“Chảy máu” khoáng sản tại Phú Yên – Bài 8: Hơn 100.000m3 cát đi đâu về đâu?
Khai thác vượt qua code +2m (trong giấy phép) là 47.746,0m3; trữ lượng khai thác cát ngoài diện tích cấp phép là 90.949,0m3; trữ lượng ngoài diện tích cấp phép từ 25 – 31/7/2023 là 2.109,0m3.
Đó là Kết luận của Đoàn đoàn địa chất 501 – Liên đoàn địa chất Trung Trung bộ về kết qủa đo đạc hiện trạng trong diện tích cấp phép của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Huy Phú, và xác định trữ lượng khai thác xung quanh khu vực mỏ cát VLXD thông thường sông Đà Rằng, thôn Phước Bình Bắc, xã Hoà Thành, thị xã Đông Hoà, tỉnh Phú Yên.
Hơn 100.000m3 cát đi đâu?
Cụ thể, theo Kết luận của Đoàn địa chất 501, khối lượng đo hiện trạng, khảo sát và tính toán trữ lượng còn lại trong diện tích cấp phép khai thác, trữ lượng khai thác xung quanh khu vực mỏ đã được Đoàn địa chất 501 thực hiện theo đúng yêu cầu của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Yên. Quá trình trình thi công có sự giám sát trực tiếp của Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài nguyên thị xã Đông Hoà, đại diện UBND xã Hoà Thành và Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Huy Phú; Công tác đo đạc đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, khách quan, trung thực.
Kết quả đạt được đã làm rõ được đặc điểm địa hình khu vực khai thác; xác định chính xác các moong khai thác và độ cao khai thác tại khu mỏ, các điểm ngập nước, khu vực bãi san gạt. Diện tích âm so với code khai thác cho phép +2m là 2,6ha; độ sâu khai thác vượt code từ +2m đến -3,5m, bình quân là 2,75m.
Tính toán xác định được trữ lượng cát còn lại trong diện tích cấp phép là 5.589,0m3; trữ lượng cấp phép trong Giấy phép khai thác số 75/GP-UBND ngày 12/12/2016 là 86.414,0m3, thì tính đến ngày 31/7/2023, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Huy Phú đã khai thác là 80.825,0m3.
“Trữ lượng khai thác vượt qua code +2m (trong diện tích cấp phép khai thác) tính đến thời điểm ngày 31/7/2023 là 47.746,0m3; Trữ lượng cát đã khai thác (ngoài diện tích cấp phép khai thác) tính đến thời điểm ngày 31/7/2023 là 90.949,0m3; Trữ lượng cát đã khai thác (ngoài diện tích cấp phép khai thác) tính từ ngày 25/7/2023 đến thời điểm đo ngày 31/7/2023 là 2.109,0m3”.
Như vậy, căn cứ từ kết quả đo đạc của Đoàn đoàn địa chất 501 – Liên đoàn địa chất Trung Trung bộ về kết qủa đo đạc hiện trạng trong diện tích cấp phép của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Huy Phú, cho thấy: căn cứ theo báo cáo của Công ty Huy Phú thì doanh nghiệp này mới chính thức vận hành, khôi phục từ ngày 01/07/2023 (sau 16 tháng tạm ngưng kể từ ngày 1/4/2022 do thực hiện quyết định xử phạt quyết định hành chính), đến thời điểm đo đạc ngày 31/7/2023 của Đoàn địa chất 501, thì khối lượng được xác định khai thác vượt qua code +2m (trong diện tích cấp phép khai thác) là 47.746,0m3.
Chưa kể, trữ lượng cát đã khai thác (ngoài diện tích cấp phép khai thác) tính đến thời điểm ngày 31/7/2023 là 90.949m3.
Đáng chú ý, chỉ trong vòng 1 tuần từ ngày 25/7/2023 đến thời điểm đo ngày 31/7/2023 thì con số đã lên tới 2.109,0m3, tức mỗi ngày đơn vị này khai thác lên tới hàng trăm m3 cát, trong khi theo quy định thì một năm Công ty Huy Phú chỉ được phép khai thác 10.000m3/năm.
Đáng nói, theo Giấy phép khai thác số 75/GP-UBND ngày 12/12/2016 Dự án khai thác mỏ cát trên sông Đà Rằng do Công ty TNHH Đầu tư và phát triển Huy Phú làm chủ đầu tư, được UBND tỉnh Phú Yên ký quyết định cấp giấy phép khai thác khoáng sản số 75/GP- UBND, ngày 12/12/2016.
Theo đó, diện tích khu vực khai thác cát là 3 ha; Mức sâu khai thác tính từ bề mặt +2m; Trữ lượng địa chất cấp 122: 86.414m3; Trữ lượng khai thác: 101.104,38m3 (cát nguyên khai); Công suất khai thác 10.000m3/năm; Thời gian khai thác 10 năm.
Nếu căn cứ trữ lượng khai thác cát vượt độ sâu và khai thác ngoài phạm vi cấp phép; trữ lượng đã khai thác trong giấy phép, thì Công ty Huy Phú đã khai thác vượt trong giấy phép hơn 100.000m3 cát.
Cũng cần nói rõ rằng, tính chất, địa chất, khí hậu đối với sỏi dưới lòng sông có tính chất đặc thù là mỗi khi trời mưa, lũ thì trữ lượng cát sẽ được bồi đắp hàng năm; lượng cát từ thượng nguồn sẽ chạy về. Như vậy, theo quy định thì hàng năm doanh nghiệp khi khai thác phải báo cáo rõ cho cơ quan chức năng biết về số lượng đã khai thác, số lượng còn lại để tiện cho việc quản lý cũng như thể hiện sự chấp hành nghiêm chỉnh những quy định của pháp luật về khai thác khoáng sản của doanh nghiệp (chủ mỏ).
Song, trong câu chuyện này, những câu hỏi được cử tri quan tâm là hơn 100.000m3 cát này đã đi đâu về đâu? Việc khai thác vượt độ sâu trái quy định trong giấy phép hơn 47.000 m3 cát; khai thác ngoài phạm vi (trái phép) hơn 90.000m3 cát sẽ được xử lý như thế nào? Ngoài việc xử phạt hành chính, đóng cửa mỏ; thu hồi giấy phép thì có tiếp tục xử lý hình sự đối với vụ việc này hay không, đang được cử tri cả nước và nhân dân tỉnh Phú Yên đặc biệt quan tâm.
Cần mạnh tay xử lý
Liên quan tới loạt bài phản ánh của Diễn đàn Doanh nghiệp về tình trạng “Chảy máu” khoáng sản tại Phú Yên, ông Hồ Đắc Thạnh – Anh hùng lực lượng vũ tranh Nhân dân, nguyên thuyền trưởng tàu 41- Đoàn 125 – Đoàn tàu không số, Quân chủng Hải quân – Bộ Quốc Phòng, chia sẻ: Trước tiên tôi hoan nghênh và đánh giá cao loạt bài phản ánh của Diễn đàn Doanh nghiệp về tình trạng khai thác cát trên địa bạn tỉnh Phú Yên, một việc mà bấy lâu nay Phú Yên chưa làm được việc này. Song, báo chí và công luận cần phải lên tiếng mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt là Báo Phú Yên và các cơ quan báo chí có văn phòng thường trú tại địa phương.
“Chúng ta đã có đầy đủ hành lang pháp lý thì cần phải vào cuộc một cách mạnh mẽ hơn nữa chứ không nên bỏ cuộc. Báo chí phải dũng cảm và phải đi đến tận cùng của vụ việc. Chúng tôi luôn luôn ủng hộ và sẵn bảo vệ lẽ phải, bảo vệ các nhà báo, chứ không bảo vệ cái sai”, ông Thạnh nhấn mạnh.
Cũng theo ông Thạnh, khi phát hiện hành vi vi phạm của doanh nghiệp, khai thác vượt trữ lượng, cát chở sang tỉnh Khánh Hoà, trong khi quy định chỉ cho phép tiêu thụ trong tỉnh tức là vi phạm rồi. Nhưng khi ngành tài nguyên, cơ quan chức năng lập biên bản thì không ký, không phối hợp tức là đã có hành vi chống đối.
“Chứng cứ đã sờ sờ, không phải cần có kết luận mới xử lý. Phát hiện sai phạm tới đâu xử lý tới đó; xử lý từng bước và tiếp tục cao hơn nữa; chỗ nào thò ra bắt cái đã chứ không để phải kết thúc vụ án thì mới xử lý thì họ đã đi hết cả rồi”, ông Thạnh nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Chín, nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra Tỉnh uỷ, Phú Yên cho rằng: tình trạng doanh nghiệp vận chuyển VLXD, đặc biệt là cát ra khỏi địa bàn tỉnh Phú Yên và sang tỉnh Khánh Hoà tiêu thụ là có thật. Rõ ràng điều này là không thể chấp nhận và cần phải chấn chỉnh.
“Trong quy định của pháp luật đã quy định rất rõ, trước mắt là xử lý hành chính, nếu trên mức độ xử lý hành chính mà vẫn còn vi phạm thì tiếp tục xử lý hình sự. Việc này nhất định phải làm để tránh tình trạng lợi dụng giấy phép để khai lậu, khai thác trái phép”, ông Chín nhấn mạnh.
DĐDN sẽ tiếp tục thông tin!