kim loại, nhựa, bê tông… Bên cạnh đó, gỗ không chỉ được sử dụng nhiều trong sản phẩm nội thất như trước đây, mà sẽ có cơ hội lớn trong nghành xây dựng với Mass Timber (gỗ cấu kiện lớn). Ngoài ra, vật liệu từ gỗ cũng sẽ được dùng nhiều trong ngành năng lượng sinh khối tái tạo (renewable biomass energy), ngành tiêu dùng, bao bì… vì khả năng phát thải thấp, dễ phân hủy và tái chế. “Với khả năng phát thải âm, ngành công nghiệp gỗ và đặc biệt là lâm nghiệp có thể đạt lượng tín chỉ carbon để giao dịch bù đắp cho các ngành công nghiệp khác”- ông Khanh nhận định.
Do đó, ông cho rằng có cơ hội về tín chỉ carbon trong ngành công nghiệp gỗ sẽ đến từ carbon lâm nghiệp. Cụ thể, Việt Nam có 14,2 triệu hecta rừng, chiếm 42% diện tích đất nước, trong đó có 7 triệu hecta trừng trồng sản xuất. Ở hai khu vực rừng tự nhiên và trừng trồng sản xuất này, nếu biết quản trị hiệu quả, chứng minh được sự tăng trưởng sinh khối và giảm phát thải, thì đây chính là nguồn tín chỉ carbon dồi dào. “Vừa qua Việt Nam đã nhận được hơn 41 triệu USD đầu tiên (tương đương với 10,3 triệu tín chỉ carbon) từ Ngân hàng Thế giới (WB) do chuyển nhượng tín chỉ carbon rừng”- ông Khanh chia sẻ.
Tuy vậy, ông Khanh cho rằng thách thức để doanh nghiệp tham gia vào thị trường carbon rất lớn. Vì vậy ngoài việc có các chính sách pháp luật, rất cần có một cơ sở hạ tầng hỗ trợ cho thị trường này gồm cả xây dựng cơ sở dữ liệu cho quản trị, chuyển đổi số, sự vào cuộc các định chế ngân hàng, bảo hiểm cần vào cuộc để tạo ra cơ chế thúc đẩy trồng rừng gỗ lớn, vừa tạo đầu ra có giá trị gia tăng cao, vừa thêm thu nhập từ tín chỉ carbon.
Trong khi đó, TS. Lê Xuân Nghĩa – Chuyên gia kinh tế, Viện trưởng Viện Tài chính Carbon – tiết lộ, Viện này đã “sở hữu” một cánh rừng riêng để nghiên cứu và từ đó xác định cơ chế trao đổi tín chỉ carbon công bằng đối với rừng mưa nhiệt đới.
Ở các ngành khác, chẳng hạn như hàng không, ông cho rằng mô hình kinh tế tăng trưởng của con người đang gây tác động mạnh nhưng sẽ rất khó có nguyên vật liệu năng lượng đầu vào thay thế, chẳng hạn như sẽ rất khó sử dụng năng lượng mặt trời, điện gió, hay khí hydro để thay thế năng lượng xăng dầu vốn đang tạo phát thải cao. Do đó trong tương lai, cần có sự thay đổi và phải có sự vào cuộc, với cơ chế “đánh rất nặng” của Nhà nước đối với thuế carbon, không cấp phép phát thải giá rẻ, dễ dàng, thay đổi bức tranh tín chỉ carbon ở châu Âu cao giá nhưng ở các nước châu Á, như Việt Nam, lại khá rẻ….Qua đó mà thay đổi nhận thức của doanh nghiệp.