Chặn hàng giả trên “chợ mạng”: Cần nêu cao trách nhiệm của các bên liên quan
Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng, theo chuyên gia, để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ trên “chợ mạng”, cần nêu cao trách nhiệm của các bên
Thống kê cho thấy, vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ đã và đang có dấu hiệu gia tăng, tính chung trong 8 tháng đầu năm 2023, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra 52.613 vụ (tăng 11% so với cùng kỳ năm 2022), phát hiện, xử lý 37.960 vụ vi phạm (tăng 36%), thu nộp ngân sách Nhà nước trên 344 tỷ đồng (tăng 59%). Chuyển cơ quan điều tra 139 vụ có dấu hiệu hình sự (tăng 70%); trị giá hàng hóa tịch thu gần 143 tỷ đồng; trị giá hàng hóa tiêu hủy và buộc tiêu hủy 93 tỷ đồng.
Đáng nói, vấn nạn này không chỉ tồn tại trong hoạt động kinh doanh truyền thống mà trở nên ngày một nhức nhối trên “chợ mạng”.
Thực tế, theo đại diện của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, chỉ tính đến tháng 4/2023, đơn vị này đã phát hiện 4.516 gian hàng vi phạm và 13.642 sản phẩm đã được gỡ bỏ trên sàn thương mại điện tử (TMĐT). Con số này cao gấp từ 2 đến 3 lần so với tổng cả năm 2022 (đã gỡ bỏ 1.663 gian hàng với 6.437 sản phẩm vi phạm).
Hàng thật – giả trên “chợ mạng” rất khó nhận biết, trong số đó, hóa mỹ phẩm, thực phẩm chức năng là những mặt hàng được người tiêu dùng lựa chọn, mua sắm nhiều. Nhưng đây lại là những mặt hàng không những có nguy cơ bị làm giả nhiều nhất, mà còn khó quản lý bởi những quy định hiện hành.
“Việc các website và các trang mạng xã hội được tạo ra và đóng lại nhanh chóng khiến lực lượng chức năng rất khó kiểm soát, kiểm tra, xử lý vi phạm. Khi lịch sử giao dịch bị xóa, việc khôi phục giao dịch cũng là thách thức với cơ quan quản lý khi có hàng triệu thông tin về giao dịch được truyền tải trong mỗi giây”, đại diện Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chia sẻ.
Trước thực trạng đã nêu, lực lượng chức năng đã vào cuộc quyết liệt, tuy nhiên, việc phát hiện, xử lý vi phạm vẫn còn đó không ít khó khăn, thách thức.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Lê – Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, các hành vi kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng nhập lậu, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc ngày một phức tạp, tinh vi, diễn ra trực tiếp và thường xuyên hơn trên môi trường trực tuyến.
Song trong quá trình kiểm tra, kiểm soát và xử lý các hành vi vi phạm, lực lượng Quản lý thị trường cũng gặp nhiều thách thức, khó khăn. Đơn cử như các tổ chức, cá nhân có thể dễ dàng lập và sử dụng nhiều tài khoản riêng để thực hiện việc kinh doanh hàng hóa trên các nền tảng mạng xã hội như zalo, facebook, tiktok… các hoạt động này gây khó khăn cho lực lượng trong công tác xác minh địa điểm, kho hàng…
“Hoạt động TMĐT dựa trên hạ tầng về công nghệ, nên trong quá trình kiểm tra, các đối tượng ẩn đi, xóa đi chứng cứ rất nhanh gây khó khăn cho hoạt động thực thi công vụ”, ông Lê chia sẻ.
Theo ông Lê, đối với các giao dịch trên mạng xã hội, việc chứng minh giao dịch thương mại là rất khó khăn, phức tạp. Người mua – người bán trao đổi qua inbox cá nhân; hàng hóa vận chuyển qua dịch vụ vận chuyển, logistics hoặc qua đường bưu chính, thanh toán trực tuyến bằng tài khoản cá nhân. Vì vậy, bên cạnh việc thực hiện các biện pháp nghiệp vụ để tìm nơi cất giấu hàng hóa, lực lượng Quản lý thị trường phải phối hợp tạo lập bằng chứng chứng minh hành vi vi phạm của đối tượng.
Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên môi trường TMĐT, ông Lê cho biết, lực lượng Quản lý thị trường đã định hướng thay đổi toàn diện phương thức hoạt động kiểm tra, kiểm soát.
Theo đó, lực lượng sẽ ưu tiên phòng ngừa, giám sát, tăng cường kiểm tra đột xuất, chuyên đề, hậu kiểm, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật. Cùng với đó, tập trung xây dựng lực lượng Quản lý thị trường tinh nhuệ, chủ động, thống nhất, phản ứng nhanh, liên tục, thông suốt hiệu quả 24/7.
Đặc biệt, lực lượng sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý địa bàn tập trung; đưa các giải pháp về công nghệ áp dụng vào quá trình giám sát, phòng ngừa. Tập trung triển khai Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử đến năm 2025.
“Thực hiện hiệu quả các mục tiêu trên, lực lượng Quản lý thị trường sẽ xây dựng đội ngũ công chức, kiểm soát viên chuyên trách về TMĐT, đẩy mạnh đào tạo, tập huấn nghiệp vụ về thương mại điện tử cho công chức Quản lý thị trường. Đặc biệt các kỹ năng liên quan tới điều tra, thu thập chứng cứ, thông tin đối tượng”, ông Nguyễn Đức Lê nhấn mạnh.
Cùng với sự vào cuộc của lực lượng chức năng, để ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ trên “chợ mạng”, một số ý kiến cũng cho rằng, các chủ thể, từ người bán, người sản xuất cho đến người tiêu dùng đều phải có trách nhiệm trong công tác đấu tranh.
Theo Luật sư Nguyễn Tiến Lập – Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam, cần sự chung tay của doanh nghiệp. Doanh nghiệp muốn bảo vệ thương hiệu thì cần nâng cao “tinh thần chủ động” chứ không phải đợi cơ quan chức năng, còn người tiêu dùng muốn bảo vệ mình thì người tiêu dùng phải trông cậy vào các Hiệp hội là những người đại diện cho mình, hoặc các luật sư thành một cơ chế hợp tác đa bên để giải quyết vấn nạn trên.