CEO và Chủ tịch của doanh nghiệp đại chúng có thu nhập bình quân ra sao?
Phân tích dữ liệu của 200 doanh nghiệp đại chúng đại diện 85,6% tổng giá trị vốn hóa trên 3 sàn chứng khoán tại thời điểm cuối năm 2023, hé lộ nhiều bất ngờ.
Thu nhập của CEO
Theo kết quả khảo sát dữ liệu, phân tích tại báo cáo “Thu nhập của Tổng Giám đốc, Chủ tịch HĐQT và Thành viên Độc lập HĐQT tại các Công ty Đại chúng” được thực hiện bởi FiinGroup, FiinRatings và VNIDA vừa công bố, ghi nhận kết quả về thu nhập bình quân (không bao gồm ESOP) của các nhà lãnh đạo vị trí CEO trong các công ty đại chúng ở Việt Nam ở mức dưới 2,5 tỷ đồng/năm trong năm 2023.
Trong đó, Bất động sản, Dịch vụ tài chính (chủ yếu là Công ty Chứng khoán), và Bảo hiểm là những ngành có thu nhập bình quân cho vị trí Tổng Giám đốc cao nhất – thuộc Top 3 ngành có Thu nhập bình quân của CEO cao nhất, vượt trội so với mức bình quân của thị trường.
Một số công ty trong Top 15 doanh nghiệp có mức thu nhập cao nhất có CEO là người nước ngoài bao gồm Masan (MSN), Bất động sản Nam Long (NLG).
Xét theo loại hình doanh nghiệp, thu nhập của CEO ở nhóm doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) chi phối chưa bằng gần một nửa so với nhóm doanh nghiệp Tư nhân cho dù hiệu quả hoạt động (thể hiện qua tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu – ROE) khá tương đồng.
“Điều này xuất phát từ thực tế là vị trí Chủ tịch HĐQT trong các DNNN cũng là các vị trí có tính chất điều hành theo cơ chế hiện nay. thu nhập bình quân của CEO tại nhóm doanh nghiệp nhà nước thấp hơn đáng kể so với doanh nghiệp tư nhân, dù hiệu quả hoạt động khá tương đồng”, báo cáo nêu.
Còn xét theo quy mô vốn hóa, thu nhập của CEO ở nhóm Vốn hóa lớn vượt xa mặt bằng chung (3,8 tỷ đồng), cao hơn khoảng 52% so với mức bình quân toàn thị trường (2,5 tỷ đồng, và hơn gấp 3 lần nhóm vốn hóa nhỏ (1,2 tỷ đồng) trong năm 2023. Điều này theo các nhà phân tích đánh giá là khá hợp lý khi hiệu quả hoạt động ở nhóm Vốn hóa lớn tích cực hơn so với hai nhóm còn lại.
Vẫn theo dữ liệu thu thập và đánh giá ghi nhận, CNTT, Ngân hàng, Bán lẻ là các ngành có hiệu quả hoạt động tốt hơn mặt bằng chung với tỷ suất ROE cao (>15% trong năm 2023) nhưng thu nhập bình quân của CEO lại ở mức tương đối thấp. Lý do chính là thu nhập này chưa tính đến giá trị của số cổ phiếu thưởng theo ESOP mà ban lãnh đạo nhận được trong năm.
Theo phương pháp thực hiện thu thập khảo sát dữ liệu, việc không tín giá trị của cổ phiếu thưởng theo ESOP mà ban lãnh đạo nhận được, lý do là bởi cổ phiếu thưởng và ESOP không phản ánh ngay lập tức thu nhập thực tế mà các lãnh đạo nhận được trong năm tài chính. Thay vào đó, chúng thường được coi là một phần của các khoản lợi ích dài hạn, có giá trị thay đổi theo biến động thị trường và phụ thuộc vào điều kiện nắm giữ hoặc quyền mua cổ phiếu.
Thực tế ngoài dữ liệu báo cáo, nhiều lãnh đạo ở vị trí CEO lẫn Chủ tịch HĐQT của các công ty đại chúng (doanh nghiệp tư nhân) luôn có mặt trong các Top người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam, chủ yếu trên giá trị tài sản cổ phiếu thưởng theo ESOP mà họ nhận được, giúp nhân tổng giá trị tài sản lên thêm mỗi năm.
Tại báo cáo, các nhà phân tích thông qua dữ liệu cho biết, ngành Bất động sản đang trải qua giai đoạn nhiều khó khăn thách thức và với hiệu quả hoạt động suy giảm nhiều năm liên tiếp, nhưng thu nhập cho vị trí CEO vẫn ở mức cao nhất trong các ngành. Xét riêng năm 2023, thu nhập của vị trí CEO chưa gắn liền với mục tiêu về tăng trưởng giá trị công ty ở hầu hết các ngành. “Thực tế là thu nhập của Ban lãnh đạo thường được xác định từ năm trước đó. Ngoài ra, theo thông lệ tại Việt Nam thì việc tăng trưởng giá trị công ty chưa phải là một chỉ tiêu KPI hoặc xác định chế độ lương thưởng của các vị trí chủ chốt của Ban Điều hành”, báo cáo lưu ý.
Thu nhập của Chủ tịch HĐQT
Mức bình quân cho năm 2023 là 1,7 tỷ đồng/người. Ngân hàng và Dịch vụ tài chính (chủ yếu là CTCK) có thu nhập bình quân của Chủ tịch HĐQT cao nhất, nhờ đặc thù tham gia điều hành của các lãnh đạo này. Mối tương quan giữa thu nhập và hiệu quả hoạt động rõ ràng hơn khi xét theo quy mô vốn hóa.
Thu nhập của Chủ tịch HĐQT ở Ngân hàng, Dịch vụ Tài chính (chủ yếu Chứng khoán) và một số doanh nghiệp (bao gồm PNJ, VHM, NLG, NTP, REE…) cao hơn so với phần đông còn lại. Yếu tố này có thể do ngoài việc đây đều là những doanh nghiệp lớn, đầu ngành thì theo quan sát của chúng tôi thì vị trí Chủ tịch HĐQT cũng tham gia vào một số công tác điều hành và chia sẻ một số phạm vi công việc của vị trí điều hành như CEO.
Nhóm doanh nghiệp có vốn Nhà nước (Nhà nước sở hữu từ 25% đến dưới 51% tổng vốn chủ sở hữu) có ROE cao nhất nhưng thu nhập bình quân của Chủ tịch HĐQT (cũng như của CEO) cùng thấp hơn 16%-20% so với mức bình quân toàn thị trường.
Xét theo quy mô vốn hóa, thu nhập bình quân của vị trí Chủ tịch HĐQT có tương quan rõ rệt với hiệu quả hoạt động. Nhóm có ROE ở mức cao thì thu nhập của Chủ tịch HĐQT cũng cao hơn (3,4 tỷ đồng, xấp xỉ thu nhập CEO cùng nhóm có cùng tiêu chí xét) so với nhóm còn lại (1,7 tỷ đồng và 0,7 tỷ đồng trong năm 2023).
Đáng chú ý, thu nhập của vị trí Chủ tịch HĐQT có mối tương quan đáng kể với hiệu quả hoạt động ở ngành Ngân hàng. Thu nhập bình quân của Chủ tịch HĐQT và hệ số ROE bình quân ngành Ngân hàng cùng ở mức cao. Thực tế này xuất phát một phần từ thực tế là Chủ tịch HĐQT nhiều Ngân hàng đều là chủ tịch điều hành. Ngược lại, CNTT và Bán lẻ có hiệu quả cao (ROE) cao nhưng thu nhập bình quân của Chủ tịch HĐQT lại ở mức rất thấp.
Ghi nhận từ phía thị trường, trong 6 tỷ phú của Việt Nam theo xếp hạng tài sản của Forbes năm 2024, thì có 2 tỷ phú là Chủ tịch và Phó Chủ tịch Thường trực của ngân hàng. 4 tỷ phú khác đều là Chủ tịch HĐQT của các Tập đoàn có quy mô vốn hóa dẫn đầu các ngành của nền kinh tế.
Theo các nhà phân tích, xét riêng năm 2023, thu nhập của vị trí Chủ tịch HĐQT chưa gắn liền với mục tiêu về tăng trưởng giá trị công ty ở hầu hết các ngành.
Thu nhập của Thành viên độc lập HĐQT
Ở vị trí này, dữ liệu ghi nhận có sự chênh lệch lớn giữa các ngành, cao nhất là ở ngành Hàng cá nhân và Ngân hàng, nhưng mức thu nhập trung bình vẫn còn mang tính tượng trưng ở nhiều doanh nghiệp.
Xét theo quy mô vốn hóa, thu nhập bình quân của Thành viên độc lập HĐQT cải thiện mạnh ở nhóm Vốn hóa nhỏ trong năm 2023 và giảm nhẹ ở nhóm Vốn hóa vừa.
Thông qua báo cáo về thu nhập bình quân của các vị trí lãnh đạo cấp cao tại các nhóm doanh nghiệp đã đại chúng, các nhà phân tích ngụ ý 5 vấn đề cho doanh nghiệp và cổ đông:
Thứ nhất, thu hẹp khoảng cách về thu nhập giữa các vị trí điều hành như Tổng Giám đốc tại nhóm doanh nghiệp nhà nước sở hữu và doanh nghiệp tư nhân, trong bối cảnh hiệu quả kinh doanh không có sự chênh lệch đáng kể. Đây là giải pháp quan trọng nhằm cải tổ khối doanh nghiệp có vốn nhà nước.
Thứ hai, bên cạnh việc tách bạch vai trò của hai vị trí Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc như quy định hiện nay, các doanh nghiệp có thể xem xét việc thiết kế và xây dựng chính sách và cấu trúc thu nhập cho các vị trí chủ chốt này dựa trên nhiệm vụ, phạm vi công việc và các chỉ tiêu đo lường hiệu quả. Những chỉ tiêu này có thể bao gồm Tỷ suất lợi nhuận, Hiệu quả sử dụng vốn, Tăng trưởng thu nhập cốt lõi/có tính bền vững, cùng với các chỉ tiêu hoàn thành kế hoạch như hiện nay.
Thứ ba, nâng cao vai trò và phát huy tính hiệu quả của Thành viên độc lập HĐQT thông qua việc cải thiện chính sách, dựa trên vai trò và sự tham gia vào các ủy ban chuyên môn trực thuộc HĐQT. Đồng thời, hoàn thành trách nhiệm đóng góp một cách khách quan vào quá trình ra quyết định của HĐQT theo nguyên tắc tránh xung đột lợi ích, đảm bảo tính khách quan nhằm bảo vệ quyền lợi cổ đông, không gắn với kết quả kinh doanh hay chỉ tiêu cụ thể trong kỳ.
Thứ tư, gắn kết thu nhập với Hiệu quả hoạt động kinh doanh và Tăng trưởng giá trị công ty cho HĐQT, thành viên Ban điều hành và các vị trí lãnh đạo chủ chốt trong một giai đoạn chiến lược cụ thể cũng như từng năm.
Thứ năm, thiết lập cơ chế phê duyệt, giám sát chặt chẽ và rà soát điều chỉnh hàng năm với Ủy ban lương thưởng, đồng thời tham chiếu với dữ liệu so sánh chuẩn của ngành và thị trường. Cơ chế này cần cân bằng lợi ích ngắn hạn từ doanh thu-lợi nhuận và lợi ích dài hạn từ ESOP, thưởng dài hạn, và các chỉ số ESG ảnh hưởng đến giá trị Công ty.
Được biết, 200 công ty đại diện đại diện khảo sát đã tạo ra doanh thu gần 3,3 triệu tỷ đồng trong năm 2023, chiếm 72% tổng doanh thu thuần của các doanh nghiệp niêm yết trên 3 sàn và tương đương 32% GDP theo giá so sánh của Việt Nam cho cùng năm.
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp