Chặn thao túng ngân hàng nhìn từ vụ Vạn Thịnh Phát
Phân tích từ “đại án” Vạn Thịnh Phát – SCB có thể nhận thấy, vi phạm trong sở hữu chéo, cho vay sân sau của ngân hàng ngày càng tinh vi, đây là một thách thức lớn đối với cơ quan quản lý…
Theo đó, trong Dự thảo luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tiếp tục có những điều chỉnh nhằm siết chặt hơn các quy định về tỉ lệ sở hữu cổ phần; cấm cho vay “nội bộ”, người có liên quan và siết hạn mức dư nợ cấp tín dụng… nhằm bít các lỗ hổng trong hoạt động của tổ chức tín dụng, xử lý hiệu quả tình trạng sở hữu chéo, hạn chế lạm dụng quyền cổ đông lớn, quyền quản trị, điều hành để thao túng hoạt động của tổ chức tín dụng.
Cụ thể, Dự thảo Luật quy định một cổ đông là cá nhân không được sở hữu vượt quá 3% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng (hiện là 5%), tỷ lệ sở hữu đối với cổ đông là tổ chức không quá 10% (quy định hiện tại là 15%). Cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần vượt quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng.
Ngoài ra tại Điều 134 của Dự thảo còn quy định, công ty con, công ty liên kết của cùng một công ty kiểm soát không được góp vốn, mua cổ phần của nhau. Công ty con, công ty liên kết của một tổ chức tín dụng không được góp vốn, mua cổ phần của chính tổ chức tín dụng đó. Tổ chức tín dụng đang là công ty con, công ty liên kết của công ty kiểm soát không được góp vốn, mua cổ phần của công ty kiểm soát đó.
Đặc biệt, Điều 124 và 126 dự Luật sửa đổi quy định các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cấp tín dụng đối với các đối tượng là thành viên trong HĐQT (HĐTV); các chức danh lãnh đạo của các tổ chức tín dụng; pháp nhân là cổ đông có người đại diện phần vốn góp là thành viên HĐQT, thành viên ban kiểm soát của tổ chức tín dụng là công ty cổ phần, pháp nhân là thành viên góp vốn, chủ sở hữu của tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn… Tổng mức dư nợ cấp tín dụng không được vượt quá 10% vốn tự có của ngân hàng/ một khách hàng; không được vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng/ một khách hàng và người có liên quan; không được vượt quá 25% vốn tự có của tổ chức tín dụng phi ngân hàng/một khách hàng; không được vượt quá 50% vốn tự có của tổ chức tín dụng phi ngân hàng/một khách hàng và người có liên quan.
Thực tế nhiều ý kiến đã nhận định, dự thảo đã có một bước tiến đáng kể trong việc nỗ lực xử lý các lỗ hổng trong hoạt động của tổ chức tín dụng, xét trên nhiều bình diện như giải quyết vấn đề sở hữu chéo, nâng cao tính đại chúng, minh bạch, quy định về mở rộng kinh doanh giữa ngân hàng với các loại hình dịch vụ tài chính… Qua đó đã thiết lập được rào cản tốt hơn về sở hữu chéo, giảm tỷ lệ sở hữu của cá nhân và tổ chức trong một tổ chức tín dụng để hạn chế khả năng một cá nhân hoặc một tổ chức có thể ảnh hưởng tới quyết định cấp tín dụng của tổ chức tín dụng.
Tuy nhiên, nhìn vào vụ Vạn Thịnh Phát cho thấy, rõ ràng tất cả những quy định hiện hành và những điều chỉnh trong Dự luật có lẽ chưa thực sự lấp hết được những sơ hở thiếu sót, chưa đủ để ngăn sở hữu chéo ngân hàng, chưa thể chặn thao túng…
Bởi thực tế, sở hữu chéo rất khó nhận diện trong trường hợp cổ đông lớn và người có liên quan của cổ đông lớn cố tình che giấu, nhờ cá nhân, tổ chức khác đứng tên số cổ phần sở hữu để lách quy định của pháp luật. Điều này dẫn tới tiềm ẩn nguy cơ hoạt động của tổ chức tín dụng thiếu công khai, minh bạch, đồng thời, việc này chỉ có thể được phát hiện và nhận diện thông qua công tác điều tra, xác minh của cơ quan điều tra theo quy định của pháp luật.
Điều này thể hiện rõ trong vụ Vạn Thịnh Phát, khi mà bà Trương Mỹ Lan có thể dễ dàng thao túng, chi phối và chỉ đạo toàn bộ hoạt động của Ngân hàng Thương mại CP Sài Gòn (Ngân hàng SCB), biến Ngân hàng này trở thành công cụ tài chính để bà tổ chức huy động tiền gửi phục vụ cho những mục đích cá nhân với thủ đoạn nhờ người đứng tên và tăng tỉ lệ sở hữu cổ phần thực tế tại đây lên hơn 91%. Từ đó, dùng quyền hạn của mình để chỉ đạo các cá nhân ở Ngân hàng SCB và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát triển khai hoạt động rút tiền ngân hàng dưới hình thức giải ngân cho các hồ sơ vay khống của “hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát” với hơn hơn 1.000 doanh nghiệp…
Thiết nghĩ, việc “hạn chế sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng” thì yếu tố hàng đầu là phải xác định được cá nhân/tổ chức là chủ sở hữu thực sự của ngân hàng. Nói cách khác, khuôn khổ pháp lý cần thiết kế nhằm xác định được cá nhân/tổ chức nắm quyền chi phối, ảnh hưởng đến việc ra quyết định trong hoạt động của ngân hàng đó, tức là làm minh bạch thông tin của tất cả các cá nhân, tổ chức là cổ đông của ngân hàng thương mại.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn