ChatGPT khiến AI “bình dân”
ChatGPT đang gây ra “cơn sốt” không chỉ trong giới công nghệ, mà còn trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống vì tiềm năng ứng dụng của nó.
Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp có một buổi trò chuyện với ông Ngô Trần Bảo Hiệp, Giám đốc công nghệ Công ty Cổ phần Tập đoàn Mutosi xung quanh tiềm năng ứng dụng vào doanh nghiệp của công nghệ này.
– Dưới góc nhìn của một “dân công nghệ”, ông đánh giá thế nào về ChatGPT và những phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI) tương tác tương tự như vậy?
Tôi đánh giá rất cao trải nghiệm người dùng mà phần mềm này mang lại. Cách ChatGPT tương tác đã tiệm cận được cách con người trao đổi trong đời thường. Chính các trải nghiệm này đã mang công nghệ AI trở nên gần gũi, thân thuộc với người dùng đại trà.
AI vốn là một công nghệ được nói nhiều nhưng không nhiều người hiểu được vì nó có khá nhiều điều phức tạp, như là thuật toán, là dữ liệu lớn, v.v.. Bây giờ, công nghệ như kiểu ChatGPT khiến AI trở nên “bình dân”, ai cũng có thể sử dụng được.
Chính vì thế, theo tôi, đây sẽ là một công cụ của tương lai, là một công nghệ sẽ tạo ra một xu hướng mới bởi vì nó mang lại một cách mà con người giao tiếp với máy một cách dễ dàng và thân thiện hơn nhiều. Thậm chí kể cả những người không có kỹ năng công nghệ gì cũng có thể sử dụng được.
– Có ý kiến cho rằng, những phần mềm “kiểu ChatGPT” này phù hợp với người dùng bình thường hơn là ứng dụng vào cho doanh nghiệp. Quan điểm của ông về việc này thế nào?
Tôi muốn nhấn mạnh một điều là chúng ta đang bàn về “công nghệ như kiểu ChatGPT”, chứ không phải là nói cụ thể một phần mềm ChatGPT. Có thể phần mềm cụ thể ChatGPT chỉ phù hợp với người dùng đại trà, nhưng “công nghệ kiểu ChatGPT” có rất nhiều tiềm năng ứng dụng vào hoạt động của doanh nghiệp.
Nói một cách nôm na thì “kiểu ChatGPT” là một phần mềm AI có mấy đặc điểm: “Hiểu” được ngôn ngữ đời thường; có dữ liệu để “huấn luyện” cho AI; thuật toán để xử lý dữ liệu và đưa ra kết quả.
Một doanh nghiệp có thể triển khai phần mềm “kiểu ChatGPT” này vào hệ thống của mình, lấy dữ liệu vận hành để huấn luyện cho AI. Sau đó, các lãnh đạo chỉ cần hỏi một cách rất thoải mái như là “mặt hàng A đang tồn kho bao nhiêu?” hay “doanh số hôm nay là bao nhiêu?”, là sẽ nhận được ngay kết quả cập nhật tức thời mà không cần phải vào hệ thống quản lý, bấm các lệnh đầy tính kỹ thuật (và thường là khó nhớ) như hiện nay nữa.
Một ví dụ khác là AI “kiểu ChatGPT” có thể trở thành một nhân viên chăm sóc khách hàng trực tuyến, hay một nhân viên bán hàng qua mạng. AI này “hiểu” được các câu hỏi của rất nhiều khách hàng cùng một lúc và đưa ra lời tư vấn một cách nhanh chóng, tiết kiệm được rất nhiều nhân lực cho doanh nghiệp.
– Một số người nói rằng, họ không thích phải nói chuyện với một cái máy. Liệu những AI chăm sóc khách hàng như ông vừa ví dụ có làm “mất khách” của doanh nghiệp?
Đó chính là sự khác biệt của công nghệ “kiểu ChatGPT” mà tôi vừa nói ở trên. Rõ ràng là không ai muốn nói chuyện với một cái máy vô cảm. Nhưng nếu AI “kiểu ChatGPT” đủ thông minh, đủ thân thiện và giao tiếp như người với người, như tiềm năng mà ChatGPT đang cho thấy bước đầu thì khách hàng sẽ bớt ác cảm đi rất nhiều và sẽ chấp nhận nó.
– Với góc nhìn của một giám đốc công nghệ, ông sẽ sẵn sàng đầu tư bao nhiêu tiền cho một hệ thống như vậy?
Nếu có một hệ thống đáp ứng được đầy đủ các tính năng, tính chất như chúng ta vừa trao đổi, tôi sẵn sàng chi 2 tỷ mỗi năm.
– Xin cảm ơn ông!