CEO Talentnet: Ba xu hướng tìm kiếm nhân lực của doanh nghiệp

Để tối ưu hoá nguồn nhân lực, doanh nghiệp hiện có xu hướng tìm kiếm linh hoạt 3 nguồn nhân lực thay vì chỉ phụ thuộc vào nhân lực cố định.

Bà Tiêu Yến Trinh – CEO công ty CP kết nối nhân tài (Talentnet Corporation) đã chia sẻ về cơ hội việc làm tại Việt Nam dành cho du học sinh cũng như thay đổi trên thị trường lao động Việt Nam hiện nay.

Với nhiều kinh nghiệm của một công ty tư vấn nhân sự lớn tại Việt Nam, là đối tác nhân sự cho các công ty và tập đoàn đa quốc gia, bà Tiêu Yến Trinh cho biết, thị trường Việt Nam đang và sẽ có nhiều cơ hội việc làm tốt dành cho các bạn trẻ. Là quốc gia có tăng trưởng GDP cao trong ASEAN, Việt Nam đang trở thành điểm đến đầu tư của các doanh nghiệp FDI. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn ở nhiều lĩnh vực như công nghệ, sản xuất công nghiệp, bán lẻ… chuyển dịch nhà máy, chuỗi cung ứng sang Việt Nam. Người lao động có thể lựa chọn làm việc trong các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp trong khu vực ASEAN và các doanh nghiệp tại Việt Nam.

CEO Talentnet: Ba xu hướng tìm kiếm nhân lực của doanh nghiệp

CEO công ty Talentnet Corporation Tiêu Yến Trinh

Trước đây, nhiều nhân sự có xu hướng lựa chọn làm việc trong các doanh nghiệp FDI nhưng hiện nay ranh giới trên không còn ý nghĩa. Làm việc cho doanh nghiệp nào không quan trọng, theo bà Tiêu Yến Trinh, cốt yếu nằm ở sự chuyên nghiệp, minh bạch, phát triền bền vững và có chiến lược rõ ràng. Với sự thay đổi như vậy, nữ CEO của Talentnet cũng đánh giá rất cao môi trường làm việc của các doanh nghiệp Việt Nam.

“Ở vị trí thành viên hội đồng quản trị độc lập của một số doanh nghiệp Việt Nam, tôi hạnh phúc và tự hào được làm việc tại doanh nghiệp Việt. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp Việt có khát vọng và tư duy trở thành doanh nghiệp toàn cầu, hợp tác với đối tác nước ngoài hoặc mở rộng đầu tư trong nước. Tại doanh nghiệp này, người lao động có nhiều cơ hội làm việc tại nước ngoài và biết cách để tạo dựng tư duy chiến lược nhằm tạo ra giá trị mới, nâng tầm giá trị thương hiệu Việt” – bà Tiêu Yến Trinh chia sẻ.

Về Việt Nam để khởi nghiệp, nữ CEO của Talentnet cho rằng, đây là một nhánh việc làm lý tưởng dành cho các bạn trẻ có khát vọng và hoài bão. Tư duy làm việc hiện nay của các startup  không phải là tự mày mò, tự làm như trước đây. Thay vào đó là tư duy, chiến lược hợp tác với đối tác để chia sẻ giá trị, chia sẻ kinh tế… tạo ra cơ hội hợp tác với nhau, hợp tác với các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước.

Tư duy việc làm thay đổi cũng làm cho lực lượng lao động thay đổi theo. Trước đây, trong doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động xem người lao động là nhân viên. Còn hiện nay, người lao động có thể xem là đối tác.

Để tối ưu hoá nguồn nhân lực, hiện doanh nghiệp có xu hướng tìm kiếm linh hoạt 3 nguồn nhân lực. Đó là nhân sự chính và cố định tạo giá trị chính cho doanh nghiệp (fixed workforce); nhân sự linh hoạt, làm việc ngoài giờ, làm trực tuyến, làm theo dự án (flexi workforce) và thực tập sinh, nhân sự tự do thuê ngoài (flow workforce). Nhiều doanh nghiệp đang thực hiện tái cơ cấu và thay đổi quản trị nhân sự để thích ứng với sự thay đổi trong tiếp cận nguồn nhân lực.

CEO Talentnet: Ba xu hướng tìm kiếm nhân lực của doanh nghiệp

Nhiều doanh nghiệp Việt đang có xu hướng tìm kiếm nhiều nguồn nhân lực để tối ưu hoá hoạt động (ảnh minh hoạ)

Trong thị trường thay đổi như vậy, người trẻ luôn có cơ hội việc làm tốt. Tuy nhiên, đi kèm với đó là thách thức bởi thị trường lao động luôn có sự cạnh tranh khốc liệt. Để nhân sự trẻ “tự tin gõ cửa tương lai” và tạo được nhưng thành công trong công việc tại doanh nghiệp, từ kinh nghiệm tư vấn, bà Tiêu Yến Trinh đã đưa ra mô hình với các từ khoá “A-B-C-D-E-F”.

Đó là sự nhanh nhạy (agility) là yếu tố nhiều doanh nghiệp rất thích ở những nhân sự biết cách điều tiết bản thân phù hợp với môi trường làm việc; trình độ, sự am hiểu sâu và kỹ càng về chiến lược của từng ngành nghề, lĩnh vực mà nhân sự gắn bó (business mint); kết nối (connection) là chìa khóa thành công.

Ngoài ra, trong thời đại công nghệ, kỹ năng về kỹ thuật số (digital) là yếu tố không thể thiếu, nhân sự đặc biệt cần có kỹ năng phân tích dữ liệu tạo cái nhìn rộng và đa chiều từ đó đưa ra giải pháp quyết định đúng đắn. Cuối cùng là sự thấu cảm (empathy) bởi thế giới càng hiện đại, càng sử dụng nhiều robot và làm việc trực tuyến thường xuyên thì sự thấu cảm càng trở nên cần thiết. Nhân sự có chỉ số EQ tốt sẽ có thể thấu hiểu được người khác, thấu hiểu được khách hàng nhiều và có giải pháp tốt hơn.

“Khi kỹ năng của bạn càng nhiều, giá trị bản thân của bạn càng tăng và thu nhập sẽ cao hơn nữa” – bà Tiêu Yến Trinh nhận định.

Nguồn: diendandoanhnghiep.vn

Bài Viết Liên Quan

Back to top button